Khánh Hòa – Bình Định – Phú Yên: Khẩn cấp ứng phó bão số 5

Thùy Trang - Quang Khánh 30/10/2019 16:12

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13h chiều nay 30/10 tâm bão số 5 (tên quốc tế là Matmo), cách đất liền các tỉnh Bình Định - Khánh Hoà khoảng 120 km về phía Đông. Dự báo đến 19h ngày 30/10, tâm bão ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh Bình Định – Phú Yên.

Khánh Hòa – Bình Định – Phú Yên: Khẩn cấp ứng phó bão số 5

Tàu thuyền neo đậu an toàn trước bão tại cảng Thị Nại – Quy Nhơn - Ảnh: Quang Khánh.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (90 km/giờ), giật cấp 11-12. Mưa lớn xảy ra trên diện rộng, riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, lượng mưa dự báo từ 400-600 mm.

Ngay từ chiều 29/10, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão và là cơn bão số 5 trong năm 2019. Đồng thời, cơn bão trực tiếp đổ bộ vào các vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận.

Trước khả năng mưa lớn trên diện rộng từ ngày 30 – 31/10, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cùng nhân dân trên địa bàn các tỉnh bị ảnh hưởng đã khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm ứng phó với thiên tai.

Trước tình hình đó, Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa) đã có công điện gửi các đơn vị trực thuộc về việc chủ động ứng phó với áp thấp trên biển Đông. Ngay sau đó, lãnh đạo Công ty đã nhanh chóng tổ chức cuộc họp khẩn nhằm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kịp thời triển khai công tác rà soát, hoàn thiện phương án PCTT&TKCN, sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

Theo đó, để chủ động phòng chống, hạn chế thiệt hại do mưa bão, lũ lụt gây ra, lãnh đạo PC Khánh Hòa đã yêu cầu các đơn vị thực hiện ngay công tác PCTT&TKCN theo phương án đã phê duyệt để đảm bảo cấp điện trên địa bàn phụ trách, đồng thời đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị.

Hiện nay, các địa phương tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định đang huy động lực lượng chủ động tích cực ứng phó với bão số 5. Cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng. Các huyện, thị, thành phố dự trữ và vận động nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, các nhu yếu phẩm cần thiết; nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ngập lụt, cô lập, chia cắt giao thông.

Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có hơn 276 điểm xung yếu (ngầm, cầu, tràn và khu vực có nguy cơ sạt lở cao) có nguy cơ chịu ảnh hưởng do mưa lũ, ngập lụt. Hiện, các địa phương cũng đã cắt cử người chốt chặn tại các vị trí xung yếu nhất là các cầu tràn, ngầm để đảm bảo an toàn cho người dân khi qua lại.

Tại công điện khẩn về việc triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các địa phương, sở ngành, đơn vị rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè; chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn tính mạng người dân khi có mưa lớn xảy ra.

Các tàu đánh bắt thuỷ sản, tàu du lịch và phương tiện đường thuỷ khác không được ra khơi kể từ 12h ngày 30/10. Đối với ngư dân, hộ đang nuôi trồng thuỷ sản tại các lồng bè trên biển phải vào bờ bắt buộc trước 16h ngày 30/10 cho đến khi hết bão. UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở GD-ĐT, các trường học thực hiện cho HS - SV nghỉ học trong 2 ngày 30 và 31/10 và có kế hoạch bố trí học bù vào thời gian thích hợp…  

Tại Bình Định, sáng ngày 30/10, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành đã đi kiểm tra tình hình ứng phó với bão lũ. Bình Định đã huy động lực lượng quân đội, công an túc trực, sẵn sàng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo buộc tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Bình Định cũng đang tập trung sơ tán hơn 6.000 hộ dân ở các vùng trũng ven sông, ven biển ở huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát... đến vùng cao trú tránh bão, lũ an toàn. Các trường học trên địa bàn chủ động cho học sinh nghỉ học từ chiều 30/10 đến hết ngày 31/10.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, toàn tỉnh còn 237 tàu/1.896 lao động đang nằm trong vùng nguy hiểm hiện đã được thông báo, hướng dẫn thuyền trưởng di chuyển tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm, nghiêm cấm không cho tàu thuyền xuất bến cho đến khi có thông báo cuối tùng về cơn bão này. Sở NN&PTNT cũng đã kiểm tra và triển khai phương án phòng chống lụt bão (PCLB) cho các công trình thủy lợi lớn, các đập, tràn trên sông.

Tại Phú Yên, ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, địa phương đang huy động quân đội, dân quân tự vệ hỗ trợ hơn 3.500 hộ dân trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu về nơi an toàn trước khi bão số 5 đổ bộ.

Trong khi đó, hơn 400 hộ dân vùng nguy cơ sạt lở dọc hai bên bờ sông Ba, sông Kỳ Lộ (Phú Yên) cũng được sơ tán đến các các hộ dân, công trình kiên cố, vùng cao an toàn.Ngoài ra, các hộ dân sống gần ven biển, nhà cửa chưa được kiên cố, đã được các lực lượng tại địa phương hỗ trợ, chủ động làm bao cát chèn chống, chằng buộc nhà cửa, công trình.

Đến nay, 100% tàu thuyền Phú Yên đánh bắt trên biển đã được Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên liên lạc và yêu cầu tìm nơi tránh trú an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khánh Hòa – Bình Định – Phú Yên: Khẩn cấp ứng phó bão số 5

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO