'Khát' lao động

Nam việt 17/02/2022 07:15

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết 96% lao động đã trở lại làm việc, tương đương 1,9 triệu người. Đây là mức kỷ lục được ghi nhận trong nhiều năm qua. Các năm trước, tính đến 15/2 chỉ khoảng 70-80% lao động trở lại làm việc sau Tết.

Nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương kê bàn ghế ngoài đường để tuyển lao động. Ảnh: Hương Chi

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có lượng lao động trở lại làm việc nhiều như vậy, nhiều địa phương có khu công nghiệp - khu chế xuất cho biết họ đang rất “khát” lao động, đặc biệt là với những doanh nghiệp đã chuẩn bị được đơn hàng đến tháng 7/2022.

Một trong những nguyên nhân quan trọng để số lao động trở lại làm việc tại TPHCM sau Tết “dồi dào” được cho là tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại thành phố khá tốt, số người nhiễm mới ít, các doanh nghiệp cũng như mọi mặt hoạt động của thành phố đã gần như bình thường. Vì thế, người lao động yên tâm. Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, đáng chú ý, sau Tết có hơn 1.000 công nhân mắc Covid-19 sau khi khỏi đã quay trở lại làm việc. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 đạt trên 86%; riêng khu công nghiệp đạt trên 96%.

Cùng đó, chính sách giữ chân, thu hút người lao động của TPHCM cũng được đánh giá là khá tốt. Theo ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TPHCM, số tiền chăm lo Tết cho người lao động trong năm nay tại thành phố là 386 tỷ đồng, cao hơn 1,5 lần so với các năm trước. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, Liên đoàn Lao động TPHCM tập trung vào 4 nhóm công việc do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai bao gồm: nhà ở của công nhân; chăm sóc con cái người lao động quay trở lại làm việc; đáp ứng các tiêu dùng hàng ngày trong phúc lợi của đoàn viên; đào tạo và đào tạo lại với người lao động.

Nhưng, khác với TPHCM, Bình Dương, địa phương “láng giềng” cũng là tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, sau Tết số lao động trở lại chưa nhiều, khiến doanh nghiệp lo lắng. Vào thời điểm này, hàng loạt doanh nghiệp ở Bình Dương đang ra sức tuyển dụng lao động. Tại các tuyến đường gần các khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đặt bàn ghế và treo bảng “tuyển dụng gấp” để tìm lao động.

Tại Bình Dương, doanh nghiệp rơi vào tình trạng “khát” người lao động sau Tết chủ yếu là các ngành may mặc, chế biến gỗ, bất động sản, linh kiện điện tử. Địa phương có nhu cầu tuyển dụng sau Tết hơn 70.000 người, trong đó lao động phổ thông chiếm 75%. Để thu hút lao động, doanh nghiệp đưa ra mức lương rất cao từ 6 - 18 triệu đồng/tháng.

Một chủ doanh nghiệp gỗ ở Bình Dương cho biết, công ty cần khoảng 200 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Để thu hút lao động, công ty đưa ra mức lương cao hơn các năm, dao động từ 9 đến 12 triệu đồng/tháng. Nhưng đã hơn 5 ngày đặt bàn ngoài đường tuyển dụng vẫn chỉ được vài người. Tương tự, một doanh nghiệp may cần tuyển khoảng 500 người, cho dù cũng đã nỗ lực nhiều cách để tìm lao động nhưng gần 1 tuần cũng chỉ tuyển được hơn 10 người. Lo ngại dịch bệnh nên người lao động về quê không mặn mà quay trở lại làm việc- đó là nguyên nhân được các chủ doanh nghiệp đưa ra.

Ông Phạm Văn Tuyên- Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, Sở đang triển khai các kế hoạch tìm kiếm nguồn lao động để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất hậu dịch Covid-19 và sau Tết Nguyên đán 2022. Trước đó, do thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài nhiều doanh nghiệp buộc phải cho công nhân tạm nghỉ việc, kể cả buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động dẫu rất muốn giữ người làm. Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp cần lao động lại khó khăn bởi người lao động tìm việc khác hoặc về quê không quay trở lại. Vẫn theo ông Tuyên, trung bình mỗi doanh nghiệp cần tuyển từ 50 đến 1.000 lao động phổ thông, có doanh nghiệp cần tuyển trên 2.000 lao động.

Thực tế thì năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán nhiều doanh nghiệp lại “khát” lao động. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, không chỉ vào dịp này mà vấn đề này buộc các chủ doanh nghiệp phải thay đổi cách nhìn về người lao động: Đó là bảo đảm chế độ chính sách, cả về vật chất lẫn tinh thần cho người lao động để họ gắn bó với công việc. Và một điều rất quan trọng là cần phối hợp với chính quyền địa phương để có quỹ đất làm nhà cho người lao động, vì đa số họ sống xa quê, chỉ có an cư mới lạc nghiệp.

Vì vậy, câu chuyện “khát” lao động sau Tết cần phải được nhìn nhận ở chiều sâu, xa hơn. Đó là bảo đảm cuộc sống cho người lao động, không chỉ ở đồng lương mà còn cả về nhu cầu tinh thần, chỗ ở cũng như phải để người lao động nhìn thấy tương lai cho con cái của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Khát' lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO