Khen cho con mắt tinh đời...

Bắc Phong 08/10/2020 13:30

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành kế hoạch tuyển dụng lại công chức tỉnh đợt 1, với 17 vị. Những trường hợp này hiện đều làm lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh Ninh Bình. Đây đều là những trường hợp trước đó được tuyển dụng theo chính sách thu hút của UBND tỉnh hoặc được tiếp nhận từ doanh nghiệp, điều động từ đơn vị sự nghiệp… được cho là không đảm bảo trình tự, thủ tục tuyển dụng.

Đó là những trường hợp do tỉnh xét tuyển không đúng, trong khi theo quy định thì các trường hợp này phải thi tuyển dụng công chức. Vì thế phải thi tuyển dụng lại công chức. Nếu những người này không thi đỗ công chức sẽ bị thu hồi chức vụ và các quyết định bổ nhiệm.

Làm sai thì phải làm lại, ai làm sai thì phải truy cho ra trách nhiệm. Nhưng nhìn chung thì đây cũng vẫn là câu chuyện tổ chức cán bộ luôn nhận được sự quan tâm rộng rãi của xã hội.

Việc thi lại công chức của Ninh Bình ra sao, rồi đây sẽ có kết quả và tất nhiên đi cùng đó là việc sắp xếp đội ngũ thế nào. Do câu chuyện mới bắt đầu nên hãy tạm dừng ở đó, tuy nhiên từ “hiện tượng” này thiết nghĩ cũng nên bàn về việc tuyển dụng, đánh giá và bố trí cán bộ.

Công tác cán bộ là rất hệ trọng vì cán bộ là gốc của vấn đề, là “then chốt của then chốt”; công việc thành hay bại chủ yếu cũng đến từ đội ngũ cán bộ tốt hay xấu. Cũng chính vì thế mà quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm được quy định rất chặt chẽ, phải thực hiện thận trọng qua nhiều bước, nhiều khâu.

Ấy thế nhưng trên thực tế vẫn để lọt vào đội ngũ những kẻ xấu, leo cao luồn sâu, trục lợi cá nhân, tạo dựng nhóm lợi ích để rồi phá từ trong phá ra vô cùng nguy hại. Trong số đó có người chiếm được vị trí nhờ “xét tuyển”, nhưng phần lớn là làm theo quy trình. Nếu vậy thì chẳng lẽ quy trình sai?

Nhiều vị làm công tác tổ chức lâu năm có nhiều kinh nghiệm cho rằng quy trình không sai và cũng gần như không có lỗ hổng. Nó bị xấu đi ở chỗ những người có quyền “áp” quy trình đã cố tình làm sai. Họ đã mang quy trình ra để hợp thức hóa vị trí công tác “béo bở” cho “người của mình” và cũng lại dùng quy trình để gạt ra ngoài những người không ăn cánh. Thế mới nói “miếng võ quy trình” thật nguy hiểm!

Trong quy trình (hay là đòi hỏi tiêu chuẩn) tuyển dụng, bổ nhiệm đòi hỏi rất nhiều điều kiện, có người ví như “một rừng giấy phép con” khiến không ít người có khả năng chuyên môn nản chí, bởi ngày này sang ngày khác họ cặm cụi với công việc thời gian đâu mà đi lo cho đủ cả tập “chứng chỉ” như vậy. Thế là nảy ra cái chuyện xin - cho. Dĩ nhiên người tự trọng không mấy ai chịu đi “xin” nên đành đứng ngoài cuộc chơi. Vị trí công việc nào đó lẽ ra họ làm tốt thì lại rơi vào người kém tài nhưng “đủ điều kiện”.

Thực tế cho thấy, khi tuyển dụng, bổ nhiệm không phải ai cũng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định cứng, vì thế đã phải chịu thua thiệt, trong nhiều trường hợp là bi kịch của cả đời người chỉ vì thiếu một “chứng chỉ” nào đó. Họ chỉ còn biết ngậm ngùi nhìn những kẻ kém tài nhưng khôn ngoan đã kịp chuẩn bị cho mình từ bao giờ rất nhiều văn bằng chứng chỉ để đến khi cần thì trưng ra và nhờ đó mà vượt lên.

Quy trình là cần, là đúng nhưng quan trọng hơn là ở cái tâm và năng lực của người có quyền vận dụng quy trình.

Một vấn đề nữa cũng cần phải nói là việc “rà soát hồ sơ” để xem đủ điều kiện hay chưa đủ điều kiện. Cũng không thể lợi dụng việc này như một “thời điểm thích hợp” để “trảm” những người làm việc tốt nhưng lại thiếu một hai điều kiện không thật quan trọng nào đó, trong khi điều kiện đó hoàn toàn có thể bổ sung. Rà soát để phát hiện những đối tượng yếu kém chui được vào đội ngũ là cần thiết, nhưng cũng cần đề phòng lợi dụng việc này để hất người đang làm việc tốt ra rìa. Người làm công tác cán bộ có cái tâm trong sáng, có năng lực thật sự khi đứng trước một trường hợp cụ thể thì cần tìm cách gỡ cho họ, nếu không sẽ mất người thực tài.

Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở, chỉ đạo; phải làm cho đúng, cho trúng vì đây là việc rất hệ trọng. Người làm công tác cán bộ phải có con mắt tinh đời chứ không chỉ dựa vào những quy định cứng để hành xử. Quy định thì không thể bỏ qua, nhưng lại càng không thể bỏ qua hay tệ hơn nữa là cố tình “bỏ quên” người tốt, người tài nhằm trám vào vị trí đó “người của mình” cho dù biết mười mươi là năng lực rất giới hạn.

Trở về với câu chuyện thi lại công chức ở Ninh Bình, một lần nữa cho thấy công tác cán bộ thực hệ trọng. Một tỉnh mà có tới 17 người đang có vị trí nhưng lại không đủ điều kiện là việc rất đáng suy nghĩ.

Cụ Nguyễn Du vài trăm năm trước đã viết:

Khen cho con mắt tinh đời

Anh hùng đoán giữa trần ai mới già…

Càng nghĩ càng thấy sâu sắc, càng thấm thía.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khen cho con mắt tinh đời...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO