Khi cầu thủ du học

Việt An 09/04/2017 10:05

Bóng đá Việt Nam từng có khá nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, nhưng hầu như không có ai thành công. Hầu hết xuất ngoại chỉ với những mục đích “trao đổi” hay phục vụ cho mục đích thương mại.

Công Phượng và Tuấn Anh.

Bóng đá Việt Nam thỉnh thoảng sản sinh ra vài cầu thủ trẻ rất tài năng, và việc để một vài người trong số họ tới chơi bóng ở một môi trường có đẳng cấp cao hơn là một ý tưởng tốt, và cũng là một bước cần thiết. Cũng giống như Thái Lan, Việt Nam hướng tới mục tiêu vươn tầm khỏi khu vực Đông Nam Á để trở thành một thế lực mới của bóng đá châu lục. Có nhiều cách để cải thiện nền bóng đá, và một trong số đó là gửi các cầu thủ tới trải nghiệm tại những giải đấu lớn hơn ở châu Á.

Từ trước tới nay, Việt Nam từng có Huỳnh Đức (sang Trung Quốc), Việt Thắng (Porto B), Hữu Thắng (LA Galaxy)… xuất ngoại. Nhưng đó là những hợp đồng thời vụ mang đậm tính thương mại, quảng cáo, chứ chưa đúng ý nghĩa là hợp tác học hỏi, giao lưu.

Năm 2013, Công Vinh khoác áo Sapporo ở giải J-League 2 với thời hạn 4 tháng. Sau đó, đội bóng Nhật Bản muốn gia hạn hợp đồng với chân sút người Nghệ An nhưng Công Vinh đã từ chối. Anh trở về nước thi đấu cho đội bóng quê hương SL Nghệ An, trước khi chuyển tới B.Bình Dương.

Dù khoảng thời gian ở Nhật Bản không nhiều, nhưng cũng đủ giúp Công Vinh cảm nhận được một nền bóng đá phát triển, có tính cạnh tranh rất khốc liệt như J-League 2 cũng như J-League.

Công Vinh nhấn mạnh tới việc các đội bóng tại Nhật Bản đặc biệt chú trọng vấn đề thể lực.

Cả 2 vấn đề lớn là thể lực và tư duy chiến thuật, đều là những hạn chế của cầu thủ Việt Nam. Công Vinh là một trong những cầu thủ có sự thích nghi cao, nhưng anh cũng không thể thường xuyên có suất đá chính ở Nhật Bản. Tất nhiên, Sapporo vẫn cần chân sút này vì yếu tố thương mại.

Sau Công Vinh, đến những cầu thủ tài năng nhất của bầu Đức là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… cũng lần lượt sang Nhật Bản, Hàn Quốc thi đấu, nhưng chưa ai để lại được dấu ấn. Thực ra là họ không được trao nhiều cơ hội được thể hiện mình, bởi trình độ vẫn còn nhiều hạn chế so với cầu thủ bản địa và cả những ngoại binh khác.

Nhưng bóng đá chuyên nghiệp phải kiếm được tiền để nuôi sống chính mình. Vì vậy, chúng ta nên có cái nhìn tích cực về yếu tố thương mại trong 3 bản hợp đồng chuyển nhượng Tuấn Anh, Công Phượng và Xuân Trường.

Nghĩ về các cầu thủ Việt Nam của chúng ta từ trước đến nay thì những trường hợp xuất ngoại chỉ mang yếu tố quan hệ hợp tác kinh doanh hoặc quảng cáo nhiều hơn là yếu tố nâng cao chuyên môn thật sự. Tuy nhiên dù về mặt nào đi chăng nữa thì việc xuất ngoại ngắn hạn hay dài hạn cũng mang lại những yếu tố tích cực về chuyên môn cho chính cầu thủ đấy.

Nói cách khác những cầu thủ được ra nước ngoài thi đấu cũng luôn có mặt tích cực. Việc HA Gia Lai gửi những cầu thủ tài năng nhất sang “du học” tại Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ mở ra cơ hội để nhiều cầu thủ Việt Nam khác được “xuất ngoại” để phát triển sự nghiệp. Nói thẳng ra, nếu như Công Vinh không sang Sappporo năm 2013, chắc gì các cầu thủ Việt Nam đã được các đội bóng tại Nhật Bản chú ý tới.

Vì vậy, bất luận chuyến sang Nhật Bản của các cầu thủ Việt vì mục đích gì, có được thường xuyên đá chính hay không, thì chính họ cũng như bóng đá Việt Nam sẽ được hưởng lợi không ít.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi cầu thủ du học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO