Khi chính quyền vào vai phục vụ

Lục Bình 29/03/2017 08:05

TP Hà Nội yêu cầu thay đổi căn bản tư duy, thái độ, đổi mới lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức (CBCC) trên tinh thần “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp (DN) là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc”. Theo đó, 10 quy định cụ thể điều chỉnh thái độ, hành vi của công chức được niêm yết tại bộ phận tiếp dân để dân “sát hạch”, giám sát là nỗ lực của chính quyền Thủ đô trong thực hiện “Năm kỷ cương hành chính”.

Ảnh minh họa.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của CBCC Hà Nội.

Theo đó, UBND TP yêu cầu tổ chức quán triệt và niêm yết kế hoạch này tại tất cả các bộ phận tiếp dân, tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, các đơn vị thực hiện dịch vụ công (xong trước ngày 30/4/2017).

10 nội dung, yêu cầu cụ thể như sau: 1- Khách đến, được chào hỏi; 2 - Khách ở, luôn tươi cười; 3 - Khách hỏi, được tư vấn; 4 - Khách yêu cầu, phải tận tâm; 5 - Khách cần, được thông báo; 6 - Khách vội, giải quyết nhanh; 7 – Khách chờ, được xin lỗi; 8 – Khách phàn nàn, phải lắng nghe; 9 - Khách nhờ, luôn chu đáo; 10 – Khách về, được hài lòng.

Có tới 10 quy định cụ thể quy định, điều chỉnh hành vi ứng xử của CBCC Thủ đô với mong muốn đem lại sự hài lòng cho người dân khi đến các cơ quan công quyền.

Vì sao chính quyền TP lại đưa ra những quy định, tưởng như trong Luật Công chức đã quy định rất rõ: Nhiệm vụ của CBCC chính là phục vụ nhân dân. Bởi suy cho cùng nhân dân chính là những người nuôi sống cán bộ từ các khoản tiền thuế đóng góp.

Tuy nhiên, điều này không phải CBCC nào cũng “thấm”. Thế nên mới có chuyện, 10 năm liên tục chính quyền Hà Nội coi cải cách hành chính là khâu đột phá, chuyển từ nền hành chính xin-cho sang phục vụ nhưng vẫn nhận được không ít lời phàn nàn của người dân và DN rằng, thủ tục vẫn “hành là chính”. Thủ tục hành chính không có lỗi. Lỗi là ở cán bộ cố tình “câu giờ”, nhũng nhiễu, gây khó khiến người dân cực chẳng đã mới đến cơ quan công quyền.

Không chỉ dừng lại ở việc cố tình gây khó dễ cho người dân và DN tại nơi làm việc mà tại nơi công cộng, CBCC có ứng xử không đẹp. Hẳn dư luận chưa quên vụ hành hung nữ nhân viên hàng không, vụ đánh cụ ông 76 tuổi, vụ cán bộ xúc phạm nhà báo đều là hành vi ứng xử sai trái của một số CBCC Thủ đô đã xảy ra.

Trước sự việc này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, ông cảm thấy rất buồn vì cách ứng xử của một số cán bộ của Thủ đô thời gian qua. Ông cho biết, “các cơ quan củaTP kiên quyết chấn chỉnh CBCC, không để xảy ra tình trạng công chức ứng xử kém văn hóa như thời gian qua”.

10 quy tắc ứng xử đối với CBCC và trước đó Hà Nội ban hành quy tắc ứng xử của CBCC tại nơi làm việc, nơi công cộng là một trong những hành động thực sự của chính quyền Thủ đô trong việc nói không với CBCC vô cảm, thiếu văn hóa, quên đi trách nhiệm là “công bộc” của mình.

“Việc quy định cụ thể, cặn kẽ tới 10 yêu cầu đối với từng CBCC chắc chắn sẽ làm thay đổi căn bản tư duy, thái độ, đổi mới lề lối làm việc của CBCC Thủ đô” - nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Lê Quốc Cường nhận định.

Theo ông Cường, hành vi ứng xử thiếu văn hóa, cán bộ hành dân không chỉ xuất hiện ở Hà Nội. Để uốn nắn cách hành xử của CBCC “Quy chế văn hóa công sở (năm 2007) đã được ban hành.

Ngay sau đó 1 năm, năm 2008 đã có hàng chục quy chế, quy tắc về giao tiếp, ứng xử của CBCC được các bộ, ngành và nhiều cơ quan ở trung ương, địa phương ban hành.

Chẳng hạn, Bộ Y tế có quy định về giao tiếp, ứng xử của cán bộ y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh; Bộ Công an quy định về giao tiếp, ứng xử của cảnh sát khu vực; Kiểm toán nhà nước quy định về giao tiếp, ứng xử cho các kiểm toán viên.

Thậm chí, tại Khoản 2 Điều 11 Quy chế văn hóa công sở của Văn phòng Chính phủ quy định rõ: “Trong giao tiếp và ứng xử, công chức Văn phòng Chính phủ phải có thái độ lịch sự, tôn trọng.

Ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc, không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt”... Quy định là vậy nhưng trên thực tế vấn đề giao tiếp, ứng xử của CBCC vẫn chưa có được sự chuẩn mực như mong muốn.

Hiệu quả của các quy định này không nhiều là bởi hầu hết các quy chế và quy tắc giao tiếp, ứng xử chỉ mới quy định những việc CBCC phải làm và không được làm.

Những điều khoản thi hành của các quy chế và quy tắc nói trên dù có quy định: “Cá nhân, đơn vị thực hiện tốt quy định này sẽ được khen thưởng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật” nhưng những quy định của pháp luật không được dẫn chiếu hoặc thiếu chế tài cụ thể nên khó thực hiện. Do vậy, khi có những phàn nàn từ người dân hoặc xảy ra sai phạm, các cơ quan thường áp dụng biện pháp phê bình, nhắc nhở. Hậu quả của cách xử lý này là làm giảm uy tín của các cơ quan và các hành vi tương tự có thể tái diễn.

Do đó, quy định cụ thể những việc dù là việc nhỏ đối với cán bộ làm công tác tiếp dân đích cuối cùng không phải chỉ “tạo điều kiện” để dân “bắt lỗi” CBCC mà để mỗi CBCC hiểu rằng là công chức hưởng lương từ các khoản thuế do người dân đóng góp phải phục vụ dân cho tốt. Nếu làm việc không tốt, hành vi ứng xử không đúng mực họ sẽ bị giám sát, đánh giá và có thể rơi vào diện tinh giản biên chế bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên, điều mà người dân lo ngại đó là khi tới cơ quan công quyền nếu họ thực sự không hài lòng, những kiến nghị chính đáng của họ có được giải quyết và chế tài xử lý CBCC có hành xử không đúng mực sẽ được thực thi thế nào? Về vấn đề này, trong kế hoạch đã nói rõ: Cùng với sự giám sát của người dân, Hà Nội cũng chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương công vụ và văn hóa công sở của CBCC. Sẽ kịp thời xử lý nghiêm, có tính chất răn đe, CBCC vi phạm các quy định trong thực thi công vụ, giải quyết thủ tục hành chính và tiếp xúc với người dân.

Nhiều người dân khá kỳ vọng vào kế hoạch lấy lại kỷ cương hành chính này của Hà Nội. Nếu thực sự CBCC Hà Nội thực hiện tốt 10 nội dung này chắc chắn đó là mô hình lý tưởng đối với người dân. Không chỉ công dân Thủ đô mới có mong muốn được CBCC ứng xử với mình như thế, mà người dân ở khắp dải đất hình chữ S này đều mong muốn chính quyền thực sự là chính quyền phục vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi chính quyền vào vai phục vụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO