Khi con tàu về biển

Nam Việt 11/10/2017 10:10

Ngày 10/10, việc thêm 6 tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định sau khi sửa chữa được hạ thủy là một tin tốt lành. Trước đó, kể từ tháng 5, dư luận đã rất bức xúc vì việc nhiều con tàu công suất lớn được đóng mới theo Nghị định 67/2014 NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt là đội tàu của ngư dân Bình Định- phải nằm bờ do kém chất lượng. Kể từ đó, đã diễn ra một “cuộc chiến” thực sự giữa ngư dân, chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan với 2 công ty đóng tàu là Nam Triệu và Đại Nguyên Dương.

Ngày 5/9, tàu cá của ngư dân Lê Ngô Hát (trú ở ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) đã hạ thủy tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan sau khi được Công ty Nam Triệu sửa chữa xong.

Tại thời điểm đó, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, toàn tỉnh có 56 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, trong đó có 47 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ và 5 vỏ tàu composite. Tuy nhiên, qua kiểm tra có đến 20 tàu cá vỏ thép mới đóng đã bị hư hỏng, trong đó, 15 chiếc do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng, 5 chiếc do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng.

Do sự thiếu trách nhiệm trong khắc phục hậu quả của các cơ sở đóng tàu, để bảo đảm quyền lợi cho ngư dân nên ngày 1/7, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn gửi Thủ tướng và Bộ NNPTNT báo cáo kết quả thẩm định 18 tàu vỏ thép hư hỏng và công tác chỉ đạo khắc phục; kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng của bộ phối hợp với Công an tỉnh Bình Định để điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở đóng tàu có hành vi gian lận trong thực hiện hợp đồng với ngư dân. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Bình Định sớm khắc phục, để bảo đảm chủ trương hỗ trợ ngư dân thông qua Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản.

Trước việc nhiều tàu công suất lớn đánh bắt hải sản phải nằm bờ do hư hỏng, nhiều ý kiến mạnh mẽ lên án những công ty đóng tàu làm ăn gian dối. Xã hội đã đồng hành cùng ngư dân. Phát biểu trên báo Đại Đoàn Kết, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khẳng định, Nghị định 67 là để hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu lớn, đặc biệt là tàu vỏ thép vững chắc để ra biển, không chỉ là vấn đề đảm bảo an toàn lúc đi biển, khi có biến động về thời tiết, quan trọng hơn nữa là để đảm bảo an toàn cho ngư dân khi tàu nước ngoài xua đuổi, đâm va tàu cá của ngư dân. Đây là vấn đề kinh tế và quốc phòng.

“Chủ trương lớn vừa hỗ trợ dân, vừa bảo vệ chủ quyền lãnh hải mà lại làm ăn như vậy là không thể chấp nhận được”- ông Thước nói.

Còn nguyên ĐBQH Bùi Thị An thì cho rằng, sự gian dối trong thực hiện Nghị định 67 là rất nguy hiểm. “Cứ nhìn cảnh mỗi khi tàu ra khơi, vợ tiễn chồng, mẹ tiễn con, vợ con ngóng chờ nhiều khi trong vô vọng mới thấy ngư dân khổ thế nào. Tính mạng ngư dân là chuyện lớn, chủ quyền biển đảo là chuyện lớn vì vậy phải truy cứu trách nhiệm đến cùng”- bà Nga nói.

Với ông Trương Minh Hoàng- phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thì một phương tiện kiếm sống của người dân đến 20 tỉ đồng, có khi là tài sản của cả dòng tộc, tập thể xóm, ấp, cả đời mới gom góp được nguồn tiền như vậy. Chỉ vì hám lợi, hám tiền mà cơ sở đóng tàu đã làm ăn gian dối. Ông Hoàng đề nghị phải đem lại sự công bằng cho người dân, đặc biệt những ngư dân thuộc nhóm yếu thế.

Sau nhiều cuộc bàn thảo căng thẳng giữa ngư dân, đại diện chính quyền địa phương với hai cơ sở đóng tàu, phương án sửa chữa tàu cũng đã được đưa ra. Cho dù không phải là phương án hoàn chỉnh nhất nhưng cũng được ngư dân chấp nhận, vì rằng họ rất cần có tàu để sớm ra khơi đánh bắt.

Một con tàu lớn với trị giá từ hơn 10 tỷ đồng cho tới 20 tỷ đồng là khối tài sản lớn. Khối tài sản đó là do chủ tàu vay mượn từ nhiều nguồn, cho dù được hưởng ưu đãi lãi suất từ ngân hàng chăng nữa thì mỗi ngày không ra khơi lại một ngày chất chồng thêm nợ.

Cho đến ngày 5/9, tàu cá vỏ thép mang biển hiệu BĐ 99168 TS của ngư dân Lê Ngô Hát (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã được Công ty Nam Triệu sửa chữa xong và hạ thủy tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Đây là con tàu đầu tiên trong số 20 tàu vỏ thép ở Bình Định bị sự cố hư hỏng sau khi đưa vào hoạt động chưa được bao lâu.

Đến ngày 14/9, thêm 4 tàu nữa được sửa chữa xong. Như vậy, cùng với 6 tàu vỏ thép được sửa chữa và hạ thủy đợt này, thì tổng cộng 11/20 tàu cần sửa chữa đã hoạt động trở lại.

Hơn 5 tháng đã trôi qua, kể từ lúc những con tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định phải nằm bờ, thời gian là quá dài so với sự chờ đợi và thiệt hại của chủ tàu, của ngư dân. Nhưng dù sao thì cũng có thể ghi nhận một bước tiến trong việc nhận trách nhiệm, khắc phục sự cố của những cơ sở đóng tàu.

Bài học lớn nhất ở đây là không thể làm ăn gian dối, trục lợi từ một chính sách. Doanh nghiệp cần lợi nhuận nhưng không thể vì thế mà làm hỏng một chủ trương lớn của Chính phủ, càng không thể đẩy tai họa, đẩy nợ nần sang ngư dân.

Ở một góc nhìn khác còn là bài học không cam chịu của ngư dân, là sự vào cuộc khẩn trương, kiên quyết của chính quyền địa phương, của công luận. Nếu không có sự đồng hành, đồng lòng ấy, ngư dân là phía yếu thế trong “cuộc đấu” với doanh nghiệp sẽ phải chịu tổn thất.

Hy vọng chỉ một thời gian ngắn nữa, tất cả những con tàu vỏ thép bị hư hỏng sẽ được khắc phục, sẽ lại được về với biển. Để rồi sẽ tiếp tục ra đời những con tàu vỏ thép mới công suất lớn thỏa sức trên vùng biển nước nhà. Những con tàu ấy sẽ chắc khỏe bởi không còn bị ai đó dám cả gan “rút ruột” chỉ với mục đích kiếm lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi con tàu về biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO