Khi doanh nghiệp lạc nhịp công nghệ

Duy Phương 14/08/2019 08:00

Nền kinh tế số đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Song, điều quan trọng là DN có mạnh dạn đầu tư công nghệ để chuyển đổi số hay không? Đáng buồn là, rất ít DN trong số 700.000 DN nhỏ và vừa hiện nay nhận ra rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động trực tiếp đến bản thân họ.

Khi doanh nghiệp lạc nhịp công nghệ

Đầu tư vào công nghệ là xu hướng không thể tránh khỏi.

Chỉ 22% doanh nghiệp thấy “đã tác động đến mình”

Giới chuyên gia nhận định, CMCN 4.0 vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp Việt. Nếu DN nào biết tận dụng cơ hội, mạnh dạn đầu tư công nghệ để phục vụ sản xuất, DN đó sẽ trụ vững. Ngược lại, DN nào e dè, ngại đầu tư hoặc thờ ơ, không chấp nhận thực tế rằng, làn sóng chuyển đổi số đang tác động trực tiếp đến mình, DN đó sẽ bị đào thải.

Theo chia sẻ của bà Trần Thu Hằng- giám đốc một DN hoạt động trong lĩnh vực thiết bị giáo dục có trụ sở tại Hà Nội đã có thâm niên hoạt động hơn 10 năm, trước đây, nếu như phải sử dụng nhiều nhân viên để làm ở khâu nhập liệu thì nay, khi ứng dụng công nghệ số vào khâu này, DN của bà Hằng không cần phải sử dụng đến 3,4 nhân lực nữa. Thay vào đó, chỉ cần sử dụng một nhân lực, trong khi năng suất, hiệu quả công việc lại tăng gấp đôi. “Có thể thấy, chú trọng nâng cấp, đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất là chìa khóa để DN có trụ vững và hơn thế là phát triển mạnh mẽ trong xu thế hiện nay”- bà Hằng cho biết và thêm rằng, không chỉ chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất, trong bối cảnh hiện nay, DN cần phải thay đổi cả công nghệ quản trị. Đưa vào hệ thống quản trị DN mới, chúng ta có thể nắm được tình hình sản xuất hằng ngày từ khâu đưa nguyên liệu vào đến khi sản phẩm ra thị trường, có thể giải quyết mọi vấn đề khúc mắc ngay lập tức ở bất cứ đâu.

Thế giới bước vào thời kỳ “số hóa”, các DN cần phải thích nghi với xu thế này. Đó là điều tất yếu. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng dễ dàng chấp nhận điều này. Một con số khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, ở Việt Nam hiện mới chỉ có khoảng 22% DN nhận thấy CMCN 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến bản thân mình. Trong khi đó, có tới 32,7% DN không thấy bị tác động nhiều lắm. Như vậy, mới chỉ có khoảng 50% số DN Việt Nam nhận thức rằng CMCN 4.0 đã, đang và sẽ tác động đến DN. Và bởi vì tới gần nửa số DN nhỏ và vừa hiện nay không thấy làn sóng số đang ảnh hưởng đến mình nên chỉ có 6,6% số DN của Việt Nam cho rằng, họ có đủ nguồn lực và sẽ chú trọng vào việc thay đổi hoàn toàn từ hệ thống sản xuất, kinh doanh cũ sang hệ thống mới với công nghệ hiện đại, và có đến 34,6% DN cho là họ sẽ có thay đổi nhưng chỉ làm từng bước bởi không đủ nguồn lực để thay đổi ngay lập tức.

Dù vậy, bất kể lý do gì,các DN nhỏ và vừa sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải thích nghi với nền kinh tế số, phải bước chân vào cuộc đua này và phải bứt phá nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Thời đại chuyển đổi số với công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT)..., đã đặt tất cả DN trên toàn cầu vào một cuộc đua khốc liệt.

Khác hẳn mô hình kinh doanh truyền thống

Nêu lên những nhận định về vòng xoáy của nền kinh tế số đang ngày càng mạnh mẽ, ông Đào Trung Thành- một chuyên gia thuộc lĩnh vực kinh tế số cho biết, kinh doanh của thời đại “chuyển đổi số” đã khác hẳn mô hình kinh doanh truyền thống. Nếu như trước đây, kinh doanh yêu cầu thu thập các số liệu về người dùng và sử dụng công nghệ nhằm hỗ trợ các công việc kinh doanh. Công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ thuần túy thì nay cục diện đã hoàn toàn thay đổi. “Trong thời kỳ của kỷ nguyên số, công nghệ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới, những chiến lược mới. Nó không chỉ hỗ trợ kinh doanh, mà còn thúc đẩy tăng trưởng, và đây cũng là nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh”- ông Thành nhấn mạnh.

Quả thực, nền kinh tế số mang lại rất nhiều lợi thế cho các DN Việt Nam, khi mà hiện nay, có đến hơn 60% dân số dùng internet và trung bình mỗi người online 25 giờ/tuần. Ở quy mô toàn cầu, hiện có khoảng 600 triệu người tiêu dùng không biên giới… Điều đó cho thấy, đây chính là cơ hội để các DN có thể nắm bắt và đẩy mạnh tiềm lực. Nhưng, vẫn còn không ít DN chưa khá thờ ơ với xu hướng này. Các DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa vẫn đang loay hoay với các thiết bị, máy móc có công nghệ đã lạc hậu từ 2 -3 thế hệ. Con số chỉ có khoảng 1% DN nhỏ và vừa sử dụng công nghệ tiên tiến là một minh chứng rõ rệt cho điều này.

Giới chuyên gia nhận định: DN sẽ tăng trưởng nhanh nếu nắm bắt được cơ hội, cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ và tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngược lại, nếu “lạc nhịp” về công nghệ, DN sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường.

* Một khảo sát của VCCI cho hay, hiện mới chỉ có khoảng 22% DN nhận thấy CMCN 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến mình. Trong khi đó, có tới 32,7% DN không thấy bị tác động nhiều lắm. Như vậy, mới chỉ có khoảng 50% số DN Việt Nam nhận thức rằng CMCN 4.0 đã, đang và sẽ tác động đến DN. Đáng chú ý, chỉ có 6,6% số DN của Việt Nam cho rằng, họ có đủ nguồn lực và sẽ chú trọng vào việc thay đổi hoàn toàn từ hệ thống sản xuất, kinh doanh cũ sang hệ thống mới với công nghệ hiện đại, và có đến 34,6% DN cho là họ sẽ có thay đổi, nhưng chỉ làm từng bước bởi không đủ nguồn lực để thay đổi ngay lập tức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi doanh nghiệp lạc nhịp công nghệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO