Khi doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp

Thanh Giang 12/09/2017 07:30

“Hệ sinh thái khởi nghiệp cần nhiều bên liên quan đầu tư và dẫn dắt. Bởi vì hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, thủ tục hành chính, nhân lực”.

Đó là nhận định của chuyên gia nước ngoài tham dự hội thảo “Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) khởi nghiệp đổi mới và năng động trong khu vục APEC”- một trong các hoạt động trước Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, diễn ra ngày 11/9, tại TP HCM.

Theo ông Hoàng Văn Dũng- Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) Việt Nam, hiện có 110 triệu SMEs tại các nền kinh tế APEC và đối tượng này chiếm đến 98% doanh nghiệp, đóng góp 70% giá trị xuất khẩu và tạo ra công ăn việc làm cho 54% dân số khu vực.

Còn theo bà Lê Thạch Anh- Chủ nhiệm Đề án Việt Nam Silicon, ở Việt Nam các doanh nghiệp khởi nghiệp chú trọng vào lĩnh vực nông nghiệp, bán lẻ, thương mại điện tử, công nghệ, du lịch, môi trường...

Khá nhiều doanh nghiệp gặt hái được thành quả ban đầu. Tuy nhiên, để đạt được những thành quả trong sản xuất kinh doanh doanh nghiệp phải đối diện không ít khó khăn.

Khảo sát 330 MSMEs tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM cho thấy, 40% người sáng lập doanh nghiệp dưới 40 tuổi, 88% người sáng lập không có kinh nghiệm nghề hoặc học tập ở nước ngoài, tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ xanh sạch quá thấp…

“Mặc dù mạnh dạn trong hoạt động khởi nghiệp song MSMEs liên tục vướng các rào cản. Trong đó có 3 rào cản cố hữu gây khó MSMEs, đó là khả năng tiếp cận tài chính hạn chế; thủ tục kèm các quy định của Chính phủ nhiêu khê; khó thuê và giữ chân lao động”- ông Huỳnh Huy Hòa, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng cho biết.

Đại sứ Canada Ping Kitnikone nhận định, MSMEs thường năng động, sáng tạo, có độ bền trong kinh doanh nhưng thị trường của họ phần lớn là thị trường địa phương.

Các doanh nghiệp này cần được hỗ trợ trong việc huy động vốn và tiếp cận các thị trường khu vực, thị trường toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp đang cần những bên liên quan đầu tư, dẫn dắt họ thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm.

Vì thế, Chính phủ có thể tạo ra vai trò xúc tác phát triển MSMEs. Đại sứ Canada dẫn chứng, Chính phủ Canada đứng ra hỗ trợ dự án hợp tác phát triển giữa Canada và các nền kinh tế thành viên APEC trị giá 7,5 triệu USD.

Với nhiều đó tài chính phần nào có thể giúp các MSMEs bước chân ra thị trường thế giới và khu vực. MSMEs của Canada đóng góp hơn 40% vào GDP của Canada, hơn 58% tổng sản lượng xuất khẩu của Canada.

“Canada đã làm việc với ASEAN để giúp MSMEs phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành lập quỹ hỗ trợ biến đổi khí hậu hỗ trợ MSMEs các nước và MSMEs Việt Nam. Hy vọng nguồn quỹ, những cuộc trao đổi, đối thoại ngày hôm nay có thể hỗ trợ tích cực cho các MSMEs”- bà Đại sứ nhấn mạnh.

Được biết, sau chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn khởi nghiệp APEC, ABAC sẽ tổng kết các ý kiến để đưa ra khuyến nghị tại Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra ngày 15/9 tới đây tại TP HCM; báo cáo tại cuộc họp các quan chức cấp cao diễn ra ở Đà Nẵng vào tháng 11/2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO