Khi hộ kinh doanh cá thể… sợ lớn

Duy Phương 28/06/2017 08:35

Không thể dùng mệnh lệnh hành chính để khuyến khích hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp (DN), thay vào đó phải động viên bằng đòn bẩy kinh tế, cho họ thấy được lợi ích khi chuyển đổi thành DN … đó là nhận định của giới chuyên gia tại Hội thảo chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN - thực trạng và các giải pháp hỗ trợ do Phòng Thương mại và Công nhiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Không thể dùng mệnh lệnh hành chính để thúc hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp.

Được và mất

Là một trong những DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể (KDCT) lên DN, ông Đỗ Hùng Chiêu – Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ thương mại An Huy ở Thường Tín (Hà Nội) chia sẻ: Từ hộ KDCT trở thành DN có khá nhiều thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu, chỉ có DN mới đủ tư cách pháp nhân để làm các thủ tục xuất khẩu. Đơn cử như lĩnh vực sơn mài đang theo đuổi, có tới 15 công đoạn, có những hộ KDCT chỉ làm một công đoạn đầu tiên thì không cần thiết phải đăng ký thành lập DN. Vì nếu chuyển thành DN, khó khăn mà họ gặp phải sẽ là phải thuê kế toán trưởng, phải báo cáo 31 loại sổ sách khách nhau. Trong khi, hộ KDCT không cần phải phức tạp rườm rà đến thế, chỉ cần một quyển sổ, thuê bao nhiêu công nhân, giá bao nhiêu ghi vào là xong. Tuy nhiên, nếu là DN đảm bảo từ khâu đầu đến khâu cuối và đặc biệt, có các hợp đồng xuất khẩu thì rất nên đăng ký lên thành DN, như vậy làm ăn sẽ thuận lợi hơn.

Nhiều chủ hộ KDCT tại Hội thảo cũng đều nêu lên tâm tư nguyện vọng của họ đó là rất muốn chuyển đổi thành DN nhưng ngại nhất là vấn đề thủ tục hành chính, đặc biệt là các chi phí ngầm và mỗi năm phải tiếp hàng loạt các cuộc thanh tra mà DN nào cũng phải “gánh”. Ông Lê Văn Nguyên – Chủ Cơ sở sản xuất tranh thêu (Hà Nội) cho rằng, bản thân bất cứ hộ KDCT nào chuyển đổi thành DN cũng muốn “bay lên mặt trăng” để ngắm cả thế giới. Từ hộ KDCT trở thành DN nhiều người có mong muốn là đạt được lợi nhuận cao hơn, mở rộng được quy mô sản xuất, làm ăn ngày càng phát hơn. “Thế nhưng, điều lo ngại của chúng tôi là có khi sự chuyển đổi này chẳng sinh lời được mà lại phải đối diện với nhiều vấn đề “đau đầu” như thanh tra, kiểm tra, rồi chi phí ngầm…” – ông Nguyên trao đổi.

Nhận định về vấn đề và thực trạng chuyển đổi hộ KDCT thành DN hiện nay, ông Phan Đức Hiếu – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, câu chuyện chuyển đổi hộ KDCT thể lên DN thực ra không phải mới, 15 năm nay đã có quy định, hộ kinh doanh sử dụng trên 10 lao động phải chuyển đổi thành DN. “Nhưng tại sao suốt hơn một thập kỷ qua, các hộ KDCT vẫn không muốn lớn thành DN? Chuyển đổi nhằm mục đích gì, ứng xử của Nhà nước tiếp theo như thế nào… là những câu hỏi cần được làm rõ” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Không thể dùng mệnh lệnh

Vẫn theo ông Hiếu, nhà quản lý không thể dùng mệnh lệnh hành chính để bắt buộc hộ KDCT thành DN, thay vào đó phải khuyến khích động viên bằng đòn bẩy kinh tế, tạo môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý và phù hợp với quy mô và tính chất kinh doanh. Điều quan trọng là làm sao để chính nhà đầu tư thấy được lợi ích khi họ chuyển đổi thành DN chứ không phải lo lắng sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ, chi phí ngầm và hàng loạt những thủ tục hành chính khác…

Theo vị chuyên gia này, hộ KDCT có nhiều mặt hạn chế như chỉ được đăng ký kinh doanh ở một địa điểm; không được mở văn phòng, chi nhánh; một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải là DN; không đủ tư cách pháp nhân để xuất khẩu; chỉ được sử dụng dưới 10 lao động... Tất nhiên, ở chừng mực nào đó cũng có lợi thế của họ như: Thủ tục thành lập, quản trị, giải thể gần như bằng 0. Chế độ sổ sách kế toán, kê khai nộp thuế cũng đơn giản hơn.

Theo ông Hiếu, nếu Chính phủ ưu tiên triển khai Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, miễn giảm thuế, thay đổi các thủ tục hành chính, kế toán, kiểm toán thì tự hộ KDCT sẽ chuyển đổi thành DN khi họ thấy có lợi cho họ, chẳng cần khuyến hích, hỗ trợ, động viên.

Lắng nghe và tiếp cận tâm tư chia sẻ của nhiều DN nhỏ và vừa cũng như tâm tư của nhiều chủ hộ KDCT, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho hay, trên thực tế, do những trở ngại về thủ tục hành chính, điều kiện hoạt động kinh doanh, nhiều DN còn tình nguyện nhỏ đi trở thành hộ KDCT. Bởi vậy, kể cả những hộ KDCT đang cảm thấy thuận lợi nhất ở mô hình đó thì họ vẫn có thể tiếp tục làm, chúng ta chỉ nên đưa ra các hình thức hỗ trợ làm sao để các chủ hộ cảm thấy nếu trở thành DN họ sẽ được lợi hơn rất nhiều so với khi là hộ KDCT. Còn nếu họ cảm thấy không muốn lớn thành DN thì cũng không nên ép. Làm sao cả nhà nước và người dân cùng có lợi, đó có lẽ là mục tiêu quan trọng nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi hộ kinh doanh cá thể… sợ lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO