Khi học trò nghiện facebook

Toàn Thắng 24/09/2017 08:30

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong khoảng một thập niên trở lại đây, thế giới đã chứng kiến trào lưu sử dụng mạng xã hội, phổ biến nhất hiện nay là facebook. Có thể nói rằng, giới trẻ ngày nay “ăn facebook, chơi facebook, ngủ facebook” và thực trạng khiến người ta lo lắng về một biểu hiện nghiện mới - nghiện facebook.


Đắm đuối với facebook khiến giới trẻ học đường bị chi phối và dẫn đến hệ lụy.

Nguy hại khôn lường

Theo một nghiên cứu xã hội học, hơn 70% người dùng Internet ở Việt Nam dùng facebook, trong đó phần đông là học sinh, sinh viên. Không thể phủ nhận những tiện ích từ mạng xã hội facebook thế nhưng đáng ngại ở chỗ khá nhiều em học sinh dùng face ở mức độ thiếu kiểm soát.

Nhật Anh (lớp 10 trường PTTH Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: Em sử dụng facebook đã được 5 năm nay với khoảng 3-4 tiếng mỗi ngày để giao tiếp với bạn bè, thời điểm cụ thể là sau giờ đi học về, trước lúc đi ngủ, cũng có thể lúc đang ăn cơm. Facebook giúp em nói chuyện cùng lúc với nhiều người, chia sẻ tâm trạng, cảm xúc của mình. Ngoài ra là khoe những điều mới của mình, của gia đình. Cả lớp không ai không dùng facebook.

Thu Hà - học sinh lớp 9 (Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu) thì cho biết em thích dùng face và cũng xác nhận trong giờ học trên lớp khá nhiều bạn tranh thủ online, ngồi như bất động, ảnh hưởng đến học tập của chính mình và các bạn. Bị phát hiện sử dụng điện thoại trong giờ học, giáo viên đã thu điện thoại của nhiều bạn, nhưng nó như món ăn nước uống hàng ngày, chúng em vẫn cần dùng.

Một giáo viên cấp trung học từng chia sẻ chị đã kết bạn với khá nhiều học sinh trên facebook và thực sự lo lắng khi nhận thấy ngoài giờ học, thậm chí ngay cả trong giờ học, các em đều online. Vậy học trò lên facebook làm gì? Giáo viên này đã thử vào “tường nhà” của các em xem sao.

Kết quả cho biết các em vào facebook chỉ để chơi, buôn chuyện, comment, đăng bài nhí nhố chứ chưa thực sự hiểu được công dụng của facebook còn để giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm học tập quý báu. Các em có thói quen vào xem hình, clip, của mọi người rồi comment một cách vung tục, kèm theo những ngôn từ trên mạng “khó hiểu”.

Nhiều em thì đăng những bức hình phản cảm của chính mình hoặc sao chép lên trên “tường nhà”, kèm theo những dòng status “câu khách” để tăng số lượng “like”. Một số học sinh nữ thì viết những dòng tin yêu đương ủy mị, giận hờn, nhớ thương này nọ. Kinh khủng hơn có nhiều em nam thích vào các trang web phim “đen” rồi comment, chia sẻ liên kết với trang của mình. Một số bạn bè trên facebook của các em hầu như cũng thế.

Các giảng viên khoa Tâm lý - giáo dục ĐH Sư phạm TP. HCM từng có cuộc khảo sát 600 trẻ vị thành niên gần đây, có hơn 97% trẻ đang sử dụng facebook. Trong số đó có 56,3% ở mức có xu hướng nghiện, 37,5% ở mức nghiện nhẹ, 0,4% ở mức nghiện vừa và 0,2% ở mức nghiện nặng.

Nhóm chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này đã đưa ra nhận định: Nghiện facebook, đó là một căn bệnh mà người dùng face quá phụ thuộc vào trang mạng này. Chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính hay cầm trên tay chếc điện thoại là y như rằng như một thói quen, một phản xạ tự nhiên: truy cập vào facebook theo dõi bạn bè, để comment, like, share,… Rảnh rỗi là vào facebook , buồn lên facebook tâm sự, vui cũng vào face để chia sẻ niềm vui… Suốt ngày online, vì thế khi không thể truy cập, người nghiện facebook luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu, trống trải như thiêu thiếu một điều gì, nặng hơn là không thể chịu đựng được và, bằng mọi cách có thể thỏa mãn nhu cầu “lướt face” của mình.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Anh - viện trưởng Viện Giáo dục IEDV, người nghiện facebook đang tiêu tốn một phần lớn thời gian của mình vào việc online facebook: rảnh rỗi lên face, khi làm việc trên máy tính cũng tranh thủ lướt facebook. Vừa ăn vừa facebook, đến cả thời gian ngủ cũng được cắt giảm cho facebook. Với học sinh, sinh viên, việc quá nghiện facebook vì thế sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình học tập.

Không chỉ thế, việc nghiện facebook còn khiến cho cuộc sống của người dùng bị đảo lộn. Các hoạt động vui chơi ngoài trời cùng bạn bè, thể dục thể thao được thay thế bằng việc lên facebook. Họ có nghĩa là, họ có thể kết bạn với biết bao bạn bè trên mạng nhưng lại đang bỏ qua những mối quan hệ thực tế, những tình cảm thực mà mọi người dành cho mình.

Cùng với đó, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử cũng dần bị mất đi. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà một người nghiện facebook có thể chém gió thỏa thích không chán với bạn bè khắp nơi nhưng lại khó có thể giao tiếp trực tiếp với mọi người.

Theo các chuyên gia y tế, người nghiện facebook còn tạo ra những ảnh hưởng không tốt cho mắt của mình. Mắt lúc nào cũng dán vào điện thoại, máy tính để online sẽ dẫn đến tình trạng khô mắt và những bệnh nguy hiểm khác về mắt. Nhưng nguy hiểm hơn thế, một loạt những căn bệnh về thần kinh cũng được kéo theo: lo âu, trầm cảm, tinh thần không ổn định.

Cách nào hạn chế?

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn - phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng xét trong những hành vi nghiện, hành vi nghiện facebook có thể là một kiểu của hành vi nghiện mới. Hành vi này chưa hoàn toàn đáng sợ xét trên bình diện hậu quả lâm sàng hay hậu quả xã hội. Nhưng xét trên bình diện độ tuổi và nhân cách của con người, hành vi nghiện này sẽ ảnh hưởng khủng khiếp đối với hoạt động học tập của học sinh.

Theo ông Sơn, ở góc độ quản lý, hiện ngành giáo dục chưa quy định học sinh phải sử dụng facebook ra sao. Điều đáng lo ngại là hệ lụy của facebook không dừng trong thế giới ảo. Đơn giản nhất là cãi nhau, đánh nhau, xúc phạm thầy cô giáo, phản đối nhà trường, dẫn đến những hậu quả đau lòng. Cũng đã có nam thanh niên tự tử vì đủ like thích ích tưởng điên rồ đó.

Bàn về việc quản lý học sinh sử dụng facebook, dù nhiều lãnh đạo nhà trường cho rằng, cấm không phải thượng sách nhưng PGS Văn Như Cương - chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh lại cho rằng có nhiều nguy cơ có thể xảy ra bắt nguồn từ mạng xã hội, nếu như không ngăn chặn từ trước thì sẽ khó giải quyết về sau. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều bậc phụ huynh. Thậm chí nhiều người còn mong muốn có thể ngăn chặn việc con cái họ tham gia mạng xã hội.

Về phía học sinh, nhiều em không ngần ngại chia sẻ việc “thân thiện” với facebook đến mức không thể dễ dàng nghe lời bố mẹ không dùng nữa là được.

Về việc định hướng cho học sinh việc sử dụng facebook sao cho phù hợp, theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, chúng ta không chỉ trách cứ các bạn trẻ mà cần hiểu và đồng cảm. Đối với gia đình cần, định hướng và nhắc nhở con cái trong việc lựa chọn loại hình giải trí lành mạnh và sử dụng facebook một cách hợp lý. Ngoài ra, phụ huynh cũng thường xuyên trò chuyện với con từ đó hiểu được tâm tư, tình cảm của con mình.

Về phía nhà trường phải tăng cường giáo dục tính hai mặt của các trang mạng xã hội và chú trọng đến việc nâng cao nhận thức của học sinh về facebook vì trang mạng xã hội này đang được rất nhiều người trẻ coi là trang giải trí hàng đầu. Đó mới là điều thật sự cần kíp và hữu ích trong vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi học trò nghiện facebook

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO