Khi khán giả chỉ là... người nhà

Hoàng Minh - Phạm Quý 01/08/2017 08:35

Đây là trăn trở của NSƯT Chí Trung cũng như nhiều diễn viên trước những khó khăn của sân khấu kịch nói Việt Nam, trong buổi gặp mặt báo chí giới thiệu chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian” tại Nhà hát lớn, Hà Nội sáng 31/7.

Một cảnh trong vở “Ai là thủ phạm” sắp được công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Khó khăn chồng chất

Tổ chức vào tháng 8/2017, chương trình “Những vở kịch còn mãi với thời gian” sẽ mở đầu bằng “Vòng phấn Kavkaz” vào đêm 5-8, sau đó là “Ai là thủ phạm” (6/8), “Công lý không gục ngã” (7/8) của Nhà hát Tuổi trẻ. Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ tham gia với các vở: “Cát bụi” (8/8), “Điện thoại di động” (9/8), “Bỉ vỏ” (10/8). Các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam tham gia biểu diễn hai vở “Kiều” (11 và 12/8), “Lão hà tiện” (13/8). Đoàn kịch nói Công an nhân dân tham gia biểu diễn 2 vở “Đường đua trong bóng tối” (17/8) và “Quyết đấu giữa sương mù” (18/8). Nhà hát Kịch nói Quân đội sẽ biểu diễn vở “Dưới cát là nước” vào tối 20/8. Kết thúc chuỗi chương trình kịch nói là vở ballet “Mối tình thành cổ” do các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thể hiện.

Bên cạnh sự ra quân “rầm rộ” của các nhà hát với mục tiêu mang nghệ thuật đỉnh cao phục vụ khán giả, tại buổi họp báo nỗi lo thiếu khán giả, tài chính… lại một lần nữa được những người trong cuộc bày tỏ. NSƯT Chí Trung- Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói: “Năm nay hầu như các nhà hát không hoạt động được nhiều. Đơn giản, vì khán giả không quan tâm. Nếu nói rằng văn hóa như một sản phẩm của thị trường thì sản phẩm văn hóa là sản phẩm được quan tâm tới cuối cùng trong số các nhu cầu của thị trường”.

Cũng theo NSƯT Chí Trung, hiện nay chỉ còn có phim ảnh là có thể tương đối tốt và thu lại lợi ích khá cao trong một số bộ phim. Thực sự nếu như không có sự giúp sức của khán giả, truyền thông thì chúng tôi không thể thành công được, nó sẽ trở thành “áo gấm đi đêm”. Kể cả như chúng tôi có diễn hay tới mấy, vở diễn có nổi tiếng đến nhường nào mà khi nhìn xuống sân khấu toàn người nhà thì không được gọi là một thành công được.

Có nhiều người nói khán giả họ không biết đến có những vở diễn được công chiếu tại nhà hát lớn, cũng có người kêu rằng họ không được vào mua vé để xem, diễn xong rồi mới trách là diễn bao giờ, khi nào mà không biết gì cả. Điều này trái ngược với những gì chúng ta đang làm. Bởi vì truyền thông của nhà hát làm việc rất nhiều, báo chí cũng chung tay góp sức nhưng tại sao khán giả lại chưa biết đến nhiều? Đây là một câu hỏi chúng ta cần phải tự mình tìm lời giải đáp.

NSND Trung Hiếu- Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ, sân khấu kịch hiện nay đang đứng trước một nỗi lo về tài chính vô cùng “khủng khiếp”. Bây giờ các đoàn hầu như không có đoàn kịch nói riêng nữa, mà trở thành tạp kĩ rồi, ca múa nhạc kịch đều phải ghép lại. Với tình trạng sắp tới khi mà tất cả các nhà hát đều được xã hội hóa, tới năm 2019 – 2020 sẽ phải tự chủ hoàn toàn về tài chính, có nghĩa là chúng ta phải trả lương cho biên chế, tự kiếm tiền mà nuôi nhau, lúc đấy tôi nghĩ không biết sân khấu kịch sẽ đi đến đâu?

Giải pháp nào cho kịch nói

Ông Đào Đăng Hoàn- Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết: “Trước đây, để cho ra đời một vở diễn hay chúng ta cần phải vượt qua cả một thời gian nâng lên đặt xuống. Bên cạnh đó, hội đồng nghệ thuật còn duyệt nội dung, trình lên trên rồi lại mất thời gian để đưa vở diễn ra mắt. Hiện nay về công tác quản lý, xét duyệt của Cục NTBD cũng đã thoải mái hơn cho các đơn vị”. Cũng theo ông Hoàn, hiện nay các nhà hát cũng phải có hội đồng nghệ thuật riêng, từ hội đồng nghệ thuật này sẽ tiến hành chọn lựa các tác phẩm của mình, tức là các nhà hát được tự do sáng tác, tự do viết kịch bản và xét duyệt. Giám đốc các nhà hát phải có trách nhiệm về mặt nghệ thuật và nội dung, trước khi được biểu diễn.

Đồng quan điểm, NSƯT Xuân Bắc- Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ: Ai cũng cần phải có tài chính để trang trải cho những hoạt động đời sống sinh hoạt của bản thân mình. Còn gì hơn khi các nhà hát ngoài Bộ VHTTDL hiện nay được đến biểu diễn miễn phí tại Nhà hát lớn, trong khi trước đây là mấy chục triệu cho một đêm diễn. Cục NTBD đang hỗ trợ rất nhiều, cùng với sự nương tựa vào nhau của mình, chúng tôi hi vọng sẽ tạo nên một sức mạnh của sân khấu kịch chung cho toàn thể các nhà hát. Trong khuôn khổ tháng kịch nói, chúng tôi rất mong muốn được giới thiệu những vở kịch của mình tới đông đảo các khán giả thân yêu.

Tiêu chí khi chúng tôi ra biểu diễn ở nhà hát lớn không phải là để kiếm tiền, mà là để quảng bá, biểu diễn cho nhân dân được biết và tới thưởng thức, thêm yêu nghệ thuật kịch nói. Chúng tôi thừa nhận rằng, 11 đêm diễn này với mỗi đêm có 400 - 500 khángiả cũng không thể trở thành cứu cánh cho ngành sân khấu được, nhưng nó có thể giữ lại niềm tin rất lớn cho ngành chúng tôi, cho hàng nghìn nghệ sĩ làm nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi khán giả chỉ là... người nhà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO