Khi khoai lang xuất khẩu chính ngạch

K.Lê-M.Sang 22/11/2022 07:16

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu khoai lang Việt Nam khoảng 39 triệu USD, trong đó khoai lang thô đạt trên 15,3 triệu USD, khoai lang chế biến đạt khoảng 23,1 triệu USD, còn lại là lá khoai lang.

Xuất khẩu chính ngạch khoai lang sang Trung Quốc mở ra cơ hội cho nông dân.

Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những năm gần đây, thị trường xuất khẩu khoai lang tươi giá cả không ổn định. Vì vậy hiệu quả kinh tế cũng như hướng mở rộng diện tích trồng cây khoai lang như một cây hàng hóa còn gặp khó khăn.

Trước năm 2016, giá khoai lang xuất khẩu đạt hơn 1 triệu đồng/1dạ (60 kg). Từ năm 2017 đến 2019 giá khoai giảm nhưng vẫn ở mức chấp nhận được là 480.000 - 510.000 đồng/dạ. Bắt đầu vụ mùa 2020 đến nay, khoai liên tiếp “chìm” trong cơn sụt giá từ 240.000 đồng/dạ, rồi 90.000 đồng/dạ và hiện xuống dưới 50.000đồng/dạ.

Vì vậy, việc Trung Quốc đồng ý cho xuất khẩu chính ngạch khoai lang là tin vui của nông dân. Hiện nay, doanh nghiệp đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tăng cường thu mua chế biến xuất khẩu sản phẩm khoai lang.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, việc khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sẽ mở lối thoát cho xuất khẩu khoai lang. Xuất khẩu khoai lang sẽ hồi phục và tăng trưởng trong những năm tới. Tuy nhiên, ông Toản khuyến cáo, nông dân cũng không nên mở rộng diện tích ồ ạt, mà chỉ trồng trong những vùng đã được quy quạch, tránh trường hợp không xuất khẩu được, nông dân sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Để sản xuất và tiêu thụ khoai lang phát triển ổn định và bền vững, không còn bị lâm vào tình cảnh rớt giá, ông Toản cho rằng cần thúc đẩy chế biến khoai lang. Hiện nay, nước ta đã có một số công ty chế biến tinh bột khoai lang, một số công ty chế biến sấy khô, song nguồn nguyên liệu còn hạn chế về số lượng và chất lượng do các giống khoai lang đang trồng ở nước ta chưa đạt tiêu chuẩn để phục vụ cho chế biến. Do vậy, cần chọn các giống khoai lang phục vụ ăn tươi và chế biến trong nước, đồng thời có những biện pháp canh tác tiên tiến, quản lý cây trồng tổng hợp nhằm nâng cao năng suất chất lượng củ khoai lang, có thể cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến công nghiệp để đa dạng hoá chủng loại sản phẩm và tạo đầu ra ổn định cho cây khoai lang ngày một phát triển.

Được biết, chỉ trong thời gian ngắn, đã có 3 loại nông sản của Việt Nam được Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch, mới nhất là khoai lang và tổ yến, trước đó là sầu riêng. Cùng đó, chanh leo cũng được xuất khẩu thí điểm qua một số cửa khẩu được chỉ định từ tháng 7/2022. Như vậy tính đến nay, Việt Nam có 13 loại nông sản xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, sầu riêng, chanh leo, khoai lang, tổ yến.

Chỉ trong thời gian ngắn đã có 3 loại nông sản của Việt Nam được Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch, mới nhất là khoai lang và tổ yến, trước đó là sầu riêng. Cùng đó, chanh leo cũng được xuất khẩu thí điểm qua một số cửa khẩu được chỉ định từ tháng 7/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi khoai lang xuất khẩu chính ngạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO