Khi Mặt trận và báo chí cùng 'thắp lửa'

Lê Na 19/06/2017 08:00

Mặt trận không đứng ngoài cuộc những việc báo chí nêu đang là mệnh lệnh thúc giục những người làm công tác Mặt trận trên cả nước nêu cao tinh thần phối hợp với báo chí, lắng nghe nhân dân từ đó phát huy vai trò giám sát, phản biện.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tại một cuộc hội thảo báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Ảnh: Thành Trung.

1. Sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trao cho Mặt trận vai trò và sức mạnh to lớn trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh mà lịch sử 87 năm qua đã minh chứng. Thực tiễn đã cho phép chúng ta rút ra một bài học sâu sắc mang tính quy luật là bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận.

Với nhận thức sâu sắc đó, Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đề cập cụ thể ngay từ Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ VI diễn ra hồi đầu năm nay.

Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho rằng, năm 2017 và những năm tiếp theo, UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch.

Từ quan điểm quyết liệt của Tổng Bí thư: nếu chỉ có Đảng, Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương 4 thì không thể thành công, Mặt trận và nhân dân, báo chí phải vào cuộc, Mặt trận phải sử dụng, phát huy thế mạnh của báo chí và Mặt trận phải làm cho sức mạnh đó tốt hơn nữa. Ngay tại Hội nghị Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ VI, MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

Sau khi phát động, báo chí đã quyết liệt vào cuộc với quy mô lớn, phản ánh sâu sắc và mức độ bài báo đăng về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí bình quân trên 100 bài/tuần. Tuy nhiên điều mà Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trăn trở, Mặt trận có quyết liệt vào cuộc để giải quyết các vấn đề báo chí nêu hay không.

Trong thời điểm này, không nên đặt câu hỏi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đang diễn ra ở đâu mà phải đặt câu hỏi những hiện tượng tham nhũng, lãng phí đang diễn ra được báo chí và nhân dân nêu nhưng Mặt trận có tích cực vào cuộc hay không?

“Chúng ta không thể để tình trạng báo đăng mà Mặt trận địa phương không biết gì”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn bày tỏ và khẳng định, Mặt trận sẽ cùng với báo chí chọn ra một vấn đề cụ thể để đi đến cùng của vụ việc nhưng muốn xử lý một vụ việc cũng phải mất hàng tháng. Chính vì vậy, để những vụ việc báo chí nêu được giải quyết cần có sự tham gia của cả hệ thống Mặt trận.

2. Báo chí là kênh quan trọng để lắng nghe nhân dân. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có khối báo chí với nhiều tờ báo có số lượng phát hành lớn với uy tín và tính phản biện mạnh. Đây là thế mạnh cần liên kết các tờ báo để tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là việc phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Với tư cách là Uỷ viên của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, phòng chống tham nhũng lãng phí rất khó và phức tạp, đòi hỏi các cơ quan, người đứng đầu cần phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện. Vì hiện nay chỉ chống mà chưa có biện pháp mạnh để phòng và tình trạng lãng phí còn nghiêm trọng, hiện tượng lãng phí ngày công, giờ công đang phổ biến, chỉ riêng việc khắc phục được điều này thì hiệu quả hoạt động sẽ cao hơn rất nhiều.

Đề cao vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, cái chính vẫn là phòng, vì công tác phòng ngừa tốt thì hiện tượng tham nhũng sẽ giảm đi. Báo chí trong hệ thống Mặt trận phải là nơi đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí.

Hiện nay, theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, việc phối hợp trong công tác thông tin, truyền thông của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thể hiện quyết tâm của Mặt trận và các tổ chức trong tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đi vào cuộc sống.

“Trong thời gian tới, các cơ quan báo chí thuộc khối Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm phản ánh những vấn đề nóng được dư luận quan tâm cùng với đó cần tuyên truyền những tấm gương điển hình, người tốt việc tốt để tạo hiệu ứng, lan tỏa trong xã hội” Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực luôn được báo chí phát hiện, giám sát. Nhiều vụ án điển hình được báo chí bám sát để đưa tin kịp thời, như: vụ án Năm Cam, Mai Văn Dâu, Đề án 112, Lương Cao Khải, Nguyễn Đức Chi, Lã Thị Kim Oanh, PMU 18, Vinashin, Vinalines và gần đây là vụ Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm...

Báo chí đã cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng, điều tra phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Hầu hết các vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn hành vi tham nhũng có tinh vi đến đâu, cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng, nhờ sự phát hiện, tố cáo của nhân dân, phần nhiều là do tố cáo với các cơ quan báo chí.

Còn nhớ trong cuộc đối thoại giữa các nhà tài trợ với các cơ quan Phòng chống tham nhũng (PCTN) Việt Nam, bà Catherine McKinley đại diện của Đại sứ quán Thụy Điển cho rằng, qua phân tích cho thấy tại Việt Nam cơ quan báo chí - truyền thông có cả 3 vai trò trong phòng chống tham nhũng: Theo dõi, phân tích hoạt động của Nhà nước; Phản ánh các vụ việc tham nhũng; Tạo diễn đàn tranh luận công khai.

Điều này khẳng định báo chí luôn sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ này. Vấn đề là phải làm thế nào để việc tiếp cận thông tin được tăng cường hơn nữa và cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin.

3. Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động từ ngày 4/1/2017 hiện đã đi được một nửa chặng đường.

Khẳng định sự tham gia lần đầu tiên của Mặt trận trong việc phối hợp với Hội Nhà báo tổ chức giải báo chí trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang - Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết cho rằng, thực tế, báo chí chưa bao giờ ngừng chống tham nhũng, lãng phí, tất cả các Toà soạn, Ban Biên tập các tờ báo luôn làm điều này, nhưng tác động của báo chí đến đâu thì còn là điều phải bàn vì nhà báo chỉ có quyền đưa tin và không có quyền phán xét.

“Bởi vậy, lần đầu tiên với sự tham gia của Mặt trận mỗi bài báo sẽ khác biệt so với các bài báo khác” - Tổng Biên tập Hồng Thanh Quang khẳng định. Sự khác biệt này còn đến từ cách thu thập bài của giải vì có sự cộng tác hỗ trợ của Mặt trận và sự vào cuộc của MTTQ các cấp. Cho nên với tinh thần đó, Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết cho rằng, Mặt trận chính là hậu thuẫn, là ảnh hưởng sâu sắc cho các bài báo có thêm sức mạnh để các địa phương và các bộ ngành tham gia giải quyết vụ việc báo nêu.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những rào cản, trở ngại, nhất là hành lang pháp lý bảo vệ chưa vững chắc nên trong một bộ phận người làm báo vẫn còn tâm lý dè dặt, e ngại khi tiến hành điều tra, viết bài phản ánh về tham nhũng, tiêu cực. Chia sẻ về điều này, nhà báo Phùng Sưởng- Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong từng cho rằng cần sớm nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung một số quy định cho phù hợp với thực tiễn như bổ sung các quy định bảo vệ tác nghiệp, bảo vệ nhà báo khi đi làm nhiệm vụ, tạo hành lang pháp lý tốt để các nhà báo, cơ quan báo chí yên tâm dấn thân.

Theo ông Thuận Hữu- Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, việc phối hợp thật tốt giữa các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, MTTQ Việt Nam và các cơ quan bảo vệ pháp luật chính là cơ sở để khắc phục những thách thức, rủi ro của nhà báo khi tác nghiệp.

Để chia lửa với báo chí trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng, cho đến thời điểm này, Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí trung ương tổ chức nhiều cuộc hội thảo quan trọng cũng như đến thăm nhiều tòa soạn để lắng nghe những tâm tư, chia sẻ những gian khó và động viên các nhà báo đồng lòng trong cuộc chiến chống tham nhũng lãng phí.

Sự đồng lòng của các nhà báo đã tiếp lửa cho Mặt trận trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và với tinh thần này, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhất định công tác này sẽ được tổ chức với chất lượng, hiệu quả cao hơn để gìn giữ tương lai tươi đẹp của đất nước.

* Chúng ta không thể để tình trạng báo đăng mà Mặt trận địa phương không biết gì”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn bày tỏ và khẳng định, Mặt trận sẽ cùng với báo chí chọn ra một vấn đề cụ thể để đi đến cùng của vụ việc nhưng muốn xử lý một vụ việc cũng phải mất hàng tháng. Chính vì vậy, để những vụ việc báo chí nêu được giải quyết cần có sự tham gia của cả hệ thống Mặt trận.

* Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, báo chí trong hệ thống Mặt trận phải là nơi đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí. Việc phối hợp trong công tác thông tin, truyền thông của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thể hiện quyết tâm của Mặt trận và các tổ chức trong tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đi vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi Mặt trận và báo chí cùng 'thắp lửa'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO