Khi ngành Y ‘bắt tay’ báo chí

Trần Ngọc Kha 07/12/2016 10:30

Ngành y tế đã có nhiều thay đổi trong việc hợp tác với báo chí trong thời gian qua. Rất nhiều vụ việc đã được khắc phục và giải quyết hiệu quả nhờ hợp tác chặt chẽ với báo chí, một nhà báo nêu ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn
phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh Trần Ngọc Kha).

Hội thảo Phát huy vai trò của thông tin và truyền thông trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng ngày 7/12 tại Hà Nội. Đây là lần thứ hai Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc “xốc” lại công tác truyền thông y tế trong năm 2016 này.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khoẻ là một trong những giải pháp chủ yếu của Chiến lược Quốc gia Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Vì vậy, theo Bộ trưởng, công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng về bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Ông tin tưởng rằng: Bộ Y tế và các cơ quan chức năng khác trong đó có Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện có hiệu quả, thiết thực hơn trong công tác này.

Đợt tăng giá dịch vụ y tế vừa qua, nếu không có sự tham gia tích cực của các phương tiện thông tin cũng như các nhà báo, chưa chắc dư luận đã đồng tình với ngành y tế để giải quyết vấn đề khó khăn nhất - nguồn thu hạn hẹp diễn ra từ rất nhiều năm qua, kìm hãm sự phát triển của ngành.

Nhờ có truyền thông mà cả hệ thống y tế nói chung, các BV tuyến trên nói riêng ý thức rất rõ tính trầm trọng của thực trạng quá tải y tế để từ đó tích cực khắc phục. Nhờ có truyền thông mà trong thời gian vừa qua, ý thức người dân được nâng cao, góp phần không nhỏ trong việc phòng chống dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi...

Đơn cử một vài trong muôn vàn những ví dụ như vậy, tại hộ thảo này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến muốn gửi đến các nhà báo cũng như mọi người dân một thông điệp rằng: Truyền thông có tầm quan trọng vô cùng. Bản thân ngành y tế và các nhân Bộ trưởng cũng đã có nhiều bài học, rút kinh nghiệm trong công tác này.

Từ vai trò, vị trí của những người trực tiếp đưa tin, bình luận và định hướng dư luận qua các phương tiện thông tin đại chúng, phóng viên Đỗ Trung Hiếu, đến từ Báo Nhân Dân cho rằng: Rất may là sau khủng hoảng truyền thông trong đợt diễn ra dịch sởi cách đây vài năm, Bộ Y tế đã có những động thái rút kinh nghiệm, từ việc phân công người phát ngôn đến việc chủ động phối hợp với báo chí cung cấp thông tin kịp thời và lắng nghe ý kiến của người dân qua các kên thông tin, kể cả mạng xã hội.

Nhà báo Ngô Thanh Hằng (Báo Công an nhân dân) hồi tưởng: Cách đây gần chục năm, các nhà báo vô cùng khó khăn để có thể tiếp cận được nguồn thông tin về y tế. Chỉ có một số rất ít nhà báo có mối quan hệ “bền chặt” với một số đơn vị trong ngành mới có thể có nguồn tin.

“Dường như có tâm lý “kỳ thị” báo chí ở nhiều người, nhiều đơn vị trong ngành y tế với “mặc định” là cứ nhà báo hỏi thì chỉ là viết xấu về ngành y. Hậu quả, cả 2 bên ngành y tế và nhà báo đều “gánh”. Nhà báo so không tiếp cận được thông tin chính thống thì viết theo kiểu suy diễn hoặc theo những nguồn thông tin thiếu khách quan, chuẩn mực. Ngành y tế do vậy, bị dư luận hiểu một cách méo mó, phiến diện. Đến lúc này mới có đôi lời giải thích thì mọi việc đã quá muộn. Cứ như thế, mối quan hệ giữa hai bên ngày càng “đóng băng”. Hậu quả cuối cùng là người dân thiệt thòi”.

Nhà báo Thanh Hằng cũng ghi nhận: Ngành y tế đã có nhiều thay đổi trong việc hợp tác với báo chí trong thời gian qua. Rất nhiều vụ việc đã được khắc phục và giải quyết hiệu quả nhờ hợp tác chặt chẽ với báo chí.

Nhân đây, nhà báo Thanh Hằng cũng chia sẻ: Nhờ có sự hợp tác với truyền thông mà rất nhiều những thành tựu khoa học, kỹ thuật cao, những công hiến của các bác sĩ đã đến được với công chúng.

Các tham luận khác cũng chung một nhận định: Ngành y tế trong thời gian gần đây đã cởi mở hơn, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác hơn với báo chí. Tuy nhiên, “thiện chí” này không phải đã được diễn ra ở tất cả mọi địa phương mà còn không ít cơ sở y tế, cán bộ y tế còn né tránh, thậm chí bưng bít thông tin với các phóng viên, nhà báo.

Từ góc độ báo chí, các phóng viên, nhà báo cũng phải rút kinh nghiệm sâu sắc khi đưa tin.

Tại diễn dàn này, một lần nữa, sự đưa tin thiếu trách nhiệm trong vụ loan tin thất thiệt nước mắm nhiễm thạch tín vừa qua lại được các diễn giả cảnh tỉnh.

Với vai trò của một Thứ trưởng phụ trách công tác truyền thông y tế của Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long chia sẻ: Bộ Y tế sẽ tiếp tục tích cực đồng hành, chia sẻ hiệu quả hơn với các phóng viên, nhà báo để làm tròn sứ mệnh của mình chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi ngành Y ‘bắt tay’ báo chí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO