Khi người Mỹ trở lại Afghanistan: Niềm vui xen lẫn sợ hãi

Linh Chi 02/09/2017 09:05

Chính phủ Afghanistan, vốn đang bị Taliban đe dọa tới sự sống còn, đã lên tiếng hoan nghênh tuyên bố của Mỹ đem quân trở lại nước này dù các cam kết còn rất mập mờ, trong khi đối với nhiều người khác, điều này có nghĩa rằng sẽ có thêm chiến tranh và sự tàn phá.

Một người phụ nữ ở thủ đô Kabul, Afghanistan đọc thông tin về Tổng thống Trump hôm 22/8/2017. (Nguồn: AP).

Hồi đầu tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố mở lại các chiến dịch quân sự ở Afghanistan, cam kết ủng hộ về mặt quân sự, kinh tế và chính trị đối với chính phủ nước này dù không đưa ra cam kết cụ thể. Đáng chú ý nhất chính là việc ông đưa ra quan điểm cứng rắn đối với Pakistan, cho rằng nước này đang là nơi ẩn náu của “những kẻ khủng bố”.

Ngay sau tuyên bố trên, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã nói rằng ông “biết ơn” Tổng thống Trump “vì xác nhận về sự ủng hộ đối với nỗ lực” của họ. Đại sứ Afhganistan tại Washington, Hamdullah Mohib, hoan nghênh động thái trên vì lần đầu tiên Mỹ đặt trọng tâm tới “điều mà Afghanistan cần phải đạt được”.

Nhưng trong lúc mà người dân Afghanistan còn đang suy ngẫm về thông điệp của ông Trump, họ càng tỏ ra quan ngại rằng chính sách trên của Mỹ dường như quá nặng nề về mặt quân sự, tại sao họ không vạch ra một con đường hòa bình với Taliban, hay tuyên bố của ông Trump không liên quan tới việc “tái thiết đất nước” có nghĩa rằng Mỹ sẽ không còn muốn củng cố hệ thống dân chủ của nước này?

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra.

Thông điệp “chết chóc”

Cuộc xung đột ở Afghanistan đã kéo dài trong suốt 16 năm qua, giữa một bên là chính phủ Afghanistan và binh sỹ nước ngoài, bên còn lại là phiến quân Taliban và nhiều băng nhóm khác, khiến nó trở thành cuộc chiến kéo dài nhất mà Mỹ từng tham gia.
Khi phần lớn quân đội Mỹ rút khỏi nước này vào năm 2014, các chiến binh của Taliban đã chiến đấu điên cuồng và giờ đang kiểm soát được nhiều quận ở mọi tỉnh thành của Afghanistan. Giới chức quân sự Mỹ đã coi cuộc chiến này đang ở “thế bế tắc”.

Một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với tuyên bố mà Tổng thống Trump đưa ra mới đây chính là cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, người gọi chiến lược của ông Trump là “một thông điệp chết chóc rõ ràng”. “Đối với chúng tôi, điều đó có nghĩa là thêm chiến tranh, hủy diệt và tổn thất về sinh mạng”- ông Karzai nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây. “Không có một câu nào về nỗ lực hòa bình cả, chỉ toàn nói về chiến tranh, và chúng tôi đã hứng đủ thứ đó rồi”.

Một số nhà bình luận khá cũng cảm ơn ông Trump vì không từ bỏ cuộc chiến nhưng nhấn mạnh rằng không có chiến lược quân sự nào của Mỹ có thể đem tới sự ổn định mà phải nhờ vào nỗ lực của chính Chính phủ Afghanistan, hiện đang bị suy yếu vì tình trạng chia rẽ và bất ổn chính trị.

Một số nhà quan sát thì cho rằng Tổng thống Trump chỉ muốn tập trung vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu hơn là đạt được một thỏa thuận với Taliban. “Dường như Mỹ không muốn chấm dứt cuộc chiến dài nhất của họ...và họ vẫn quá kiêu ngạo về sức mạnh của mình”- Người phát ngôn của Taliban, Zabiullah Mujahid, nói và khẳng định: “Khi mà còn một binh sỹ Mỹ trên lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục thánh chiến...Afghanistan sẽ trở thành một mồ chôn khác của siêu cường này”.

Pakistan bất bình

Ở Pakistan, phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Trump cũng rất gay gắt.

Một số nhà phê bình nước này đã chỉ trích việc ông Trump gọi nước họ là nơi ẩn náu của khủng bố, sự thay đổi đáng lo ngại trong chính sách của Mỹ. Sự việc còn nặng nề hơn khi ông Trump kêu gọi Ấn Độ - đối thủ không đội trời chung với Pakistan - tăng cường vai trò kinh tế ở Afghanistan. Pakistan từng liên tiếp bác bỏ cáo buộc cho rằng họ cung cấp nơi ẩn náu cho Taliban hay các nhóm khủng bố.

Để củng cố thêm cho tuyên bố của ông Trump, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson còn nói rằng các khoản viện trợ của nước này đối với Pakistan trong tương lai sẽ còn phụ thuộc vào việc liệu nước này có đưa ra “hướng tiếp cận khác” với chủ nghĩa khủng bố và ngừng che giấu những kẻ cực đoan hay không.

“Đã có sự tổn hại về niềm tin bởi chúng tôi đã chứng kiến nhiều tổ chức khủng bố được cung cấp nơi trú ẩn bên trong Pakistan để rồi lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công nhằm vào quan chức, nhân sự của Mỹ, làm gián đoạn các nỗ lực hòa bình ở Afghanistan”- ông Tillerson nói. Viện trợ kinh tế, quân sự và cả tư cách đồng minh ngoài NATO của Pakistan hiện đang được Mỹ cân nhắc lại- ông Tillerson nói thêm.

Sherry Rehman, một cựu Đại sư sPakistan tại Washingotn, nói rằng việc phải liên tục nghe tin về sức ép mà Pakistan phải hứng chịu để bình ổn Afghanistan là điều “khó chịu và thất vọng”. Bà nói rằng đất nước Pakistan “đã hy sinh không thể tính toán” để chống chủ nghĩa khủng bố. “Việc cố gắng cô lập và đối xử không công bằng với Pakistan sẽ chỉ làm vấn đề thêm phức tạp”- bà Rehman nói.

Điều gì khiến Taliban trỗi dậy?

Nhiều người dân Afghanistan tung hô Tổng thống Trump vì đã đưa ra quan điểm cứng rắn với Pakistan - quốc gia mà họ xem là nguồn gốc gây bất ổn và bạo lực. Nhưng một số không khỏi đặt ra câu hỏi rằng liệu ông Trump có đang xem Ấn Độ như một đối tác khu vực quan trọng hay không, khi mà không nhắc tới Nga, Trung Quốc và Iran - các nước cũng đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng trong cuộc xung đột ở Afghanistan.

Tại Bắc Kinh, các nhà ngoại giao đã đề cập tới nền quốc phòng của Pakistan, nói rằng Pakistan “đang ở tiền tuyến của cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố” và rằng họ hy vọng Pakistan cùng Chính phủ Mỹ sẽ “hợp tác” trong cuộc chiến này “dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau”.

Người dân Afghanistan cũng cho rằng Tổng thống Trump đã đúng khi không đưa ra một hạn chót để rút binh sỹ Mỹ. Trước kia, chính sách của Tổng thống Barack Obama khi đặt ra một thời hạn rút quân được xem là một lỗi chiến thuật.

Ngược lại, điều khiến Afghanistan lo ngại chính là việc ông Trump nhấn mạnh về một chính sách quân sự “không giới hạn”, đặc biệt khi ông nói rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với nước này sẽ dựa trên “những điều kiện” chưa được nêu tên.

Trên mạng xã hội cũng như trong nhiều cuộc phỏng vấn, người dân Afghanistan đã chỉ ra rằng chính phủ của họ đang phải vật lộn với tình trạng chia rẽ và bất ổn nội bộ cùng nền kinh tế yếu kém...Trong khi giới chức Afghanistan hy vọng rằng các cải cách của họ sẽ đạt được “những điều kiện” mới mà ông Trump đưa ra, những người khác lại xem tình trạng tham nhũng và quản lý yếu kém như nguyên nhân chính khiến Taliban trỗi dậy.

Ghulam Farooq, một sinh viên đại học 23 tuổi, nói rằng anh hy vọng chiến lược mới của ông Trump sẽ giúp đánh bại phiến quân Taliban và các nhóm phiến quân Hồi giáo khác. Nhưng người này nói rằng điều quan trọng là Mỹ phải “tuân thủ” các cam kết ủng hộ cho nền dân chủ của Afghanistan sau nhiều thập kỷ xung đột. “Người dân nước tôi đã trở thành con tin trong tay của cả những kẻ khủng bố và các quan chức tham nhũng”- Farooq nói và cho rằng: “Những lời cam kết của họ về cuộc sống tốt hơn, an ninh, chống tham nhũng, tạo cơ hội việc làm đều chỉ là nói chơi. Nếu Mỹ không gây sức ép về vấn đề này, nó sẽ gây ảnh hưởng cực kỳ nặng nề”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi người Mỹ trở lại Afghanistan: Niềm vui xen lẫn sợ hãi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO