Khi người nghèo cần vốn

T.Hằng 23/06/2017 08:30

Nhiều chủ trang trại mạnh dạn mong muốn được tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn ưu đãi để mở rộng đầu tư.

Ảnh minh họa.

Mong muốn được tiếp cận vốn

Ông Nguyễn Quân (Ân Thi, Hải Dương) đang là chủ một trang trại theo mô hình vườn ao chuồng, hàng năm thu lãi từ 120 – 150 triệu đồng cho biết, đã sử dụng 80 triệu đồng vay từ ngân hàng Chính sách xã hội, cùng với khoản vốn tự có khoảng 300 triệu để thuê và đầu tư cải tạo đất, chuồng trại.

Ông chia sẻ, để có thể vay 80 triệu, gia đình phải tiếp cận từ 3 chương trình: Chương trình vay nước sạch và vệ sinh môi trường, Chương trình vay vốn học tập cho học sinh sinh viên và Chương trình vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, thoát nghèo.

“Tôi đang tính đầu tư thêm nhiều loại cây trồng nữa để tăng thu nhập vì vậy mong muốn được tiếp cận thêm nhiều nguồn vốn hơn” – ông Quân cho biết.

Ông Quân chỉ là một trường hợp. Trong cuộc thực tế của phóng viên tại một số tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, khi trò chuyện với nhiều chủ trang trại cũng như người nông dân, họ có mong muốn ngân hàng tăng các khoản tiền cho vay.

Tại một cuộc hội thảo về tín dụng cho trang trại vừa diễn ra vào trung tuần tháng 6 vừa qua, ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại ở huyện Tân Uyên (Bình Dương) cho biết, đến nay gia đình ông lần đầu tiên nhận được một khoản hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng là chi phí chứng nhận VietGAP. Còn lại, các khoản đầu tư, vay vốn, ông đều phải tự xoay xở.

Thời điểm hiện tại, gia đình ông Chiến đang cần khoảng 3 tỷ đồng để đầu tư trồng 10 ha bưởi da xanh ruột hồng.

Mặc dù ngành nông nghiệp Bình Dương cũng đang có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển bưởi, cam và các loại cây có múi nhưng muốn vay vốn ưu đãi, nông dân phải có kế hoạch đầu tư, thuyết minh dự án và đặc biệt là phải có… hóa đơn đỏ (hóa đơn giá trị gia tăng). Song muốn có được hóa đơn thì quá khó.

Tiếp tục hỗ trợ

Thời gian qua Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ cho vay tín dụng nông nghiệp, trong đó có những ưu đãi dành riêng cho vay kinh tế trang trại như: Chính sách ưu đãi khuyến khích hộ nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất; gỡ khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phát triển kinh tế trang trại từ các hộ gia đình lên quy mô DN…

Cùng với đó, Chính phủ đã xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp như sử dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Chính phủ ban hành hai Nghị Nghị định 41 và Nghị định 55, quy định đối tượng khách hàng này vay vốn không cần tài sản đảm bảo (TSĐB) và được vay tối đa đến 3 tỷ đồng.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, bản thân thị trường đất nông nghiệp nước ta cũng còn gặp nhiều khó khăn. Các thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp vô cùng nhiêu khê và phức tạp.

Trên thực tế, các hoạt động chuyển nhượng đất nông nghiệp dù có diễn ra thì cũng chủ yếu ở dạng “ngầm”.

Chưa kể, hiện cũng chưa có cơ chế hỗ trợ tín dụng cho nông dân đi mua đất, thuê đất để sản xuất. Cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho thuê đất, mua đất nông nghiệp để khuyến khích những hộ nông dân sản xuất giỏi tích tụ ruộng đất.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNN), mỗi dự án sản xuất nông nghiệp thường có thời gian triển khai cụ thể.

Vì vậy, các TCTD cần nghiên cứu, cung cấp các khoản vốn kịp thời, linh hoạt hơn, phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp.

Riêng với những dự án phải có đảm bảo thế chấp để vay vốn, các TCTD cần xem xét mở rộng điều kiện cho vay ngoài những quy định cũ như tài sản đất đai, tài sản hình thành từ vốn, dự án đầu tư, hợp đồng hợp tác, hợp đồng bảo hiểm.

NHNN nên bổ sung thêm cho phép các HTX, hộ nông dân, trang trại được sử dụng cơ sở hạ tầng nhà kính làm tài sản thế chấp để vay vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi người nghèo cần vốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO