Khi nhiều người thân cùng làm 'quan xã'

Nguyễn Tuấn Anh 05/02/2018 09:30

Nằm cách trung tâm huyện lị chưa đến 5 km, thế nhưng nhiều việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của cán bộ xã Xuân Phú, huyện Ea Kar, Đắk Lắk nhiều năm nay vẫn chưa bị xử lý như lợi dụng quyền thế bố trí cho người nhà làm cán bộ, chứng thực hồ sơ giả cho người thân trục lợi; lập giấy tờ giả thông báo đất quốc phòng đuổi dân chiếm dụng đất rừng…

Khi nhiều người thân cùng làm 'quan xã'

Khu đồi 500 nhìn từ xa.

Nhiều người thân cùng làm cán bộ

Xã Xuân Phú được thành lập năm 1989, trên cơ sở phần lớn bà con từ tỉnh Hưng Yên thuộc diện di dân kinh tế mới theo kế hoạch.

Toàn xã có 1.100 hộ, 6.200 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17%, hộ nghèo và cận nghèo 15,52%.

Là xã vùng 2, nên Xuân Phú có tổng số 22 định biên cán bộ và công chức, trong đó 11 cán bộ và 11 công chức.

Ông Lê Quang Vĩnh, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phú. Trước khi thành lập xã Xuân Phú, bố ông Vĩnh là Lê Xuân Cương làm chủ nhiệm HTX Phú Xuân.

Năm 1989, khi thành lập xã, ông Vĩnh được bố trí làm tài chính xã, sau đó 2 nhiệm kỳ giữ chức chủ tịch UBND, nay đương nhiệm bí thư Đảng ủy.

Hiện gia đình ông Vĩnh có 4 người là Đảng ủy viên, trong đó 2 người trong Ban Thường vụ Đảng ủy.

Theo người dân phản ánh, các thành viên trong gia đình ông Vĩnh chiếm giữ đến 7 vị trí chủ chốt khác, gồm: Ông Lê Văn Điệp (anh ruột ông Vĩnh)- phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã; ông Lê Văn Tường (em ruột ông Vĩnh)- cán bộ kế hoạch giao thông thủy lợi xã; ông Nguyễn Bá Quỳnh (em rể ông Vĩnh)- trưởng ban Tư pháp xã; bà Trần Thị Quỳnh (em vợ ông Vĩnh), phó chủ tịch HĐND xã; ông Phạm Văn Hoa (anh con bác ruột ông Vĩnh)- trưởng Công an xã; ông Phạm Văn Tuyến (con nuôi của bố ông Vĩnh), giữ chức chủ tịch MTTQ xã; và ông Nguyễn Văn Toàn (em bên vợ ông Vĩnh), làm chỉ huy trưởng Ban CHQS xã.

Tính đến năm 2018, ông Vĩnh có thâm niên làm cán bộ xã lâu nhất; kế đến là ông Phạm Văn Tuyến hơn 25 năm, người ít nhất là ông Hoa mới bổ nhiệm làm trưởng Công an xã từ năm 2013.

Để làm rõ vấn đề việc nhiều người thân cùng làm cán bộ xã, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với ông Vĩnh, nhưng ông không hợp tác, với lý do ông bận việc.

Phóng viên đã đặt lịch làm việc, cũng như nhiều lần liên hệ với ông Đặng Ngọc Hiền- trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ea Kar nhưng đều không có hồi âm.

Sai phạm

Theo người dân, khi “cả nhà làm quan xã” đã và sẽ gây ra những vụ việc khuất tất, tiêu cực, khi bị phát hiện, tố cáo thì đều tìm cách bao che, hoăc giải quyết lấy lệ.

Một trong những sai phạm nghiêm trọng được người dân phản ánh là việc cán bộ xã Xuân Phú đã dùng quyền lực để tranh giành đất với người dân, đồng thời biến rừng và đất lâm nghiệp do xã quản lý thành “đất riêng”.

Cụ thể, khu đất thuộc đồi 500, ở thông Suối Cát, có diện tích khoảng 170 ha vốn là rừng sản xuất được giao cho UBND xã quản lý.

Trong một thời gian dài, từ năm 1989 đến năm 2000, diện tích rừng này không được quản lý, dẫn tới người dân thôn Suối Cát và các thôn lân cận khai hoang sản xuất nông nghiệp và dựng nhà ở.

Ngày 12/2/2000, UBND xã Xuân Phú có Thông báo số 01/TB-UB, “Thông báo về việc khai phá đất khu vực đồi 500”, do phó chủ tịch UBND Nguyễn Quang Nón ký với nội dung: “Khu đất đồi 500 là đất quốc phòng, yêu cầu các hộ dân không khai phá, sản xuất. Nếu gia đình cố tình chặt phá khu đồi 500 để ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ của quân sự thì hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Từ thông báo trên, các hộ dân đều nghiêm chỉnh chấp hành.

Bà con cho biết: Tin tưởng đó là khu đất quốc phòng, nên sau khi có thông báo này nhiều hộ dân đến đây khai phá đất làm rẫy đã chấp hành nghiêm, có hộ đã khai phá 4 đến 5 héc-ta cũng không sản xuất nữa mà trả lại cho xã để sử dụng vào mục đích quân sự.

Thế nhưng, theo Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Ea Kar, khu vực đồi 500 không phải là đất quốc phòng do Bộ CHQH tỉnh Đắk Lắk, hay Ban CHQS huyện Ea Kar quản lý, mà đây là rừng và đất lâm nghiệp do xã quản lý.

Chỉ có 1 điểm cao trên đỉnh đồi, diện tích 1.000m2 được quy hoạch là trận địa phòng không 12ly7 của xã.

Thực tế, sau khi UBND xã Xuân Phú ban hành Thông báo số 01/TB-UB, người dân trả lại đất, thì cán bộ xã này lại chia nhau, rồi tìm cách hợp thức hóa để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo ông Nguyễn Văn Láng, nguyên cán bộ địa chính xã từ 1994 đến 2016, khẳng định: Khu đất đồi 500 vốn là rừng tự nhiên, sau quy hoạch thành rừng sản xuất và giao cho xã quản lý.

Nhưng sau đó hơn 20 hộ, trong đó một số là cán bộ xã hoặc nguyên cán bộ xã qua các thời kỳ đã chiếm dụng sản xuất nông nghiệp, trồng rừng. Hiện nay các hộ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 2/2, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hải- chủ tịch UBND xã Xuân Phú cho biết: Tính đến thời điểm này, xã Xuân Phú không còn quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp nào nữa; quỹ đất dự phòng cũng cạn kiệt. Điều này cho thấy, cơ bản rừng và đất lâm nghiệp ở Xuân Phú đã được chia hết.

Ngoài ra, theo phản ánh của người dân, xã Xuân Phú còn để xảy ra những sai phạm như việc sử dụng tiền xây dựng Hội trường thôn 3; tiền hỗ trợ thiệt hại hạn hán vụ Đông- Xuân 2015-2016; có dấu hiệu khuất tất trong huy động tiền của dân xây dựng đường điện…

Ngay với bí thư Lê Quang Vĩnh, thời điểm là chủ tịch xã Xuân Phú, mặc dù biết rõ chú ruột của mình không đi bộ đội, không bị ảnh hưởng của chất độc da cam, thế nhưng vẫn cho hợp thức hóa, để chú ruột mình là ông Lê Trung Hiếu hưởng chế độ chính sách cho người bị nhiễm chất độc da cam...

Thiết nghĩ, trước những sai phạm ở xã Xuân Phú, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cần sớm vào cuộc để làm sáng tỏ về công tác cán bộ cũng như các sai phạm khác, giải quyết dứt điểm những tố cáo, phản ánh, cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Hải- chủ tịch UBND xã Xuân Phú (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) cho biết, tính đến thời điểm này, xã Xuân Phú không còn quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp nào nữa; quỹ đất dự phòng cũng cạn kiệt. Điều này cho thấy, cơ bản rừng và đất lâm nghiệp ở Xuân Phú đã được chia hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nhiều người thân cùng làm 'quan xã'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO