Khi 'phượt thủ lạc đường'

Hữu Vinh - N.Quốc 08/09/2019 08:04

“Phượt” là một hình thức đi du lịch bụi đã nở rộ ở Việt Nam nhiều năm qua, song vấn đề hiện nay là nhiều phượt thủ đã bất chấp những cảnh báo nguy hiểm, dẫn đến nhiều sự việc đau lòng xảy ra cho chính bản thân họ và người cứu hộ.

Khi 'phượt thủ lạc đường'

Chị Nguyễn Thị Ly, 29 tuổi, vợ anh Khải ôm con gái gào khóc bên linh cữu người chồng tử nạn khi tham gia cứu nhóm phượt thủ trên bán đảo Sơn Trà.

Tử nạn do cứu nhóm phượt thủ

Đối với những bạn trẻ, việc thực hiện chuyến du lịch mạo hiểm nhằm mục đích khẳng định bản thân, chinh phục các cung đường hiểm trở, đến những vùng đất mới để khám phá thiên nhiên và chiêm nghiệm bản thân đã trở thành một trào lưu. Song, vấn đề hiện nay là nhiều phượt thủ đã bất chấp những cảnh báo nguy hiểm, dẫn đến nhiều sự việc đau lòng xảy ra cho chính bản thân họ và người cứu hộ.

Sự việc anh Trần Long Khải (30 tuổi, trú xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) trong lúc tham gia cứu hộ nhóm phượt thủ bị lạc tại bán đảo Sơn Trà, anh không may bị trượt chân ngã tử vong khiến nhiều người xót xa. Vào ngày 27/8, một nhóm phượt thủ 4 người gồm: Trần Hữu Minh Sang (27 tuổi), Đinh Ngọc Minh (27 tuổi, cùng trú quận 9, TP HCM), Bùi Thị Thảo Nhi (19 tuổi, trú tại Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Lê Nguyễn Tú (24 tuổi, trú tại TP HCM) cùng nhau ra khu vực Mũi Nghê (thuộc bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) để khám phá và check in địa điểm này. Tuy nhiên, khi quay trở lại cả nhóm đã bị lạc ở đoạn đường mòn từ cây đa cổ thụ đến Mũi Nghê; một người trong nhóm này bị trượt chân ngã xuống vực. Ba người còn lại đã dọi đèn pin tìm bạn và tri hô mong nhận được hỗ trợ.

Nghe tiếng kêu cứu của nhóm người đi lạc, anh Mai Xuân Minh và anh Trần Long Khải đang đi câu ở khu vực biển Mũi Nghê, đã tìm cách hỗ trợ. Trời đang đổ mưa lớn nhưng hai anh Minh và Khải vẫn leo qua các mỏm đá để tiếp cận, ứng cứu nhóm người đi lạc… Tuy nhiên, trong lúc leo núi để trợ giúp nhóm người đi lạc thì không may anh Khải bất ngờ bị trượt chân, ngã xuống vực, đầu bị va trúng vào đá. Thấy vậy, người đi cùng với anh Khải sau đó đã liên lạc được với lực lượng cứu hộ đến ứng cứu và đưa anh Khải cùng một người bị tai nạn trong lúc đi phượt đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên anh Khải đã tử vong trước đó do mất quá nhiều máu.

Trường hợp anh Khải tử vong trong lúc tham gia cứu nhóm phượt thủ bị lạc đã khiến cho nhiều người đau xót và thương cảm. Bởi, anh ra đi để lại người vợ trẻ cùng 2 người con nhỏ (bé gái đầu 4 tuổi và bé trai mới 13 tháng tuổi), cùng với biết bao dự định còn dang dở. Bố anh Khải - ông Trần Khởi 52 tuổi, ở thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang - cho biết: Khải là con đầu, do hoàn cảnh khó khăn nên hai vợ chồng phải để lại 2 người con nhỏ cho ông bà nội nuôi giữ, còn mình vào Đà Nẵng thuê trọ đi làm công nhân để trang trải cuộc sống. “Nghe tin con gặp nạn, tôi không tin vào tai mình, khựng người lại một lúc tôi mới gọi người thân cùng vào Đà Nẵng để nhận thi thể. Tôi không ngờ rằng mình gặp lại con trong hoàn cảnh éo le này. Người đầu bạc tiễn người đầu xanh thật đau đớn lòng” - ông Khởi nói trong nước mắt.

Nhìn hai đứa con anh Khải bơ vơ giữa dòng người đến thăm viếng và lo tang lễ cho anh, nhiều người không cầm được nước mắt. Bởi nó còn quá nhỏ để hiểu hết được sự mất mát quá lớn, khi ngay từ bây giờ hình bóng của người cha đã không còn hiện hữu bên cạnh những đứa con tội nghiệp này nữa.

Bên cạnh niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của anh Khải, không ít người đã lên án, chỉ trích nhóm phượt thủ trên khi bất chấp cảnh báo. Sự thiếu hiểu biết về địa hình, thích thể hiện bản than của họ là nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của anh Khải. Vẫn biết đây là điều không ai mong muốn, nhưng chính sự liều lĩnh, bất chấp của nhóm phượt thủ khiến người đến ứng cứu phải hy sinh là điều đáng chê trách và lên án.

Bất chấp cảnh báo để phượt

Ông Phan Minh Hải - Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng - cho biết: Địa điểm mà nhóm phượt thủ này bị lạc là khu vực rừng núi, từ Cây Đa Di sản ra Mũi Nghê là rừng nguyên sinh. Đây là địa điểm đẹp, là mũi đất đón tia nắng đầu tiên của TP Đà Nẵng nên các bạn trẻ thường tự phát đến khám phá, check-in. Mặc dù chưa có chủ trương khai thác khách du lịch nhưng nhiều người vẫn theo đường dân sinh ra khu vực này chụp ảnh, câu cá…

Cũng chính tại địa điểm này, vào ngày 20-6-2018 đã xảy ra vụ nhóm du khách nước ngoài bị lạc trong rừng, đến hôm sau mới được tìm thấy. Sau sự việc đó, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã cắm bảng lớn ngay đầu tuyến để cảnh báo du khách, đồng thời cử nhân viên trật tự nhắc nhở không cho xuống. Tuy nhiên, vẫn có những nhóm khách cố tình lội bộ vào tuyến này để chụp ảnh, câu cá và đã gặp nguy hiểm như nhóm khách vừa rồi - ông Hải cho hay.

Trước đó, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi các phượt thủ cố gắng chinh phục những địa điểm mà mình đến, bất chấp đã được cảnh báo là khu vực nguy hiểm dẫn đến nhiều trường hợp đã tử vong. Đơn cử như trường hợp của phượt thủ T.A.K. (trú tại TP HCM) cùng nhóm bạn của mình trong lúc cố gắng chinh phục cung đường Tà Năng – Phan Dũng không may bị lạc đường và tử vong do ngã từ trên cao xuống nước (vào tháng 5/2018). Hay như mới đây, ngày 28/4/2019, cũng tại cung đường này, một người dân đi hái lan rừng phát hiện ông Nguyễn Quốc P. (42 tuổi, trú tại TP Vũng Tàu) tử vong bên dốc đồi thông. Nguyên nhân được cho là ông P. bị ngã xe không được ai trợ giúp.

Cung đường Tà Năng – Phan Dũng dài hơn 50 km (trải dài qua 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng) được những phượt thủ và du khách đánh giá là địa điểm trekking đẹp nhất Việt Nam và là nơi mà nhiều phượt thủ cố gắng chinh phục. Tuy nhiên, đây cũng chứa đựng nhiều hiểm nguy bởi địa hình hiểm trở, rất khó đi, khu vực lại vắng vẻ, không có người dân sinh sống, vì vậy, khi xảy ra sự cố rất khó để liên lạc với người bên ngoài đến ứng cứu kịp thời.

Có thể thấy, nhiều trường hợp các phượt thủ gặp nạn khi cố chinh phục những địa điểm đẹp mà mình muốn đặt chân đến, đa số là những người còn ít kinh nghiệm khi đi phượt, hoặc không tìm hiểu kỹ về nơi mình sẽ chinh phục. Bên cạnh đó, do tuổi trẻ thích khám phá, bất chấp những hiểm nguy, cảnh báo từ người dân và cơ quan chức năng dẫn đến những sự việc đáng tiếc trên.

Do đó, việc xây dựng một “văn hóa phượt” trong mỗi phượt thủ là điều cần thiết để những vụ việc thương tâm như vừa qua sẽ không còn xảy ra nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi 'phượt thủ lạc đường'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO