Khi rừng bốc cháy

Bắc Phong 03/07/2019 07:00

Rồi thì mưa cũng rơi xuống khu vực Bắc Trung Bộ, nơi suốt thời gian dài vừa qua nắng nóng cực kỳ gay gắt, nhiều cánh rừng đã bốc cháy. Những cơn mưa “chữa lửa” thật vô cùng quý giá.

Tiếp nhận thông tin những cánh rừng suốt từ Thanh Hóa cho tới Thừa Thiên-Huế bốc cháy mà lòng nhói đau. Mỗi vạt rừng bốc cháy là lại mất đi một mảng màu xanh trên dải đất hình chữ S vô cùng yêu quý. Để khôi phục lại những cánh rừng cần rất nhiều thời gian, công sức. Và qua những vụ cháy rừng lại càng thấy việc bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên của đất nước là vô cùng hệ trọng.

Khi rừng bốc cháy

Nỗ lực dập lửa cứu rừng.

Trong số những vụ cháy rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ và một số tỉnh miền Trung vừa qua, thì vụ cháy ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được coi là điển hình. Điển hình vì diện tích rừng bị cháy quá lớn, phải huy động lực lượng lớn chữa cháy trong thời gian kéo dài, và cũng là điển hình về việc bất cẩn của người dân dẫn đến thảm họa.

Vụ cháy diễn ra vào khoảng 13h ngày 28/6 tại tiểu khu 92, thuộc rừng thông thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Chiều 1/7, Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối tượng Phan Đình Thành (46 tuổi, trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng) về tội “vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy”. Ông Thành được xác định là nghi phạm gây ra vụ cháy rừng liên tục mấy ngày qua tại khu rừng thông giữa thị trấn Xuân An và xã Xuân Hồng, làm thiệt hại gần 50ha rừng.

Theo lời khai của ông Thành tại cơ quan điều tra được báo chí thông tin thì vào trưa ngày 28/6, ông ra vườn gom rác để đốt. Do trời nóng, gió Tây Nam thổi mạnh nên lửa đã cháy lan ra khắp vườn. Sau đó, lửa cháy mạnh hơn và lan từ vườn nhà ông này sang khu vực rừng thông phía sau. Từ đó dẫn đến một vụ cháy rừng kinh hoàng trên diện rộng. Cả ngàn con người đã được huy động để dập lửa. Theo quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì với hành vi kể trên, bị can có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất từ 7 đến 12 năm tù. Còn nếu cơ quan công an chứng minh được hành vi gây cháy rừng của bị can là cố ý thực hiện thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “hủy hoại rừng” theo quy định tại Điều 243 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với khung hình phạt cao nhất là 7 đến 15 năm tù.

Rồi đây cơ quan chức năng sẽ đưa ra phán quyết trường hợp này. Tuy nhiên, chỉ xét về hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thì có thể thấy rằng nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nước ta là rất lớn.

Việc thiếu ý thức phòng cháy, chữa cháy có thể được ví như một căn bệnh ở không ít người. Tại những khu vực có rừng, cho dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về nguy cơ gây cháy trong mùa khô hoặc những ngày nắng nóng, nhưng vẫn tồn tại sự thiếu ý thức phòng cháy ở rất nhiều người. Việc gom lá khô, củi khô để đốt hoặc là dùng lửa để dọn nương rẫy vẫn là “chuyện thường ngày” ở nhiều nơi. Chưa kể việc người đi rừng vô ý tạo ra những đốm lửa nhỏ vẫn còn đó. Và cũng chính vì thế mà từ một đốm lửa dẫn tới cả một khu rừng bị thiêu rụi.

Cháy rừng có thể có nguyên nhân khách quan khi rừng bị khô nỏ nhiều ngày, trời lại quá nóng bức nên phát lửa. Nhưng nguyên nhân từ con người gây ra là rất hệ trọng, cần phải được chấm dứt. Ở đây, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người dân khi đốt lửa gây cháy (trong bất cứ trường hợp nào). Vì vậy, ý thức phòng cháy của mỗi người dân phải được nâng lên. Khi ý thức phòng cháy có trong mỗi con người như một lẽ tự nhiên thì hậu họa rất khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn là trách nhiệm tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm ngay từ đầu của địa phương. Nếu trách nhiệm của cán bộ cơ sở cấp thôn, xã được nâng lên thì cũng có thể nói sẽ giảm thiểu rất nhiều nguy cơ gây cháy đến từ công việc thường ngày của người dân, như đốt lá khô củi khô, dùng lửa dọn nương rẫy.

Trở lại với những vụ cháy rừng ở nhiều địa phương Bắc Trung Bộ và miền Trung vừa qua, dư luận xúc động trước việc xả thân chữa cháy của nhiều lực lượng, nhiều người. Đó là những người không quản khó khăn gian khổ, kể cả hiểm nguy để dập lửa cứu rừng. Cứu rừng cũng chính là giữ nguồn sinh kế, giữ tài nguyên, giữ môi trường cho quê hương, đất nước. Càng khâm phục tinh thần ấy lại càng nghĩ, giá như việc phòng cháy tốt hơn, có ý thức phòng cháy ngay từ đầu thì đâu nên nỗi. Giá như…, ở đời có quá nhiều cái “giá như…” mà chỉ khi sự việc xảy ra rồi mới nuối tiếc, ân hận, dằn vặt và đôi khi phải trả cái giá rất đắt.

Nước ta có diện tích rừng lớn với tổng diện tích hiện nay hơn 14,4 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 10 triệu ha và rừng trồng hơn 4,4 triệu ha. Mùa hè nắng nóng và mùa hanh khô cùng với sự xâm hại rừng nên cháy rừng luôn là một mối lo lớn. Phòng chống cháy rừng luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Vì thế càng cần nêu cao ý thức trách nhiệm của mỗi người, mỗi địa phương, củng cố lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để ngăn các vụ cháy rừng không còn xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi rừng bốc cháy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO