Khí thế tháng 4

Hoàng Mai 29/04/2017 16:46

Trong thời khắc kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất toàn vẹn đất nước; kỷ niệm ngày cả dân tộc ca khúc khải hoàn trong niềm vui vô bờ mới càng thấy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là bài học luôn luôn mang tính thời đại, dù trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào.

Người dân Sài Gòn chào đón đoàn quân chiến thắng trong ngày 30/4/1975 lịch sử.

1. Sau Hiệp định Paris năm 1973, tình hình và thế bố trí chiến lược của các bên tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam có nhiều thay đổi. Quân đội Mỹ buộc phải rút về nước. Trong khi đó, tình hình thế giới cũng có nhiều đổi thay, mà đáng kể nhất là việc các nước lớn có những động thái thỏa hiệp lẫn nhau. Với Việt Nam, thời gian này dù còn nhiều khó khăn do sự giúp đỡ về vật chất của bạn bè quốc tế không còn được như trước; nhưng Đảng ta vẫn chủ trương tiến hành đồng thời: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam; trong đó, con đường giải phóng miền Nam tiếp tục là con đường cách mạng bạo lực.

Tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Trung ương Đảng đã phân tích thắng lợi của 18 năm tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta từ 1954 đến khi quân đội Mỹ và chư hầu rút khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris để từ đó đi đến đánh giá: ‘’Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trở thành cuộc đọ sức điển hình, thành tiêu điểm của cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng trên thế giới, là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc mang tính chất thời đại rất sâu sắc’’.

Và, cũng tại Hội nghị này, Trung ương Đảng đã rút ra những bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là: giữ vững tư tưởng chiến lược tiến công, nắm vững quan điểm cách mạng bạo lực; giương cao ngọn cờ dân tộc, dân chủ và ngọn cờ xã hội chủ nghĩa; biết thắng từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn; có phương pháp cách mạng thích hợp.

Riêng về tình hình miền Nam sau Hiệp định Paris, Hội nghị đã chỉ rõ: mặc dù Mỹ đã rút quân nhưng ở miền Nam vẫn chưa có ngừng bắn, hòa bình chưa thật sự lập lại; nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn được Mỹ giúp đỡ tiếp tục làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Chính sách cơ bản của đế quốc Mỹ ở Việt Nam vẫn là áp đặt chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ ở miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta. Và, nhấn mạnh: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng.”

Sự kiên định đường lối cách mạng miền Nam mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III chủ trương thời kỳ sau Hiệp định Paris, được sự giúp sức của nền tảng vững chắc từ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; sự đoàn kết xung quanh Đảng của mọi tầng lớp nhân dân đã góp phần làm nên một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

2. Toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30/4/1975 đánh dấu thắng lợi của một chặng đường chiến đấu và hy sinh đầy gian khổ, khó khăn của quân và dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước. Chiến thắng ấy đã cho thấy dân tộc và nhân dân Việt Nam đã làm được một điều không tưởng như suy nghĩ của nhiều nhà quan sát. Nhưng, lịch sử Việt Nam hiện đại đã từng ghi nhận chính trong những giờ phút cam go nhất, tinh thần và khí phách Việt Nam đã góp phần làm nên chiến thắng vang dội như chúng ta đã từng thành công trong cách mạng Tháng Tám 1945; trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 hay như trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Thắng lợi ấy vì thế có thể nói không quá là thắng lợi của tinhthần và ý chí Việt Nam.

Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và đường lối cách mạng đúng đắn mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra, suốt khoảng 21 năm bền bỉ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để giành lại độc lập tự do cho dân tộc mình. Bởi “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Sự quật cường ấy dường như luôn chảy trôi trong huyết quản của mỗi đứa con mang dòng giống Rồng, Tiên với “Nhịp trống hào hùng, mãi còn vang/ Bao lớp người đi ra nơi biên thùy và với hình bóng mẹ già đứng đợi con/ Tạc vào sử sách hào hùng”.

Với bề dày của lịch sử; với tinh thần tất cả vì miền Nam thân yêu; với sức mạnh dân tộc kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại và sự sáng tạo riêng có của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Thắng lợi ấy cũng có thể nói không quá chính là thắng lợi của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sức mạnh đó chính là sức mạnh của lòng yêu nước. Và trong cuộc đối đầu với “trào lưu nhân dân được thúc đẩy cao” một cường quốc hùng mạnh là vậy; với một quân đội hùng mạnh trang bị những loại vũ khí, khí tài tối tân nhất đã không thể chiến thắng nổi ý chí và tinh thần Việt Nam. Không thể thắng nổi làn sóng yêu nước mạnh mẽ và to lớn được mỗi người dân hun đúc mà thành. Nó cũng là sự cộng hưởng của tinh thần đồng tâm, hiệp lực cùng đau nỗi đau của một dân tộc chưa một ngày được sống trong nền hòa bình thật sự kể từ khi lập quốc. Là bởi, như Hồ Chủ tịch đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa tới nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nối kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn; nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Nhìn lại những chặng đường của chiến dịch Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 càng cho chúng ta cảm hứng về tinh thần đại đoàn kết sáng ngời. Vào thời điểm ấy, khi mà kinh tế còn gặp những vấn đề khó khăn. Miền Bắc đang xây dựng cuộc sống mới; miền Nam vẫn chìm trong khói lửa chiến tranh, tất cả già trẻ, gái trai đều một lòng, dốc sức đánh giặc. Bởi vì, chúng ta có niềm tin vào một chiến thắng đang ở phía trước, rất gần. Và bởi, chúng ta chưa bao giờ thôi khát vọng về một nước Việt thái bình, giàu mạnh và dân chủ.

Phát huy sức mạnh to lớn trong dân vì thế luôn là bài học quý giá trong mọi cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

3. Từ những bài học năm xưa soi chiếu vào cuộc sống hôm nay; mới thấy tinh thần đại đoàn kết dân tộc chính là cái còn mãi với thời gian; là điểm nhấn quan trọng làm nên sức mạnh của dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Hôm nay, trong thời khắc chúng ta kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất toàn vẹn đất nước; kỷ niệm ngày cả dân tộc ca khúc khải hoàn trong niềm vui vô bờ mới càng thấy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là bài học luôn luôn mang tính thời đại, dù trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào.

Hôm nay, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn sẽ là động lực chủ yếu, nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc chính là cách tốt nhất chăm lo, củng cố “thế trận lòng dân”. Không chỉ bằng những chủ trương, chính sách đồng bộ. Không chỉ kiên trì quan điểm lấy dân làm gốc được nêu trong các Nghị quyết của Đảng mà điều đó phải được thể hiện bằng hành động, từ chính những cán bộ của Đảng giữ các trọng trách tại các cơ quan Nhà nước hay tại chính các địa phương.

Những năm qua, không ít cán bộ của Đảng đã tỏ ra xa rời nhân dân; xa rời đường lối chính sách của Đảng và tệ hơn là đã có khá nhiều cán bộ mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã thẳng thắn nêu đích danh là “một bộ phận không nhỏ” thoái hóa, biến chất và chính những cán bộ này đã khiến dân phần nào mất lòng tin vào các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Chính những cán bộ “tự chuyển hóa” ấy đã khiến người dân cảm thấy Đảng xa dân. Nhưng thực tế không phải như vậy. Nhận diện nguy cơ, Đảng đã tìm cách hóa giải nguy cơ bằng một công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện bằng 2 Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và XII. Đảng đã làm và đang làm rất quyết liệt. Nhiều cán bộ “tự diễn biến” đã được chỉ ra, được tìm thấy và đang, sẽ bị xử lý nghiêm minh. Với tinh thần và hào khí của chiến thắng tháng 4 lịch sử, ta tin cuộc đấu tranh chống sự suy thoái trong nội bộ Đảng ta sẽ thành công. Và đây sẽ là tiền đề giúp dân thêm tin Đảng, gắn kết với Đảng, đoàn kết với Đảng để cùng nhau đưa đất nước tiến lên những nấc thang mới trên con đường phát triển và hội nhập.

Trong thời khắc kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất toàn vẹn đất nước; kỷ niệm ngày cả dân tộc ca khúc khải hoàn trong niềm vui vô bờ mới càng thấy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là bài học luôn luôn mang tính thời đại, dù trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào. Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn sẽ là động lực chủ yếu, nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đó chính là cách tốt nhất chăm lo, củng cố “thế trận lòng dân”. Không chỉ bằng những chủ trương, chính sách đồng bộ. Không chỉ kiên trì quan điểm lấy dân làm gốc được nêu trong các Nghị quyết của Đảng mà điều đó phải được thể hiện bằng hành động, từ chính những cán bộ của Đảng giữ các trọng trách tại các cơ quan nhà nước hay tại chính các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khí thế tháng 4

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO