Khiết tinh giấy bản

Nguyễn Anh Tuấn 16/02/2021 09:00

Giấy bản mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông ở vùng rẻo cao Mường Lát (Thanh Hoá). Giấy bản giống như một dấu chỉ, sợi dây gắn kết giữa con người với thế giới siêu nhiên, nhắc nhở họ luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội trong từng nghi thức và mỗi khi tết đến, xuân về.

Chị Chá Thị Mỵ, người phụ nữ có đôi bàn tay tài hoa trong việc làm giấy bản.

Tôi ngược cổng trời về Mường Lát trong một ngày đông. May sao bữa đó trời có nắng. Những tia nắng từ cao xanh phóng xuống tận đáy rừng xoá tan màn sương trắng. Thấp thoáng trong khoảng không bao la đó là những nụ đào chớm nở chờ đón xuân về.

Cùng thời điểm, chị em người Mông tranh thủ lên núi đi tìm những cây luồng, cây vầu non và một loại cây họ lá kim có vỏ màu trắng đục đang trong quá trình phát triển. Các chị cắt hạ những thân cây kể trên xuống rồi lựa những đoạn mềm nhất xếp vào gùi. Khi mặt trời đứng bóng, chiếc gùi đầy ắp nguyên liệu, chị em hò nhau rời núi về bản.

Trên đường trở về, chị Thao Thị Xua ở bản Pa Đén, xã Pù Nhi chia sẻ: Khi hoa hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng, khi những nụ đào lác đác đơm bông trên các lèn đá cũng là thời điểm gần như tất cả đồng bào Mông ở Mường Lát đều làm giấy bản. Nguyên liệu luồng, vầu non gọt vỏ xanh, đẽo mắt, chẻ thành thanh mỏng như chiếc đũa, cây lá kim sẽ loại bỏ phần thân bên ngoài, lấy phần lõi mang rửa sạch sẽ trước khi xếp vào nồi với tỷ lệ phù hợp, thêm vào đó còn có tro bếp, chút vôi tôi. Rồi đồng bào nổi lửa hầm nồi nguyên liệu cho tới khi mọi thứ trở nên mềm nhũn.

Tôi trở ra Pù Toong, bản người Mông cũng thuộc xã Pù Nhi tìm gặp chị Chá Thị Mỵ, được bà con đánh giá là một trong những phụ nữ có đôi bàn tay hoa mỹ, làm giấy bản rất đẹp. Chị Mỵ kể: “Không nhớ có từ bao giờ, chỉ biết tục lệ truyền thống của tổ tiên để lại. Và muốn có tấm giấy bản đẹp thì khâu lựa chọn nguyên liệu phải rất kỹ càng, thời gian nấu “nồi lẩu” đặc biệt này đảm bảo đủ hai ngày, hai đêm.

Nguyên liệu chủ đạo làm giấy bản là thân luồng, vầu bánh tẻ.

Sau đó, nguyên liệu sẽ được đập nhỏ, càng nhỏ càng tốt rồi ủ yếm khí một tuần lễ. Công đoạn cuối cùng, nguyên liệu cho vào chậu, đổ lượng nước vừa đủ, quấy kỹ, vớt phần bã bỏ đi, giữ lại phần nước, khuấy đều đến mức sệt sệt như một thứ dung dịch đặc sánh”.

Để tạo giấy bản, mỗi gia đình người Mông làm một khuôn cán, tùy vào nhu cầu sử dụng có thể làm khuôn to hoặc nhỏ nhưng tối đa, chiều dài 2m, rộng 1m, mặt khuôn bằng vải, 4 cạnh nẹp 4 thanh gỗ chắc chắn. Khi thời tiết có nắng, hoặc vào những ngày hanh hao, bà con đổ thứ dung dịch đặc sánh lên mặt khuôn, dàn đều và phải thật mỏng giống như tráng bánh đa.

Khuôn được phơi cho tới khi khô hẳn. Thành phẩm là những tờ giấy bản có màu trắng ngà, trên mặt nổi rõ những sợi gân tơ, bóng, mỏng. Mỗi tờ giấy bản cầm lên tay có sắc vàng, soi ra ngoài ánh nắng óng đẹp, thoang thoảng hương thơm ngai ngái của các loại cây rừng. Giấy mỏng nhưng dai và rất bền. “Báu vật” được bà con gấp lại rồi cất cẩn thận ở nơi tôn nghiêm, sử dụng trong suốt cả năm trời.

Muốn có được những tấm giấy bản đẹp, theo chị Mỵ cần chọn thân luồng, vầu bánh tẻ, không bị sâu, óng và đẹp. Quá trình hầm nguyên liệu rất công phu, phải thay nhau canh bếp, không để cạn nước trong nồi. Vì nếu hết nước, nguyên liệu hỏng do nhựa của lõi cây lá kim chứa nhiều nhớt sẽ quánh lại. Khi giã và lọc khéo léo, tỉ mỉ, nếu làm ẩu, lọc sơ sài quá giấy sẽ không mịn, ngược lại lọc kỹ quá sẽ không còn độ kết dính.

Túm giấy bản “lú va tớ” cầu mong sự bình an, khoẻ mạnh cho con trẻ.

“Việc chọn thời điểm làm giấy vô cùng quan trọng, ngoài thông tin dự báo thời tiết trên đài, thường thì bằng kinh nghiệm, các bậc cao niên trong bản sẽ “xem thiên văn”, chọn đúng ngày nắng to thì giấy mới nhanh khô và đẹp như mong muốn, chị Mỵ nói.

Ông Lâu Gia Pó, trú bản Pù Toong, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Pù Nhi nói rằng, phong tục làm giấy bản nằm trong số những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông. Từ xa xưa đến ngày nay, giấy bản trở thành vật dụng vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Người Mông quan niệm, loại giấy do chính bàn tay mình làm ra để dùng vào các dịp lễ, tết sẽ mang lại điều may mắn cho gia đình, dòng tộc.

Bà con tin rằng, nhà nào làm được những tấm giấy bản đẹp nhất, bóng nhất sẽ đón tết ấm cúng, mang đến nhiều may mắn cho một năm mới no đủ. Phong tục này ăn sâu vào nếp sống của đồng bào, thể hiện sự gắn kết giữa thực tại với tổ tiên, trời đất và nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn.

Vào dịp Tết Nguyên đán, từng gia đình đồng bào Mông ở Mường Lát sẽ dán giấy bản lên ban thờ thay sử ca, trang trí xung quanh nhà cửa để cúng tổ tiên, cúng tiễn năm cũ, mừng đón năm mới về. Đồng bào quan niệm, nếu lễ tết không có giấy tự mình làm ra thờ cúng sẽ không phải với tiền nhân, trời đất đã giúp cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Cũng có khi giấy bản được nhuộm màu đỏ, xanh để giải hạn ốm đau, bài trừ các tệ nạn xã hội. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn; màu xanh tượng trưng cho cỏ cây, núi rừng tự nhiên hùng vĩ.

Anh Thao Văn Dia - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pù Toong chỉ vào miếng giấy bản nhỏ dán bên phải ban thờ có đính ba nhúm lông tơ của gà rừng, nói: “Ba nhúm lông gà ấy tượng trưng cho thổ công, thổ địa và tổ tiên trong gia đình. Thuở xưa, lúc ông tổ người Mông còn sống, họ lấy tóc của ông dính vào giấy bản. Khi ông tổ mất thì lấy lông tơ của con gà trống rừng thay thế.

Ban thờ gia đình nào có dán miếng giấy bản tương tự ở bên trái, chứng tỏ cha ông họ có những bài thuốc bí truyền từ các loài thảo dược tự nhiên, giúp chữa khỏi bệnh tật cho người thân cũng như bà con xa gần cần sự giúp đỡ”.

Tôi nhìn lên trần nhà phía trên đình màn của chiếc giường đặt bên trái ban thờ có treo túm giấy bản với vẻ tò mò, anh Dia giải thích: Tiếng Mông gọi cái này là “lú va tớ”. Nó được làm bằng giấy bản, cắt thủ công giống hình người. Gia đình nào treo lú va tớ tức quý tử của họ đã cưới vợ và sinh hạ con cái. Bên trong lú va tớ có một chiếc bát được gia cố rất cẩn thận, bát chứa nước lấy từ đầu con suối của bản.

Cái này để che chở cho đứa trẻ được khoẻ mạnh, sau lớn khôn sẽ chăm chỉ học hành, siêng năng lao động. Cũng theo anh Dia, giấy bản còn được người Mông sử dụng trong lễ cưới hỏi. Gia đình nào chuẩn bị cưới vợ cho con cũng phải treo trên đình màn giường cưới hình ảnh chiếc ô làm bằng giấy bản có trang trí hoa văn để mong con cái biết ơn nghĩa sinh thành, bảo vệ bình an, hạnh phúc cho đôi trẻ…

Ông Lầu Văn Ly, chuyên viên Phòng Văn hoá UBND huyện Mường Lát, cũng là người con dân tộc Mông tự hào: Giấy bản đã ăn sâu vào tiềm thức cũng như đời sống tâm linh của đồng bào nên tồn tại rất bền vững. Giấy bản còn minh chứng cho đôi bàn tay tài hoa của người phụ nữ và khối óc giàu trí tưởng tượng của người đàn ông dân tộc Mông. Bởi nếu như người vợ làm nên tấm giấy thì người chồng lại tạo tác ra những hoa văn đa dạng, mềm mại trên nền tấm giấy đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khiết tinh giấy bản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO