Khiếu nại, tố cáo trong trường đại học gia tăng

Cấn Hằng 28/05/2016 11:10

Ngày 27/5, tại Hà Nội, Chi hội Luật gia Bộ GD&ĐT phối hợp với Chi hội Luật gia Trường Đại học Ngoại thương tổ chức hội thảo “Thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong trường Đại học”.

Khiếu nại, tố cáo trong trường đại học gia tăng

Quang cảnh hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho biết, số đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Bộ trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp tiềm ẩn nguy cơ phát sinh “điểm nóng” dư luận quan tâm”.

Gia tăng khiếu nại, tố cáo

Theo thống kê đơn thư gửi về cơ quan Bộ ngày càng nhiều (năm 2014 có 1.132 đơn; 2015 có 1.125 đơn, so với năm 2012-2013 số lượng đơn thư tăng vọt gấp đôi. Số lượng công dân đến Bộ gửi đơn thư tăng (98 lượt năm 2014 và 132 lượt năm 2015).

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Bằng – Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Bộ GD&ĐT, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết: Nội dung tố cáo của công dân tập trung vào 2 nội dung chính là thực hiện nhiệm vụ, công vụ (không giải quyết chế độ, chính sách; giải quyết khiếu nại, tổ cáo sai; tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ sai; vi phạm về quản lý tài chính, tài sản…) và vi phạm pháp luật về giáo dục; sao chép văn bằng chứng chỉ; sử dụng văn bằng giả; tuyển sinh, liên kết đào tạo…

Tại các trường, ông Bằng cho biết, tình hình khiếu nại, tố cáo có nhiều vụ phức tạp, kéo dài (hầu hết các trường lớn đều có), nhưng các trường chưa thực sự quan tâm đúng mức về khiếu nại, tố cáo, lãnh đạo các trường ít chú ý trực tiếp, có nơi giải quyết theo thói quen không dựa vào pháp luật; chưa xây dựng đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo dẫn tới nhiều vụ giải quyết không đúng, kéo dài, biến nhỏ thành to, người tố cáo thành người bị tố cáo, tố cáo khiếu nại xuôi – ngược…

Còn theo bà Đặng Thị Thu Huyền – Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT: “Số đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Bộ trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp tiềm ẩn nguy cơ phát sinh “điểm nóng” dư luận quan tâm”. Điển hình là các vụ việc tố cáo sao chép luận án tiến sỹ, giáo trình, tố cáo vi phạm nhiệm vụ công vụ… tại nhiều trường ĐH lớn , có uy tín như: Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm Hà Nội… Nhiều vụ việc đã được giải quyết, tuy nhiên tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền vẫn tiếp diễn mặc dù không có tình tiết mới.

Trí thức cũng không hiểu hết luật

​Tham dự hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới khiếu nại, tố cáo tăng do các trường ĐH được giao quyền tự chủ rất lớn, trong khi đó nhiều văn bản pháp luật chưa đồng bộ khiến nhiều người có nhận thức chưa đúng… Vì vậy, công tác tuyên truyền Luật khiếu nại, tố cáo là việc cần được ưu tiên đẩy mạnh thực hiện.

TS Võ Sỹ Mạnh – Chi hội trưởng Chi hội Luật gia ĐH Ngoại thương cho rằng: Trong môi trường giáo dục ĐH người khiếu nại và người tố cáo đều là những người có kiến thức, trình độ nhất định và thậm chí là người có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy pháp luật nhưng việc khiếu nại, tố cáo của người khiếu nại, tố cáo vẫn chưa đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật dẫn tới kéo dài và thiếu tinh thần hợp tác.Vì vậy, ông Mạnh kiến nghị phải tăng cường và đa dạng hóa hình thức, tuyên truyền, phổ biến về pháp luật khiếu nại, tố cáo.

Trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vụ khiếu nại, tố cáo tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ông Nguyễn Hợp Toàn - Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo tại trường cho thấy có nhiều vụ khiếu nại, tố cáo người đưa đơn không nắm rõ quy định của pháp luật dẫn tới khiếu kiện nhiều lần, có nhiều trường hợp sau khi được giải thích, hướng dẫn về quy định pháp luật, người đưa đơn không còn thắc mắc, kiến nghị.

Từ thực tế đó, ông Toàn đề xuất, Bộ GD&ĐT cần đưa nội dung giáo dục pháp luật khiếu nại, tố cáo vào chương trình giảng dạy và giáo trình học phần Pháp luật đại cương để trang bị kiến thức cơ bản và cần thiết cho mỗi sinh viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khiếu nại, tố cáo trong trường đại học gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO