Khó dạy…

Vy Linh 22/10/2017 07:45

Những ngày vừa qua, dư luận xã hội lại xôn xao, phẫn nộ trước clip một nữ học sinh lớp 7 bị một nhóm bạn đánh dã man ngay tại bục giảng ở trường Trung học cơ sở Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Cụ thể trong clip, một bạn nữ ngồi trên bục giảng để cho một nhóm bạn mặc áo đồng phục đánh, chửi liên tục.Thậm chí, một trong số các bạn gái tham gia đánh nhảy từ trên bàn học xuống đầu của nữ sinh bị đánh. Đặc biệt phản cảm với hành động xé áo bạn học của mình với thái độ hả hê.

Nhiều người chia sẻ, hành vi của các em gái đánh bạn rất hung hãn, mang tính côn đồ, nhiều người không dám xem hết clip vì hành động quá hung bạo.

Ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng GD& ĐT huyện Chương Mỹ cho biết, Phòng đang yêu cầu nhà trường báo cáo sự việc để có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc nhưng phù hợp với mục đích giáo dục.

Nhiều chuyên gia an ninh và giáo dục đã phân tích, nguyên do sâu xa dẫn đến những vụ việc hoạc sinh đánh nhau là do sự thiếu nhận thức và xem thường pháp luật, xuống cấp về lối sống, tha hóa về đạo đức của một bộ phận học sinh. Đồng thời, do sự buông lỏng quản lý giáo dục của gia đình đối với con em mình, cũng như sự thiếu quan tâm quản lý của nhà trường và các cơ quan đoàn thể đối với trẻ em vị thành niên nói chung.

Hầu hết các nhà giáo dục đều cho rằng các em vi phạm phải xử lý nghiêm khắc nhưng cũng phải tạo cho các em một cơ hội nào đó để sửa chữa. Phân tích về các vụ bạo lực học đường hiện nay, GS-TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng con người không còn nhân tính. Đắng lòng hơn khi nó lại bùng lên mạnh mẽ trong nữ sinh. GS-TS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng đừng quy trách nhiệm cho nhà trường phải giáo dục trẻ nên người! Đừng đổ lỗi cho xã hội với những thói hư tật xấu lôi kéo trẻ! Trách nhiệm dạy dỗ, uốn nắn con cái trước hết là của gia đình. Phụ huynh cần dõi theo từng hành động của trẻ, phát hiện kịp thời những biến chuyển tâm lý, hành vi lệch lạc để định hướng đúng đắn là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ con trẻ tránh xa các mầm mống bạo lực.

Ở khía cạnh khác, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thì cho rằng, đằng sau những trấn thương vì bạo lực có rất nhiều sai lầm của người lớn. Trước mắt, cần giáo dục Luật Bảo vệ trẻ em nhiều hơn cho cả trẻ em và người lớn để không còn tình trạng mọi người đứng nhìn một đứa trẻ bị làm nhục mà không lên tiếng, chưa kể còn có thái độ a dua.

Xử lý các vụ bạo lực học đường, hiện nay hầu hết chỉ dừng ở việc tổ chức hòa giải, kỷ luật cảnh cáo hay đình chỉ việc học tập, theo các chuyên gia việc này mới chỉ giải quyết phần ngọn. Trước thực trạng này, hầu hết các chuyên gia giáo dục đều cho rằng ngăn chặn bạo lực trong học sinh chính là vai trò của giáo dục đạo đức. Đó chính là nâng cao vị thế, vai trò của bộ môn Giáo dục công dân. Việc Bộ GD-ĐT đã đưa Giáo dục công dân vào bài thi tổ hợp các môn Khoa học xã hội năm vừa qua đã cho thấy một biến chuyển lớn trong việc quan tâm dạy người song song với dạy chữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó dạy…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO