Kho hàng lậu ‘khủng’... vô hình

Lê Anh Đức 10/07/2020 14:23

dư luận xã hội nghi ngờ có sự dung túng, tiếp tay, thậm chí chung chi của một số người có chức, có quyền cho đường dây buôn lậu “khủng” ở TP Lào Cai.

Kho hàng lậu khủng tại TP Lào Cai. Ảnh: Tùng Duy.

Lực lượng liên ngành Trung ương gồm quản lý thị trường (QLTT) và Công an vừa đột kích kho hàng lậu “khủng” ở TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai), thu giữ hàng nghìn sản phẩm lậu, nhái các thương hiệu lớn trên thế giới.

Lạ một điều là kho chứa hàng lậu rộng tới 10.000 m2, người giao hàng, nhận hàng, thậm chí cả xe chở hàng của các công ty chuyển phát nhanh nườm nượp ra vào, doanh thu tới 10 tỷ đồng/tháng, nhưng các cơ quan chức năng của địa phương lại không hề hay biết gì về kho hàng lậu “khủng” này, như thể nó... vô hình.

Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lào Cai Đỗ Du Bắc thừa nhận: Nghiệp vụ của cơ quan này kém nên đã không kịp thời phát hiện được kho hàng lậu “khủng”, chỉ đến khi Tổng cục QLTT thông báo phối hợp đột kích vào kho hàng mới biết đến sự tồn tại của nó.

Còn chính quyền phường sở tại thì “chỉ biết là kho hàng bán online, không ngờ lại là kho chứa hàng lậu”. Cũng theo lãnh đạo chính quyền địa phương thì do không phát hiện được “dấu hiệu nghi ngờ” nên chưa bao giờ tiến hành kiểm tra kho hàng này.

Và tất nhiên chưa ai hỏi Cục Hải quan Lào Cai, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai... chứ nếu có hỏi thì chắc các cơ quan này cũng sẽ trả lời như Cục QLTT hay chính quyền địa phương mà thôi.

Bởi, nếu không trả lời là không hề biết có một lượng lớn hàng lậu đang tập kết trong thị trường nội địa, không lẽ các cơ quan này lại thừa nhận là không kiểm soát tốt cửa khẩu, dẫn đến để lọt lượng lớn hàng lậu qua biên giới hay sao? Không lẽ thừa nhận có ai đó “nhấm nháy” cho hàng hóa bên kia biên giới thẩm lậu vào thị trường nội địa?

Song, dù có trả lời cách nào thì rõ ràng từ Cục Hải quan, Bộ đội biên phòng đến Cục QLTT, Công an tỉnh Lào Cai cũng không thể tránh khỏi trách nhiệm trong vụ việc buôn lậu rúng động dư luận này. Lực lượng liên ngành bao gồm Hải quan, Bộ đội biên phòng, Công an... luôn trấn giữ ở cửa khẩu, đường mòn lối mở, cớ sao một lượng lớn hàng hóa thẩm lậu vào thị trường nội địa lại không hay, không biết?

Công an tỉnh có vài phòng (PC03, PA04) chuyên để đấu tranh với hàng lậu, lẽ nào các trinh sát không phát hiện được?

Trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về Cục QLTT tỉnh Lào Cai và Chi cục QLTT TP Lào Cai. Ngoài lực lượng Công an chuyên đấu tranh với các loại tội phạm kinh tế, lực lượng QLTT có nhiệm vụ kiểm soát tốt thị trường nội địa, không để hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu... được phép “tung hoành”.

Ấy vậy mà có cả một kho chứa hàng lậu rộng hàng chục nghìn m2 tồn tại ngay trên địa bàn TP Lào Cai mà cả Cục QLTT và Chi cục QLTT địa phương đều không nghe, không biết, không thấy?!

Còn nhớ, vào năm 2007, cũng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Ngọc Kim lúc đó là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai đã phải đứng trước vành móng ngựa hầu tòa vì đã “bảo kê” cho Công ty Thiên Lợi Hòa và một số doanh nghiệp khác buôn lậu thuốc lá.

Những tưởng sau vụ một lãnh đạo cấp cao của tỉnh bị truy tố, xét xử, các cán bộ, công chức, viên chức tỉnh này phải lấy đó làm bài học, không còn thái độ thờ ơ, vô cảm, thậm chí tiếp tay cho tội phạm buôn lậu. Không ngờ...

Và khi kho hàng lậu “khủng” ở TP Lào Cai bị lực lượng liên ngành Trung ương triệt phá, dư luận xã hội nghi ngờ có sự dung túng, tiếp tay, thậm chí chung chi của một số người có chức, có quyền cho đường dây buôn lậu “khủng” này.

Nếu không, tại sao hàng nghìn sản phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới có thể thẩm lậu từ bên kia biên giới vào Việt Nam, rồi ngang nhiên tập kết ở một kho hàng rộng hàng chục nghìn m2, mà không ai biết? Trong khi người dân chỉ cần manh nha bán hàng kém chất lượng lập tức bị phát hiện.

Từ vụ kho hàng lậu “khủng” ở TP Lào Cai phải có lực lượng liên ngành Trung ương mới có thể triệt phá, chợt nhớ tới khá nhiều vụ vi phạm pháp luật ở các địa phương khác. Bắc Ninh là tỉnh được lực lượng thực thi pháp luật Trung ương quan tâm nhất, với nhiều lần điều quân lên “đánh án”.

Ít nhất có một lần Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT) đã phải phối hợp với lực lượng CSCĐ Bộ Công an đột kích nơi chứa chấp và tiêu thụ gỗ lậu. Còn lực lượng của Bộ Công an thì rất nhiều lần phải đưa quân lên đột kích các sới bạc.

Dư luận thắc mắc không hiểu vì sao các tỉnh đều có lực lượng thực thi pháp luật, từ QLTT, Kiểm lâm, Công an, Hải quan... vì sao có những ổ nhóm, băng nhóm tội phạm hoạt động vi phạm pháp luật một cách công khai mà không hề bị “sờ gáy”, cứ phải đời lực lượng từ Trung ương về phá án?

Ở đây có hai vấn đề, một là trình độ năng lực yếu kém, hai là nhận tiền rồi bảo kê, dung dưỡng cho các hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, thiên hướng thứ nhất chỉ chiếm 10% sắc suất, còn lại 90% nghiêng về giả thiết thứ hai.

Vậy thì trong vụ kho hàng lậu “khủng” nhưng lại “vô hình” ở TP Lào Cai, có hay không hành vi tiêu cực, chung chi của các cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ với đường dây buôn lậu này?

Điều này chỉ có thể có câu trả lời, khi mà lực lượng của Bộ Công an vào cuộc điều tra, làm rõ một cách khách quan, thận trọng.

Giờ còn quá sớm để nói điều gì, song dư luận tin rằng các “công bộc của dân” không đến nỗi yếu kém đến mức không thấy kho hàng lậu rộng hàng chục nghìn m2, với hàng nghìn sản phẩm nhái, giả các loại được thẩm lậu qua biên giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kho hàng lậu ‘khủng’... vô hình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO