Khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững

Tin. ảnh: Hoàng Tuấn 07/07/2016 18:39

Hôm nay (7/7) tại phố biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội” đã khai mạc tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE).

Khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững

GS Ngô Bảo Châu trao đổi tại hội nghị.

Đây là hội nghị lớn nhất trong chuỗi hội nghị thuộc chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII, nhân dịp kỷ niệm 50 năm “Gặp gỡ Moriond” được GS Trần Thanh Vân khởi xướng từ năm 1966 tại làng Moriond (Pháp).

Hội nghị có sự tham dự của các nhà khoa học quốc tế và trong nước, đặc biệt là sự có mặt của 5 GS đoạt giải Nobel, gồm: GS David Gross - Nobel Vật lý 2004; GS Jerome Friedman - Nobel Vật lý 1990; GS Kurt Wüthrich - Nobel Hóa học 2002; GS Jean Jouzel - Nobel Hòa bình 2007 và GS Finn Kydland - Nobel Kinh tế 2004; GS Ngô Bảo Châu-Huy chương Field 2010.

Phát biểu chào mừng hội nghị, GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam chia sẻ rằng, các nhà khoa học thế giới rất yêu mến Việt Nam và sẵn sàng giúp Việt Nam phát triển KH&CN.

Ở chiều ngược lại, GS Vân cũng đánh giá cao vai trò của Bộ KH&CN đối với chương trình Gặp gỡ Việt Nam.

Ông cho biết, không chỉ năm nay mà trong những năm vừa qua, Bộ KH&CN đã rất nhiệt tình ủng hộ, tạo điều kiện cho những sự kiện khoa học do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam tổ chức.

Tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ, tuy không phải là nhà khoa học, nhưng ông ý thức sâu sắc tầm quan trọng và vai trò không thể thiếu của các nhà khoa học trong sứ mệnh làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

Phó Thủ tướng đã trân trọng gửi lời cảm ơn đến GS Trần Thanh Vân, giáo sư Nguyễn Văn Hiệu cùng các cộng sự đã rất tâm huyết với Gặp gỡ Việt Nam, góp phần mang tới hơi thở và sắc màu mới của khoa học Việt Nam; chúc mừng các thành viên của Gặp gỡ Moriond nhân ngày sinh nhật.

Khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững - 1

Quang cảnh hội nghị.

Về phía địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng cho rằng, hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội” là cơ hội để các nhà khoa học tương tác, trao đổi và đề xuất những vấn đề liên quan tới khoa học cơ bản và xã hội; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác trong nghiên cứu giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp.

Đồng thời, củng cố, làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng với các nước; là cầu nối giúp các đại biểu hiểu thêm về những nét đặc trưng văn hóa, lịch sử, thiên nhiên và con người Bình Định.

Trong hai ngày 7-8/7, hội nghị sẽ lần lượt thảo luận các chủ đề: Tầm quan trọng của khoa học cơ bản với các nước đang phát triển; Khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững; Khoa học cơ bản với hòa bình; Khoa học cơ bản với khí hậu; Khoa học cơ bản với sức khỏe; Khoa học cơ bản và những thuận lợi toàn cầu cho giáo dục-tri thức và kỹ thuật; Khoa học cơ bản, sự đổi mới và hợp tác kinh tế.

Trong chiều nay, chia sẻ về các vần đề phát triển khoa học cơ bản ở Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu lo lắng, hiện nay nhiều phụ huynh không khuyến khích con cái học cao hơn về khoa học cơ bản.

Để thu hút các nhà khoa học trẻ, các sinh viên du học về nước công tác thì phải đảm bảo về mặt tài chính, trang thiết bị cho các nhà hoa học trẻ.

Tiềm năng khoa học cơ bản ở nước ngoài rất lớn nhưng phải có cơ chế để các nhà khoa học, cũng như các sinh viên về nước công tác.

Theo GS K. K. Phua đến từ Singapore: Các nhà chính trị nên hiểu rõ tầm quan trọng của khoa học cơ bản, quan tâm đến các trường ĐH, giáo dục khoa học cơ bản là vô cùng quan trọng đối với sinh viên.

Còn GS Yu Lu đến từ Trung Quốc (Huy chương Tate 2007): Chia sẻ trí thức cần phải phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan Chính Phủ. Rất nhiều GS quốc tế đều cho ý kiến Việt Nam nên có sự hợp tác quốc tế về đào tạo tiến sĩ làm khoa học cơ bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO