Khoa học công nghệ Việt Nam: 1 năm mới có 100 sáng chế

Minh Trang 24/09/2016 11:32

“Chúng ta nhìn lại so với thế giới, rõ ràng tất cả các mặt, đặc biệt phát minh sáng chế của VN rất thấp, so với tỷ lệ người dân, giáo sư, tiến sĩ, so với tỉ lệ doanh nghiệp đều thấp. Tôi đề nghị các đồng chí không chỉ nói mà phải làm thật, chấp nhận chỉ đứng sau Singapore”. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tại buổi kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ (SH

Ảnh minh họa.

Phí thẩm định quá thấp

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, hàng năm, Cục SHTT tiếp nhận gần 100.000 đơn các loại và xử lý gần 80.000 đơn các loại.

Trung bình 1 ngày, Cục tiếp nhận 150-180 lượt người đến nộp đơn, khoảng 250 đơn đăng ký Sở hữu công nghiệp, 200 các đơn yêu cầu khác liên quan đến sở hữu công nghiệp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt câu hỏi với đại diện Bộ KH&CN về thời gian xét đơn so với thế giới thì Việt Nam đang đứng ở đâu?

Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, hiện tại, Việt Nam tự làm xét nghiệm, thẩm định nội dung, cơ sở vật chất, nhân lực không đáp ứng được nên trung bình 40 tháng mới giải quyết xong đơn.

“Đây là vượt mức của thế giới, theo Luật SHTT là 18 tháng”- ông Thanh cho biết thêm.

Theo một vị đại diện Cục SHTT, đại diện của Cục này vừa tham dự hội nghị APEC tại Bắc Kinh, có một thống kê là tất cả các nước ASEAN thời gian thẩm định, giải quyết xong đơn trung bình từ 30-40 tháng, thậm chí có quốc gia tới 50 tháng. Như vậy, Việt Nam đang ở mức chung của khu vực.

Một khó khăn mà Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng báo cáo Phó Thủ tướng đó là số lượng tài liệu đi kèm đơn rất lớn. Đơn cử như trong số 250 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thì có đến 5.300 trang tài liệu.

Trung bình 1 ngày tiếp nhận 400-500 đơn thì số tài liệu cũng phải tới 7.000 trang. Thực tế, các cán bộ của Cục luôn ưu tiên xử lý đơn của các đơn vị, doanh nghiệp trong nước.

Trong khi công việc tiếp nhận, xử lý, thẩm định… đòi hỏi cả một quá trình nhưng một hồ sơ đăng ký chỉ phải nộp 3 triệu đồng, phí thẩm định 180.000 đồng.

“Lệ phí hồ sơ, phí thẩm định của Việt Nam rất thấp, ở các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới cao hơn rất nhiều”- Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.

Nâng cao hiệu quả bằng sáng chế

Sau khi Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh báo cáo về tình tình thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, Phó Thủ tướng đã đặt câu hỏi cho Bộ KH&CN, đặt câu hỏi cho Cục SHTT về những bằng phát minh sáng chế của Việt Nam đang đứng ở vị trí nào của khu vực.

Ông Lê Ngọc Lâm- Phó Cục trưởng Cục SHTT cho hay, Singapore đứng đầu bảng với 10.000 sáng chế/năm. Việt Nam chỉ đứng ngang hoặc thấp hơn một chút so với Thái Lan, Philippines, Indonesia với 7.000-8.000 sáng chế/năm.

Tuy nhiên, với Việt Nam, trong số đó chỉ có 100 sáng chế của các doanh nghiệp, đơn vị trong nước, còn lại của các doanh nghiệp FDI hoặc liên doanh.

Phó Thủ tướng lưu ý, các lĩnh vực khác, Việt Nam theo đuổi ASEAN 4, riêng lĩnh vực sáng chế và sở hữu trí tuệ phải vươn lên đi đầu.

“Tôi đề nghị các đồng chí không chỉ nói mà phải làm thật, chấp nhận đứng sau Singapore, nhưng chỉ đứng sau một chút thôi”- Phó Thủ tướng nhắc lại.

Phó Thủ tướng đã hồi tưởng lại năm 1985-1986, tòa nhà của Cục SHTT có kiểu dáng đẹp nhất, chỉ đứng sau khách sạn Hà Nội, cho thấy thể hiện mong muốn đổi mới.

“Tuy nhiên, những gì đổi mới ngày hôm qua, đến ngày hôm nay không còn mới. Thậm chí có những thứ chúng ta nhìn thấy sự lạc hậu. Chúng ta phải tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển. Để phát triển doanh nghiệp cần có nhiều điều kiện, yếu tố, nhưng trong đó có phần không nhỏ của SHTT, của những bằng sáng chế”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu, để giải quyết nhanh thủ hành chính, tránh để tình trạng 40 tháng mới giải quyết xong đơn, thì yêu cầu Bộ KH&CN cần thuê thẩm định viên tham gia vào công tác thẩm định của Cục.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh báo cáo đây là một hướng mà Cục đang làm. Tuy nhiên, với kinh phí 3 triệu/1 hồ sơ thì rất khó thuê được thẩm định viên.

Kết luận buổi làm việc về lĩnh vực SHTT, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN cần tập trung vào giải quyết quy trình thủ tục, nhưng cần vận dụng linh hoạt.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý về vấn đề cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm để nâng cao hiệu quả của các bằng sáng chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoa học công nghệ Việt Nam: 1 năm mới có 100 sáng chế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO