Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Bộ TT&TT về phát triển đô thị thông minh

Anh Vũ Ảnh: Quốc Anh 14/09/2016 19:10

Chiều 14/9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định với trách nhiệm giám sát phản biện của mình, MTTQ Việt Nam đã tổ chức hai hội thảo quốc tế là xây dựng các đô thị thông minh và triển vọng của Việt Nam và Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo chế biến của thế giới.

Trong đó, đô thị thông minh là vấn đề mà thế giới đã làm từ lâu. Việt Nam đi sau, rất cần nhanh chóng triển khai để bắt tay vào việc xây dựng hệ thống thông minh.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân ưu điểm của mô hình đô thị thông minh là chính quyền dự phòng, dự báo khủng hoảng, ách tắc chứ không chỉ đi giải quyết khủng hoảng, ách tắc. Đây là điều Việt Nam đang rất cần hoàn thiện. Cùng với đó, người dân được coi là một cảm biến xã hội thông qua công cụ quản lý là CNTT.

Theo người đứng đầu Mặt trận, xuất phát từ vai trò quan trọng của các đô thị đối với việc phát triển kinh tế xã hội cả nước nhu cầu phải giải quyết các vấn đề của đô thị; thực trạng hệ thống quản lý đang cải cách; hiện trạng ứng dụng và phát triển CNTT - truyền thông ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm các nước về phát triển các thành phố thông minh, Việt Nam cần đẩy nhanh việc phát triển hệ thống thông minh.

Từ đó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu 4 giải pháp để xây dựng đô thị thông minh.

Thứ nhất, chính quyền phải dự báo phát triển, tránh ách tắc, khủng hoảng và đảm bảo phát triển bền vững (mô phỏng, quy hoạch động và được cập nhật thường xuyên).

Thứ hai, chính quyền hỗ trợ quyết định “tối ưu” của 4 chủ thể (hiệu quả kinh tế, xã hội, cá nhân), điều này dẫn đến hiệu quả sử dụng các nguồn lực ngày càng cao hơn (nguồn lực con người, tài nguyên, hạ tầng, vốn…), cuộc sống ngày càng thông minh hơn, hạnh phúc hơn.

Thứ ba, phát triển và khai thác không gian mạng trong không gian sống của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị, xã hội (giao dịch cá nhân, giao dịch kinh doanh, giao dịch với chính quyền).

Thứ tư, muốn có đô thị thông minh thì người dân tham gia quản lý (cảm biến xã hội, giám sát xã hội, trí tuệ nhân dân), đó là áp lực để dẫn đến một chính quyền năng động, hiệu quả.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, quản lý đô thị thông minh đề cao tính năng dự báo, ví dụ sân bay Tân Sơn Nhất tại sao mới sửa đã quá tải, đó là do dự báo kém. Hay Cảng Hải Phòng khi xây dựng dự báo công suất đến năm 2020 mới quá tải nhưng hiện nay đã quá tải.

“Chúng ta cần dự báo dài hơi hơn, quy hoạch có tầm nhìn hơn. Tương tự, như việc dự báo tới đây dân số Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng già hóa, nên cần sớm điều chỉnh chính sách dân số”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.

Để xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần thực hiện song song 2 cánh với 10 nhiệm vụ ưu tiên.

Cánh một là quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững bao gồm 2 nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; quy hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững.

Cùng với đó là quản lý ngành thông minh, công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh (quản lý xây dựng thông minh; giao thông thông minh; môi trường thông minh; chính quyền thông minh - doanh nghiệp thông minh; chính quyền thông minh - công dân thông minh; chính quyền thông minh dịch vụ thông minh như giáo dục, y tế, khu đô thị, điện, nước, du lịch, vận tải; nông nghiệp thông minh; quản lý trật tự - trị an thông minh.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải triển khai đồng thời các nhiệm vụ thuộc cả hai cánh.

Trong đó, với cánh thứ nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và qui hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững.

Với cánh thứ hai, tùy điều kiện và tình hình của thành phố, có thể chọn bất cứ nhiệm vụ nào trong số 8 nhiệm vụ để ưu tiên triển khai trước. Hiện nay, các thành phố đã bắt đầu triển khai xây dựng Đề án thành phố thông minh gồm Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng.

“Nói đến đô thị thông minh là nói đến việc xử lý thông tin ngày càng thông minh, hiện đại hơn, có ứng dụng CNTT. Cùng với đó các chủ thể khác gồm công dân, doanh nghiệp cũng trở lên thông minh hơn khi họ có đủ thông tin, đủ công cụ để tương tác với chính quyền”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.

Dẫn chứng từ việc xây dựng đô thị thông minh của Cần Thơ, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Cần Thơ đã xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố cho doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý, nhà đầu tư...

Đồng thời công khai chính sách phát triển kinh tế xã hội, làm cơ sở cho doanh nghiệp thông minh, công dân thông minh, dịch vụ thông minh, chính quyền thông minh.

Cần Thơ cũng định kỳ điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch của TP (quy hoạch động, phát hiện sớm các nguy cơ ách tắc, điểm nghẽn trong phát triển của TP, các nguy cơ phát triển thiếu bền vững, nhận diện sớm các thời cơ phát triển của thành phố từ đó bổ sung các giải pháp quy hoạch mới).

Từ thực tiễn đặt ra trong việc xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ TT&TT vào cuộc quyết liệt trong việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến đến chính phủ thông minh.

Cùng với đó giao cho các giao cho các Doanh nghiệp trong ngành xây dựng phương án mẫu trong việc ứng dụng CNTT để “chào hàng” các địa phương xây dựng đô thị thông minh.

Đặc biệt Bộ cần tập trung tuyên truyền phản ánh nỗ lực xây dựng đô thị thông minh của các địa phương để Việt Nam có khả năng là quốc gia thứ hai trong ASEAN có thể thành công trong việc xây dựng đô thị thông minh.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, với trách nhiệm của Bộ sẽ tích cực vào cuộc trong việc xây dựng chính phủ điện tử, cũng như tăng cường truyền thông về đô thị thông thông minh.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết trong thời gian tới Bộ sẽ tập trung đánh giá tình hình ứng dựng đầy đủ CNTT tại các thành phố lớn; xây dựng khung các tiêu chí tiêu chuẩn ứng dụng CNTT tại các thành phố để khi xây dựng đô thị thông minh.

Bộ cũng sẽ đặt hàng với các doanh nghiệp lớn trong ngành để có đầu tư sớm cho công nghệ để đáp ứng các yêu cầu khi lụa chọn đối tác, sớm triển khai cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia để có cơ chế kết nối thuận lợi rõ ràng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Bộ TT&TT về phát triển đô thị thông minh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO