Đa dạng sinh học: Suy thoái nghiêm trọng

Tuấn Việt 05/11/2016 09:50

Đa dạng sinh học ở Việt Nam đang bị suy thoái nghiêm trọng. Tốc độ tuyệt chủng của các loài ngày một tăng, hậu quả tất yếu là sẽ làm giảm hoặc mất các chức năng của hệ sinh thái như điều hòa nước, chống xói mòn, đồng hóa chất thải, làm sạch môi trường.

Bảo vệ đa dạng sinh học là yếu tố sống còn của tương lai.

Ở Việt Nam, mặc dù độ che phủ rừng tăng lên nhưng rừng tự nhiên lại sụt giảm nghiêm trọng. Theo thống kê của Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), độ che phủ rừng năm 2015 đạt 40,43% tăng hơn năm 2010 đạt 39,5%.

Tuy nhiên, mức che phủ này so với rừng tự nhiên bị cháy hoặc chặt phá hàng năm thực sự không đáng kể khi mỗi năm trung bình có khoảng 25.000 đến 100.000 ha rừng bị cháy, hơn 1.000 ha rừng bị chặt phá…

TS Nguyễn Ngọc Sinh- Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, hậu quả đối với thiên nhiên và môi trường khi rừng tự nhiên tụt giảm nghiêm trọng là không thể đong đếm. Rừng bị cháy và chặt đều do ý thức con người. Sự phục sinh rừng hàng năm chỉ cao hơn 6 lần sự phục sinh của rừng tự nhiên.

Đây là sự báo động đối với chính phủ, vì mất thêm rừng sẽ càng làm tăng nguy cơ giảm hoặc mất các chức năng của hệ sinh thái như điều hòa nước, chống xói mòn, đồng hóa chất thải, làm sạch môi trường. Nghiêm trọng hơn sẽ tác động trực tiếp đến vòng tuần hoàn vật chất và năng lượng tự nhiên, khiến thiên tai và cực đoan khí hậu xuất hiện ngày một nhiều.

Theo TS Sinh, không chỉ rừng nguyên sinh đối mặt với sự sụt giảm, rừng ngập mặn ở Việt Nam cũng sụt giảm “không tưởng tượng nổi”, khi chỉ trong vòng 5 thập kỷ, Việt Nam đã mất đi 67% diện tích rừng ngập mặn. Số liệu thống kê năm 1943 cho thấy Việt Nam có 408,5 nghìn ha rừng ngập mặn thì đến năm 2012 chỉ còn 131,52 nghìn ha.

“Rừng ngập mặn không chỉ bảo vệ bờ biển, ngăn chặn gió bão, hạn chế sói lở mà còn là nguồn cung cấp thức ăn cho các loài thủy sản, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, động vật quý hiếm. Đáng tiếc là bức tường xanh đang ngày thu nhỏ tới mức thảm hại, một phần do cực đoan thời tiết nhưng phần lớn là do con người đang phá rừng chuyển sang nuôi trồng thủy sản hoặc sản xuất nông nghiệp” - TS Sinh cho biết.

Có lẽ điều này cũng đang “tồn tại” ở nhóm đa dạng sinh học loài. Theo Báo cáo của Bộ TN&MT, Việt Nam có gần 16.500 loài thực vật bậc cao, nấm lớn, rêu, trong đó các loài thực vật đặc hữu chiếm khoảng 30%.

Ở trên cạn có khoảng 10.500 loài động vật, nước ngọt khoảng 1.500 loài vi tảo, rong trên 1.000 động vật không xương sống và khoảng 600 loài cá. Dưới biển có khoảng 1.200 loài rong, cỏ và vi tảo, trên 7.000 loài động vật không xương sống và trên 7.000 loài cá… Song mỗi năm, số lượng từng loài sụt giảm. Nguy hại hơn, một số loài rơi vào nguy cơ cấp.

TS Hoàng Thị Thanh Nhàn- Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho biết, tác động của cực đoan thiên nhiên với đa dạng sinh học hoàn toàn có thể ứng phó và giảm thiểu rủi ro, song tác động của con người với đa dạng sinh học là khó lường và mức tác hại là vô cùng lớn.

Chỉ thiếu ý thức, hàng trăm nghìn ha rừng sẽ bị tiêu cháy, chỉ chuyển đổi sử dụng đất, mặt nước thiếu cơ sở khoa học, hàng nghìn ha rừng ngập mặn biến mất. Chỉ cần một thang thuốc, hàng chục loài có nguy cơ tiệt chủng, chỉ cần một bữa ăn thời thượng, một vài loài động vật sẽ vĩnh viễn không còn… Trách nhiệm thuộc vế chính con người, trong đó vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát, xử phạt của các ngành chức năng là vô cùng quan trọng.

“Hiện nay, để tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, hệ thống rừng đặc dụng đã được thiết lập. Hệ thống bảo tồn trên cạn có 166 khu rừng đặc dụng với xấp xỉ 2,2 triệu ha, 31 vườn quốc gia với tổng diện tích khoảng 10.500,8 km2 trong đó có 620,10 km2 mặt biển, 64 khu dự trữ thiên nhiên, 16 khu bảo tồn loài, 55 khu bảo vệ cảnh quan…

Tuy nhiên, bảo tồn, quản lý và phát triển đang dạng sinh học như thế nào, trước hết cần phải giải quyết sự chồng chéo quản lý hiện nay giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT. Đa dạng sinh học chính là nguồn sống quan trọng nhất” - TS Lê Khắc Quyết, chuyên gia tư vấn Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đa dạng sinh học: Suy thoái nghiêm trọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO