Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai

PV 04/10/2017 07:15

Sáng 3/10, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học “Thảm họa thiên tai - lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó”. Hội thảo do Bộ NN&PTNT cùng đại diện Bộ Đất đai - Hạ tầng - Giao thông và Du lịch Nhật Bản phối hợp với một số Bộ liên quan và hơn 20 tỉnh, thành tổ chức.

Hội thảo tập trung thảo luận các nghiên cứu về lũ quét và cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng công tác ứng phó. Những kinh nghiệm về phòng chống rủi ro thiên tai đất đến từ các nhà quản lý, chuyên gia Nhật Bản được chia sẻ thực sự hữu ích đối với công tác phòng chống thiên tai nói chung và lũ quét, sạt lở đất nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng trở nên phổ biến.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cũng đã chia sẻ các mô hình, công nghệ về giải pháp để cảnh báo lũ quét và sạt lở đất từ thượng nguồn.

Bên lề hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cũng đã chia sẻ về Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai.

Theo ông Tùng, trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai có xu hướng cực đoan hơn cả về tần suất, cường độ và không theo quy luật, từ những năm 2000, Bộ KH&CN đã cùng với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Việc triển khai Chương trình khoa học và công nghệ KC08 có nhiều giải pháp, công nghệ được đề xuất và ứng dụng vào thực tế nhằm phòng tránh thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra như: Ứng dụng các công nghệ sửa chữa nâng cao an toàn đập cho các hồ chứa vừa và nhỏ tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất bằng tường tấm từ đất đầm nện để chống thấm, tràn sự cố trên mặt đập đất cho hồ chứa vừa và nhỏ, tường hào bentonite chống thấm thân và nền đập, khoan phụt chống thấm đập đất; Ứng dụng công nghệ trong xây dựng hệ thống cảnh báo cho các cụm ngầm tràn khi xảy ra lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung phục vụ cảnh báo sớm cho chính quyền địa phương, người dân di chuyển qua ngầm tràn khi có lũ; Sử dụng công nghệ GIS và viễn thám xây dựng hệ thống bản đồ phục vụ cảnh báo, phòng chống lũ quét, sạt lở đất, giám sát, phát hiện sớm trượt lở đất đá…

Đặc biệt, thông qua Chương trình nghiên cứu này, Bộ TN&MT đã xây dựng được hệ thống bản đồ phân vùng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Bộ đã từng bước bàn giao cho các địa phương sử dụng.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, trước tác động của BĐKH, thiên tai khó lường, không theo quy luật, cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, đồng thời đưa các công nghệ hiện đại vào công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO