FDI với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Duy Khang (ghi) 29/10/2017 08:00

Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều vấn đề cần phải thay đổi, phải cải thiện, phải đầu tư nếu không muốn bị lùi lại phía sau. Vậy vai trò của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ra sao trong cuộc cách mạng này? Giải pháp thu hút thế nào trong thời gian tới? Đó là những vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay.


Khối doanh nghiệp FDI đang đứng trước áp lực đổi mới công nghệ để phát triển


GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE:

FDI vẫn là động lực tăng trưởng

Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, DN Nhà nước sử dụng nguồn lực quốc gia lớn nhất và đang trong quá trình cơ cấu lại chưa có hiệu quả, do đó đây không còn là động lực tăng trưởng chủ yếu nữa. Khối kinh tế tư nhân phần lớn là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa tuy đã gia tăng nhanh chóng về số lượng, hình thành một số tập đoàn lớn nhưng vẫn chưa trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ. Bởi vậy, có thể nói, từ năm 1991 đến nay, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài (FDI) trở thành động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp ngày càng nhiều vào giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Cụ thể, trong 26 năm từ 1991 đến 2017, nước ta đã thu hút được 161,959 tỷ USD vốn FDI thực hiện. Tính bình quân mỗi năm giai đoạn 1991-2000 đạt 1,95 tỷ USD, 10 năm tiếp theo đạt 5,85 tỷ USD, 7 năm gần đây là 12 tỷ USD, bằng 6,1 lần của giai đoạn 1991-2000 và 2,09 lần của giai đoạn 2001-2010.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2011- 2016, có nhiều dự án quy mô lớn với vốn đầu tư từ 1 tỷ USD trở lên đã làm cho Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao của thế giới như smartphone, mobilphone, máy tính bảng, công nghệ thông tin. Năm 2016, khu vực FDI chiếm khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, trong đó dầu khí, điện tử, smartphone, mobiphone, linh kiện điện tử, thức ăn gia súc, đồ uống... có tỷ trọng cao hơn nhiều; chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu mà mặt hàng chủ lực là hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao, xuất siêu khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của khu vực này, chẳng những bù đắp được nhập siêu của doanh nghiệp trong nước mà còn tạo ra xuất siêu gần 3 tỷ USD; đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP.

Đối với những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa (ở miền Bắc), Bình Dương, Đồng Nai (miền Nam) thì đóng góp của khu vực này còn lớn hơn nhiều, làm thay đổi cơ bản cơ cầu kinh tế của từng tỉnh, thành phố, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển có hiệu quả kinh tế cao, người dân trong vùng trở nên giàu có hơn các địa phương lân cận. Điển hình là Bắc Ninh, nhờ thu hút có hiệu quả FDI mà chỉ trong 5 năm gần đây đã biến đổi cơ bản, từ tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp, hiện nông nghiệp chiếm khoảng 8%, công nghiệp và dịch vụ chiếm 82%. Rõ ràng thay đổi diện mạo từng ngày.

Những con số nói trên thể hiện quy mô vốn FDI vào nước ta ngày càng lớn, đồng thời chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế này ngày càng cao hơn. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tôi cho rằng, cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, tự động hóa...

Trong khi vẫn coi trọng thu hút FDI từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế (TNCs) hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Do đó, cần điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư theo hướng gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng kinh tế, từng địa phương.

Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):

Cần đánh giá khách quan hai mặt của FDI

Qua thực tế và qua nhiều phân tích của các nhà nghiên cứu, có thể thấy đánh giá về FDI khá đa chiều. Tuy nhiên, mỗi ý kiến đều có cái lý của nó và cần được cân nhắc. Chúng ta không nghi ngờ về đóng góp của các DN FDI trong vấn đề tạo việc làm, thu ngân sách, đóng góp GDP… Nhưng người ta cũng có quyền nghi ngờ về đóng góp trong từng lĩnh vực. Cùng với đó, những vụ việc về môi trường đã gây ra, hay các cuộc đình công… chúng ta cũng cần có cái nhìn từ hai phía. Tôi muốn nhìn nhận cả mặt tích cực và mặt tiêu cực. Có thể thấy thời gian vừa qua việc thu hút FDI đã đáp ứng mục tiêu thu hút vốn, giải quyết lao động là khá tốt.
Nhưng phải đặc biệt lưu ý đến hai mục tiêu mà chúng ta đặt ra ngay từ đầu là thu hút về công nghệ, lan toả. Nên cần đánh giá trên cả những mục tiêu này. Cần xem xét ở những điểm làm tốt ở đâu, chưa tốt ở đâu, từ đó mới xác định giải pháp. Cùng với đó, chúng ta cần nghiên cứu về nguyên nhân, cách làm FDI, có những cái chưa đáp ứng được luật, còn bản thân luật đã có về nâng cao công nghệ, lan toả khu vực trong nước. Người ta chỉ nhìn thấy FDI thuê đất, lao động ,trả công lao động, thuế nộp ngân sách còn nền kinh tế FDI và nội địa chưa thực sự gắn kết như mong đợi. Do đó việc thu hút FDI cần phải cải thiện được tình hình này, làm sao để gắn kết được hai khu vực trong và ngoài nước, tạo sức lan tỏa về công nghệ, khả năng quản trị như kỳ vọng.

Ông Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Nhiều điểm yếu cần cải thiện

Chúng ta đang nói nhiều đến những tác động của cuộc mạng 4.0 đến nền kinh tế về cả những điểm thách thức cũng như cơ hội tích cực. Mang lại cơ hội, nhưng chi phí chuyển đổi của quá trình này cũng rất lớn, từ chi phí đầu tư, xây dựng luật, thích ứng… Có 4 tác động có thể thấy rất rõ, từ sản phẩm công nghệ mới, cách thức tiêu dùng mới cho đến cách thức kinh doanh. Vì thế, Việt Nam buộc phải học hỏi, cạnh tranh và vai trò của khu vực FDI rất quan trọng.

Cách mạng công nghiệp 4.0 có rất nhiều vấn đề mới đặt ra, từ việc làm sao để kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa đến kết nối số, dịch chuyển đa năng hay phát triển nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho cuộc cách mạng này. Vấn đề kết cấu hạ tầng cũng đang đặt ra rất cấp thiết cho cách mạng 4.0. Cụ thể, có trường hợp sắp tới FPT cho ra thử nghiệm xe không người lái, nhưng với điều kiện cơ sở hạ tầng thông tin hiện nay rất khó để thử nghiệm. Đấy chỉ là một ví dụ về những khó khăn khi chúng ta đối diện với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.

Tôi cho rằng, cái mà Việt Nam muốn thu hút phát triển nhất chính là về tài chính, vì cuộc chiến này gắn với sáng tạo, do đó cần phải lưu ý đến các loại hình quỹ đầu tư ra sao để có môi trường thu hút FDI. Ai cũng khẳng định là chúng ta rất hấp dẫn, nhưng để thu hút được FDI còn cần phải cải thiện rất nhiều.

Một yếu tố nữa đó là khung khổ pháp lý. Mới đây nhất, có 2 vụ kiện liên quan tới FDI về tính pháp lý, một là vụ kiện Bitcoin đòi truy thu hàng chục tỷ đồng thuế, nhưng trong pháp luật Việt Nam lại không công nhận đồng tiền này; 2 là một số công ty phàn nàn về cấp phép. Vì thế, để áp dụng cách mạng 4.0 thì về khung khổ pháp lý với chúng ta còn cả một chặng đường dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    FDI với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO