Giả thuyết về nguyên nhân cá chết tại miền Trung

GS. TS Vũ Thanh Ca Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (thuộc Bộ TN&MT) 08/05/2016 21:04

LTS: Bài viết này được một nhà khoa học đăng tải trên mạng xã hội và được rất nhiều người hưởng ứng. Để rộng đường dư luận cũng như góp thêm một tiếng nói vào việc tìm kiếm nguyên nhân của hiện tượng cá chết vừa qua, nhận được sự đồng ý của tác giả, Đại Đoàn Kết Online xin đăng lại bài viết này. (Tiêu đề do chúng tôi đặt).

Hình ảnh cá chết dọc bờ biển.

I. Giả thuyết về nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực biển Bắc Trung Bộ

1) Hiện tượng cá chết và nguyên nhân

Sự kiện cá biển chết hàng loạt tại khu vực biển Bắc Trung Bộ vào tháng 4 năm 2016 là một trong những thảm họa môi trường của Việt Nam. Theo thống kê, có khoảng 80 tấn cá chết. Mặc dù số cá chết không lớn lắm, nhưng thiệt hại trực tiếp và gián tiếp của thảm họa là vô cùng lớn và hệ lụy của nó sẽ còn kéo dài.

Trong điều kiện thực phẩm bẩn tràn lan và có nhiều thông tin về ung thư trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, người tiêu dùng đang quay lưng lại với cá biển được đánh bắt được ở Bắc Trung Bộ, thậm chí ở cả các nơi khác. Với tình hình nhiễu loạn thông tin như hiện nay, lòng tin của công chúng bị suy giảm đáng kể và các thông tin do nhà quản lý đưa ra, mặc dù đúng nhưng sẽ được tiếp nhận một cách rất dè dặt.

Cuối cùng, những người lãnh nhận hậu quả nặng nề nhất là những người dân đánh cá, kinh doanh cá, các loài hải sản và du lịch biển miền Trung. Không cần nói đâu xa, đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, bãi biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã đìu hiu; ngay tại Đà Nẵng hải sản cũng không bán được và đời sống người dân các bãi ngang đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Để hạn chế những tác động xấu của thảm họa này, cần nhanh chóng xác định nguyên nhân cá chết để tìm những biện pháp khắc phục hậu quả, khôi mục môi trường và các hệ sinh thái biển và phòng tránh các hiện tượng tương tự xảy ra trong tương lai.

Hiện tượng cá chết biển hàng loạt trên thế giới xảy ra không phải là hiếm. Từ đầu năm tới cuối tháng 4 năm nay đã có trên 30 vụ cá biển chết hàng loạt trên thế giới.

Thông thường, những thảm họa môi trường như thế này rất khó xác định nguyên nhân. Đặc biệt, đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, khi hệ thống quan trắc và thông tin môi trường còn có nhiều hạn chế, và cán bộ nhà nước và người dân còn thiếu kỹ năng ứng phó với thảm họa thiên tai.

Kinh nghiệm từ những vụ cá biển chết hàng loạt trên thế giới cho thấy nguyên nhân lớn nhất gây cho cá biển chết hàng loạt là sự cạn kiệt oxy. Oxy trong nước biển có nguồn gốc từ trao đổi oxy với không khí phía trên và oxy giải phóng ra thông qua quá trình quang hợp của rong, tảo và thực vật biển... Nồng độ oxy hòa tan trong nước biển thay đổi theo nhiệt độ nước. Nhiệt độ nước càng cao, nồng độ oxy hòa tan trong nước càng giảm.

Cạn kiệt oxy trong nước biển xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng cao, quá trình phân hủy chất thải hữu cơ xảy ra mạnh mẽ, yêu cầu tiêu thụ nhiều oxy và sự phân tầng ổn định của mật độ, khi lớp nước phía trên mặt nóng hơn và nhẹ hơn sẽ luôn tồn tại ở phía trên, ngăn chặn quá trình trao đổi oxy với lớp nước phía bên dưới.

Nếu sóng và dòng chảy biển mạnh, chúng có thể tạo ra sự xáo trộn lớp nước mặt với các lớp nước phía dưới, làm giảm mức độ cạn kiệt oxy của lớp nước gần đáy biển. Tuy nhiên, nếu biển lặng khi có nắng nóng, sóng và dòng chảy nhỏ, sự cạn kiệt oxy tại các lớp nước gần đáy biển sẽ gây chết cá.

Quá trình này lại càng nghiêm trọng nếu có sự bùng phát tảo. Về đêm, tảo hô hấp và tiêu thụ rất nhiều oxy, làm lượng oxy giảm nghiêm trọng và nếu lượng thiếu hụt oxy vượt quá một giá trị tới hạn nào đó, nó sẽ làm cho cá và các sinh vật biển chết hàng loạt.

Quá trình phân hủy tảo chết bị lắng đọng xuống đáy cũng đóng góp cho việc thiếu hụt oxy, làm cho cá chết. Các nguyên nhân khác làm cho cá biển chết hàng loạt là bệnh tật, ký sinh trùng, các vụ nổ ngầm, chất độc..v.v.

Chất độc có thể do con người thải ra biển, do các quá trình tự nhiên như động đất, núi lửa, do quá trình phân hủy chất hữu cơ sinh ra hoặc do tảo độc tạo ra.

Nói chung, rất hiếm khi cá chết do chất độc. Cá chết do chất độc do con người thải ra môi trường lại còn hiếm hơn nữa vì biển là không gian liên thông với các quá trình động lực mạnh mẽ.

Chính các quá trình động lực này đã giúp làm pha loãng chất độc và do vậy nếu cá có chết do chất độc do con người thải ra thì khu vực cá chết cũng khá hẹp. Trên thế giới hầu như chưa có hiện tượng cá chết trên quy mô hàng trăm cây số do ảnh hưởng của chất độc do con người thải ra môi trường.

2) Các giả thuyết về nguyên nhân cá chết

Với trường hợp cá chết ở Bắc Trung Bộ vừa qua, sau khi khoanh vùng dựa trên các kết quả điều tra, phân tích mẫu cá chết và mẫu nước, có thể đề xuất hai giả thuyết rõ ràng nhất của hiện tượng cá chết:

- Giả thuyết 1: Sự cạn kiệt oxy do phân hủy chất thải hữu cơ tại tầng đáy của nước biển, sự phân tầng ổn định của nước biển và tảo độc.

- Giả thuyết 2: Cá chết do chất độc con người thải ra.

a) Lý giải cho giả thuyết 1

Trong toàn bộ mùa Đông, hàm lượng chất dinh dưỡng trong nước biển rất cao do nước lạnh trên mặt biển cùng với sóng, gió mùa Đông đã gây ra hiện tượng xáo trộn mạnh mẽ trong toàn bộ cột nước biển và mang lớp nước đáy giàu chất dinh dưỡng lên mặt biển. Nhiệt độ thấp và thiếu ánh sáng làm cho tảo biển không phát triển được. Cũng vào mùa này, một lượng lớn các chất thải hữu cơ được sóng và dòng chảy mang từ bờ ra và từ phía bắc xuống được lắng đọng xuống đáy biển.

Cũng có thể nguồn thải hữu cơ rất lớn được thải từ bờ đã lắng đọng xuống đáy biển và phân hủy, tạo ra sự cạn kiệt oxy. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2016 là thời gian chuyển từ mùa Đông sang mùa Hè. Khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam trong thời gian này cực kỳ nóng nực. Nhiệt độ không khí cao nhất trong ngày thường xuyên từ 37oC đến 38oC. Gió Tây Nam biến thành gió Tây ở ven bờ biển, thổi từ bờ ra và khá yếu nên biển rất lặng và dòng chảy khá nhỏ.

Trong thời gian từ cuối tháng 3 tới ngày 17 tháng 4, dòng chảy gần bờ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có hướng thay đổi theo ngày. Vào đầu tháng, hướng dòng chảy, đặc biệt là tại khu vực tỉnh Hà Tĩnh, là từ Nam ra Bắc. Thời kỳ giữa tháng, hướng dòng chảy chủ yếu là từ Bắc xuống Nam nhưng rất yếu. Biển cũng khá lặng và sóng yếu. Sau ngày 18/4, gió mùa Đông Bắc về làm sóng rất mạnh và dòng chảy khá ổn định với hướng từ Bắc xuống Nam.

Nắng nóng tạo điều kiện cho tảo, nhất là các loài tảo độc hại phát triển. Thực tế, ảnh vệ tinh cho thấy đầu tháng 3 có hiện tượng phát triển bùng phát của tảo, được gọi là thủy triều đỏ hay tảo nở hoa. Tuy nhiên, không phải toàn bộ vùng biển mà chỉ có một số khu vực sát bờ bị che phủ bởi tảo độc.

Cũng trong thời gian này, nắng nóng đã làm nhiệt độ nước biển tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho các chất thải hữu cơ phân hủy mạnh mẽ. Sự phân hủy chất thải hữu cơ tiêu thụ rất nhiều oxy và tạo ra sự cạn kiệt oxy trong lớp nước gần đáy biển.

Trong điều kiện lặng gió và sóng, sự đốt nóng bề mặt biển do ánh sáng mặt trời và trao đổi nhiệt với không khí tạo ra sự phân tầng ổn định tại mặt biển, ngăn chặn quá trình trao đổi oxy giữa mặt biển và đáy biển. Kết quả là nước biển đã thiếu oxy lại càng thiếu hơn. Sự tiêu thụ oxy của tảo phù du vào đêm lại tiếp tục làm giảm oxy. Kết quả là cá và các loài hải sản tầng đáy chết vì cạn kiệt oxy. Cá tầng mặt cũng chết do cạn kiệt oxy và chất độc do tảo độc thải ra, nhưng ít hơn nhiều so với cá đáy.

Một điểm mạnh của giả thuyết này là các loài sinh vật khác nhau thì mức chịu cạn kiệt oxy khác nhau và do vậy không phải tất cả các sinh vật biển đều chết. Một số loài sinh vật tầng đáy biển ngoài cá có thể cũng chết nhưng không bị sóng và dòng chảy đưa vào bãi.

Ngoài ra, rất có thể cá chỉ chết ở Hà Tĩnh và được dòng chảy mang tới các tỉnh khác như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Trong thực tế, cá chết dạt vào bờ biển Đà Nẵng đã bị phân hủy hầu như hoàn toàn, như vậy không thể là cá chết ở biển Đà Nẵng.

Thêm nữa, hiện tượng cá chết đầu tháng 4 tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình, xảy ra khi nắng nóng quay trở lại cũng là bằng chứng hỗ trợ cho giả thuyết này.

Điểm yếu của giả thuyết này là hiện nay chưa tìm được nguồn chất thải hữu cơ (rõ ràng là từ bờ) có nguy cơ bị lắng đọng xuống đáy biển vào mùa Đông cho đến đầu tháng 4, sau đó phân hủy và gây ra sự thiếu hụt oxy làm cá chết.

b) Lý giải cho giả thuyết 2

Chất thải do con người tạo ra, nhất là chất thải công nghiệp, làng nghề có thể chứa những độc chất cực mạnh. Những độc chất này sau khi được thải ra sẽ lan truyền trong nước và làm cho cá chết.

Tuy nhiên, biển rất rộng với các quá trình động lực như sóng và dòng chảy rất mạnh, và do vậy nói chung có tính hòa loãng rất mạnh. Nhất là khi chất độc được thải ra cùng với nước làm mát, quá trình đối lưu theo phương thẳng đứng do nước làm mát nóng và nhẹ hơn nước của môi trường xung quanh sẽ giúp nước thải xáo trộn mạnh với nước biển và chất độc bị pha loãng nhanh.

Trong trường hợp này, vì nước làm mát được thải ra ở vị trí khá xa bờ và ở độ sâu khá lớn, chất độc bị hòa loãng và nói chung chỉ đủ độc chất để hòa tan trong nước làm cá chết trong một diện hẹp, không thể làm cho cá chết trên diện rộng.

Có thể thấy một cách trực quan như sau.

Nếu 1 tấn chất cực độc được thả vào một khối nước biển có chiều sâu trung bình 100m, chiều rộng 10kmx10km thì hàm lượng chất độc trong nước biển sẽ là 0,0001microgram/l. Hàm lượng này là rất nhỏ, nhỏ hơn hàng ngàn lần so với quy chuẩn Việt Nam về môi trường nước biển ven bờ.

Tức là, nước biển thỏa mãn điều kiện này sẽ sạch hơn nước biển ven bờ đủ chuẩn khoảng trên 1.000 lần. Nếu như chú ý rằng độ sâu biển tại khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ khoảng 100 m, và độ sâu biển tại khu vực cách bờ khoảng 150 km tại khu vực Trung Bộ khoảng 600 m thì giả thiết độ sâu biển 100 m như trên là rất bình thường.

Thông thường, cần mô hình số trị để mô phỏng quá trình vận tải và khuếch tán của chất độc, nhưng một cách trực quan, lời giải giải tích của sự lan truyền của một “đám khói” được thải ra môi trường cho thấy hàm lượng chất ô nhiễm (khói) giảm theo khoảng cách từ nguồn theo quy luật hàm mũ.

Rất nhiều chất độc có thể gây chết cá như thuốc trừ sâu, cyanide, sulfides, ammonia (NH3). Ammonia là chất độc hòa tan rất tốt trong nước biển. Nguồn của Ammonia trong nước biển chủ yếu là từ phân giải chất thải hữu cơ. Ammonia cũng có thể có nguồn gốc từ xử lý quặng do hiện tượng phân giải Nitrogen hữu cơ hoặc được sông tải ra biển.

Ngoài ra, Nitrite (NO2-N) cũng là độc chất có thể gây ra chết cá.

Như vậy, nếu cá chết vì độc chất vô cơ do con người thải ra, khả năng chất độc này được xả xuống tầng đáy và do xả chất độc, cá tầng đáy sẽ chết tại một khu vực hẹp ở gần khu vực ống xả nước thải.

Tính sơ bộ thì ở xa khu vực thải một khoảng cách cỡ vài ba chục km, nói chung chất độc sẽ bị pha loãng tới mức không đủ để làm cho cá chết.

Nếu như cá tầng đáy chết tại khu vực biển Vũng Áng, Hà Tĩnh, lượng cá chết này sẽ được dòng chảy biển từ bắc xuống nam mang vào Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, thậm chí tới Đà Nẵng.

Có khả năng cá ở Hà Tĩnh bị nhiễm độc nhưng chưa chết; sau đó dòng chảy đưa số cá này vào các tỉnh phía nam, dạt vào bờ và chết. Rất khó có khả năng chất độc được xả xuống ở Hà Tĩnh mà lại lan truyền tới tận Quảng Bình và gây chết cá ở đó.

3) Các bằng chứng hiện trường hỗ trợ hai giả thuyết

Theo báo cáo điều tra, khảo sát hiện trường cho đến ngày 20/4/2016 của nhiều cơ quan, tổng cộng đã có trên 200 mẫu cá, nước biển và bùn cát đáy được lấy và phân tích.

Kết quả cho thấy không có bất thường về độc chất trong cá, trong bùn cát đáy cũng như nước biển. Tất cả các yếu tố môi trường đều bình thường, nhưng Cr và Fe hơi cao (khoảng 1,1 đến 1,2 lần tiêu chuẩn cho phép). Cần phải nhớ rằng sai số trong phân tích hàm lượng chất hòa tan trong nước biển khoảng 10%. Như vậy, giới hạn Cr và Fe vẫn bình thường và không thể làm cá chết.

Hơn nữa, theo các chuyên gia về độc chất, cá biển chết do kim loại nặng sẽ bị phủ bên ngoài một lớp màng nhầy. Các mẫu cá thu thập tại hiện trường không cho thấy điều đó. Tỉnh Thừa Thiên - Huế có phát hiện hàm lượng Cr cao ở đầm Lập An và cửa biển vịnh Lăng Cô. Đây là các khu vực khá kín và hàm lượng Cr ở đây có lẽ chỉ mang tính địa phương. Tuy chưa có bằng chứng khẳng định Cr không gây ra cá chết ở đây, nhưng Cr sẽ gây ra nhiễm độc với các loài thủy sản, đặc biệt là nhuyễn thể như ngao, sò, hào ….

Các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy tiêu thụ sản phẩm bị nhiễm độc Cr sẽ tăng ít nhất 2 đến 3 lần rủi ro ung thư cho con người. Vì vậy, đối với hai khu vực này, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần ngay lập tức tổ chức điều tra, xác định nguồn gây ô nhiễm Cr để xử lý, đồng thời hướng dẫn người dân không đánh bắt và tiêu thụ hải sản ở hai khu vực này.

Nếu chất xả thải ra biển là chất độc thì trong các khu công nghiệp tại khu vực Vũng Áng, khu công nghiệp Formosa là đáng chú ý nhất vì nhà máy luyện, cán thép Formosa có thể bị xem là nghi can xả thải nước thải công nghiệp ra biển ở độ sâu lớn gây chết cá trên diện rộng ở tầng đáy.

Khu công nghiệp này có ống xả thải ra biển ở độ sâu 1 7m, cách bờ 1,5 km. Công nghệ luyện thép của Formosa yêu cầu sử dụng than Coke, được luyện từ than đá. Nước thải từ quá trình luyện than Coke rất độc hại, có chứa Cynides, Sulfides, Ammonia, Ammonium và một số chất độc hại khác.

Theo như Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Formosa chỉ được phép xả nước thải ra môi trường sau khi đã xử lý đảm bảo QCVN đối với nước thải (công nghiệp và sinh hoạt).

Hiện tại, lò luyện Coke của Formosa đã bắt đầu chạy thử nghiệm và Formosa cũng đã sử dụng hóa chất tẩy rửa để làm sạch đường ống. Nếu nhà máy luyện, cán thép Formosa không tuân theo quy định trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, có thể nước thải từ quá trình tinh luyện than Coke hoặc chất tẩy rửa đường ống độc hại đã được thải trái phép ra môi trường khi chưa được xử lý đạt chuẩn.

Cho dù hiện nay theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được báo chí đăng tải, các mẫu nước thải được lấy và phân tích định kỳ tại Formosa đều đạt chuẩn; và lịch sử dụng hóa chất tẩy rửa của nhà máy đã được kiểm tra bằng tất cả các tài liệu ghi chép được và không phát hiện ra bất thường, nhưng vẫn cần điều tra, đánh giá toàn diện quá trình xả thải của Formosa.

Đặc biệt, rất cần khớp nối tất cả các thông tin để tìm những bất thường trong lịch sử sản xuất và xả thải của Formosa. Kết quả phân tích mẫu nước cũng cho thấy tại nhiều điểm, hàm lượng Tổng Ni tơ, Phốt pho tại một số điểm khá cao, vượt quá giới hạn phú dưỡng.

Ngoài ra, các điều kiện động lực, môi trường vào nừa đầu tháng 4/2016 phù hợp với điều kiện phát triển bùng phát của tảo và cạn kiệt oxy. Phân tích ảnh vệ tinh trong những ngày cá chết cho thấy có dấu hiệu của bùng phát tảo độc.

Như vậy, không thể loại trừ giả thuyết cá chết do cạn kiệt oxy do phân hủy chất hữu cơ và bùng phát của tảo độc.

II. Phục dựng hiện trường để kiểm chứng các giả thuyết về nguyên nhân cá chết

Theo thông tin của người dân, cá chết bắt đầu từ ngày 6/4. Tuy nhiên, mãi đến ngày 18/4, khi cá chết đã dạt vào bờ biển Quảng Trị, Bộ NN&PTNT, Bộ TN-MT và các cơ quan khác mới vào cuộc để xác minh nguyên nhân. Ở Việt Nam và nhiều nước đang phát triển khác, sự chậm trễ trong nắm bắt thông tin rất phổ biến.

Thậm chí, ngay cả tại các nước phát triển, nói chung chỉ khi cá chết dạt vào bờ người ta mới biết. Vì biển là không gian liên thông và thay đổi liên tục với các quá trình động lực, môi trường rất mạnh mẽ, trong hầu hết các trường hợp, khi phát hiện ra cá chết thì hiện trường gây ra cá chết đã thay đổi gần như hoàn toàn.

Do vậy, để biết được nguyên nhân cá chết cần phải phục dựng hiện trường.

Phục dựng hiện trường là dùng các kiến thức khoa học, công nghệ để tái hiện lại các điều kiện xả thải, khí tượng, thủy hải văn và môi trường tại thời điểm cá chết.

Phục dựng hiện trường sẽ giúp ta tìm được các khả năng về các nguyên nhân gây ra cá chết và xác định quy mô khu vực cá chết.

Phục dựng hiện trường yêu cầu phải có các thông tin về xả thải, và các điều kiện khí tượng, thủy hải văn như gió, áp, nắng, nhiệt độ không khí, mưa, sóng, dòng chảy biển và phân tầng mật độ nước biển (bao gồm cả phân tầng nhiệt độ và độ muối) và các yếu tố môi trường như chất lượng nước biển, trầm tích, xả thải.

Điều kiện nắng, gió sẽ giúp tính toán, đánh giá mức độ trao đổi nhiệt giữa nước biển và không khí phía trên để xác định mức độ phân tầng nhiệt độ. Trường gió, áp trên mặt biển sẽ được sử dụng để tính toán sóng, dòng chảy trong biển trong điều kiện không có số liệu quan trắc sóng, dòng chảy.

Điều kiện sóng, dòng chảy biển sẽ được sử dụng để tính toán, đánh giá mức độ xáo trộn của chất thải theo phương thắng đứng và sự vận chuyển, khuếch tán của chất thải theo phương nằm ngang.

Một vấn đề quan trọng nhất của phục dựng hiện trường là đánh giá loại chất thải. Để xem thử có sự cạn kiệt oxy vào những ngày nắng nóng trước đó hoặc có chất độc trong nước thải hay không cần lấy mẫu trầm tích đáy.

Thông thường, nếu chất độc được xả ra môi trường cùng với nước thải từ cửa xả, chất độc sẽ khuếch tán vào lớp bùn cát đáy và bị bùn cát đáy hấp thụ và lưu giữ. Sau khi chất độc không tiếp tục được xả nữa, lớp nước phía trên đáy sẽ nhanh chóng bị vận chuyển đi và hòa loãng.

Do vậy, dấu vết chất độc chỉ còn lại ở trong trầm tích đáy. Theo thời gian, lượng chất độc trong trầm tích đáy sẽ bị giảm dần do bị khuếch tán vào trong nước và bị hòa loãng.

Để phát hiện chất độc, cần phải lấy mẫu trầm tích đáy để phân tích càng sớm càng tốt. Mẫu trầm tích đáy cần được lấy tại xung quanh vị trí cửa xả và tại các vị trí khác ở xa cửa xả theo các mặt cắt để so sánh sự khác biệt về thành phần chất, đặc biệt là hàm lượng các loại chất độc để có cơ sở kết luận là thực tế cửa xả có xả ra chất độc hay không. Việc thu thập và phân tích các mẫu cá và sinh vật biển cũng cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Đặc biệt, cần lặn quay phim, chụp ảnh hiện trường và lấy mẫu sinh vật, chất đáy tại các khu vực có thông tin san hô bị chết. Cần rất chú ý tới việc bảo quản mẫu vì triệu chứng cá chết vì các loại chất độc khác nhau là khác nhau nên cần bảo quản mẫu ở điều kiện nguyên vẹn để các chuyên gia về độc học và tác dụng của chất độc lên cá và sinh vật biển phân tích.

Các mẫu nước tại nhiều vị trí trên khu vực nghiên cứu cũng cần được thu thập và phân tích để xác định các thông số môi trường nước. Các số liệu này sẽ được dùng làm số liệu nền để kiểm chứng các mô hình số trị (sẽ được trình bày ở phần sau) và được coi là các thông số giám sát môi trường, cần được công khai để người dân yên tâm nếu môi trường trong sạch hoặc có biện pháp đối phó nếu có một số yếu tố độc hại vượt ngưỡng.

Các số liệu xả thải sẽ được thu thập từ các ghi chép của cơ sở sản xuất và tính toán theo quá trình vận hành nhà máy.

Thí dụ, người ta đã có các công thức liên hệ giữa lượng than Coke được sản xuất và lượng chất thải rắn, lỏng xuất phát từ quá trình sản xuất. Căn cứ vào lượng than Coke được sản xuất và lượng chất thải rắn, sẽ tính ra được lượng chất thải lỏng. Số liệu tính toán sẽ được so sánh với số liệu ghi chép của nhà máy để phát hiện các điểm không thống nhất.

Ngoài ra, cần xem xét số liệu về xử lý nước thải và số liệu thải, các số liệu môi trường của nước thải tại cửa xả do máy tự ghi ghi lại được.

Thông thường, các số liệu quan trắc về khí tượng hải văn không có nhiều và chỉ có trên bề mặt.

Thí dụ, tại khu vực từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên - Huế có trạm radar Nghi Sơn, Đồng Hới đo dòng chảy và sóng biển, trạm khí tượng hải văn Cồn Cỏ đo một số yếu tố khí tượng hải văn. Về số liệu khí tượng, ta có một số trạm khí tượng ven biển.

Ngoài ra, có các số liệu quốc tế như trường số liệu khí tượng do một số trung tâm của Hoa Kỳ cung cấp 4 lần trong ngày, trường nhiệt độ, sóng mặt do một số tổ chức trên thế giới cung cấp.

Vì thiếu số liệu, kỹ thuật phổ biến nhất để phục dựng hiện trường tìm nguyên nhân cá chết là sử dụng các mô hình số trị khí tượng, thủy hải văn và môi trường kết hợp với các số liệu đo đạc hiện trường.

Mô hình số trị sẽ sử dụng các số liệu đo đạc để tính toán mô phỏng, tạo dựng lại các điều kiện khí tượng, hải văn, môi trường, sinh thái tại các tầng nước khác nhau trong biển. Các số liệu xả thải sẽ được sử dụng như các số liệu đầu vào để tính toán hàm lượng chất độc và chất ô nhiễm trong nước.

Việc tính toán sẽ được thực hiện với lượng và thành phần chất thải theo đúng như ghi chép của nhà máy, theo một số kịch bản “xả thải trộm” với giả thiết là nhà máy đã xả chất thải độc hại không qua xử lý ra môi trường.

Các kết quả tính toán sẽ giúp xác định được khu vực bị ô nhiễm theo các kịch bản khác nhau và cần được công bố để người dân được biết. Các kết quả tính toán này cùng các số liệu quan trắc hiện trường về chất lượng nước biển, hàm lượng chất độc trong cá biển sẽ giúp người dân khoanh vùng ô nhiễm và yên tâm sản xuất, sính hoạt.

Ngoài ra, nếu chứng minh được rằng doanh nghiệp bị nghi là đã xả thải trong thực tế đã không xả ra môi trường thì cũng giúp doanh nghiệp và người dân yên tâm, ổn định sản xuất.

III. Kết luận

Từ những vấn đề được trình bày ở trên, có thể rút ra được một số kết luận sau đây:

1) Nếu cá chết do bị nhiễm độc, khu vực có hàm lượng chất độc đủ cho cá chết chỉ giới hạn trong phạm vi rất hẹp và không thể mở rộng ra quá phạm vi tỉnh Hà Tĩnh.

2) Khả năng lớn nhất là cá chỉ chết tại khu vực biển Hà Tĩnh và được dòng chảy biển vận chuyển về phía nam và sóng tấp vào bờ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng;

3) Cần phục dựng hiện trường để tìm nguyên nhân cá chết và khoanh vùng các khu vực bị ô nhiễm.

4) Cần công khai tất cả các kết quả nghiên cứu, đánh giá để người dân yên tâm sản xuất, sinh hoạt, hạn chế tới mức tối đa các hệ lụy do hiện tượng cá chết hàng loạt mang lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giả thuyết về nguyên nhân cá chết tại miền Trung

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO