Mã hóa-công cụ tuyên truyền của khủng bố

Linh Chi 30/11/2015 09:30

Trong thời đại công nghệ của thế kỷ 21, việc ngăn chặn âm mưu tấn công của các tổ chức khủng bố dường như trở nên khó hơn bao giờ hết, khi công nghệ vừa là công cụ hữu hiệu vừa là vấn đề mà chính phủ các nước cần phải giải quyết để truy kích khủng bố.

Mã hóa-công cụ tuyên truyền của khủng bố

Một số nhóm hacker như Anonymous đã tuyên bố chiến tranh mạng với IS.

Xuất hiện nhiều trên mạng xã hội

Những tổ chức khủng bố cực đoan, như tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ngày nay xuất hiện nhan nhản trên các mạng xã hội như Facebook hay Twitter. Chúng còn trao đổi thông tin và lệnh trên mạng một cách bí mật, nhờ sử dụng một công nghệ gọi là mã hóa để che đậy các thông tin.

Nhiều người gọi công nghệ này là “đi vào bóng tối” và nó trở thành một trong những mối quan ngại đáng báo động nhất mà cảnh sát và giới chức chống khủng bố trên toàn thế giới đang phải đối mặt. Họ lo ngại rằng không thể ngăn cản trước các vụ tấn công khủng bố, như những gì mà thế giới chứng kiến trong sự kiện đẫm máu ở thủ đô Paris của nước Pháp hôm 13-11 vừa qua.

“Rõ ràng những kẻ khủng bố đã biết được rằng trao đổi thông tin theo cách truyền thống rất dễ bị phát hiện. Và chúng cũng hiểu rằng cần phải tìm ra phương pháp thông tin mới để tự bảo vệ chúng khỏi bị phát hiện” – Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ, Nicholas Rasmussen, nói.

Phiến quân IS ngày nay sở hữu một công nghệ cho phép các tay súng của chúng che đậy hoạt động ngầm rất hữu hiệu. Tổ chức này thậm chí còn bố trí một nhóm gồm 6 thành viên, liên tục hỗ trợ cách mã hóa các đoạn trao đổi thông tin của chúng 24 giờ trong ngày, cách thức che dấu thông tin cá nhân và cách sử dụng các ứng dụng như Twitter, Facebook…

Khi những kẻ khủng bố IS muốn che giấu nội dung mà chúng đang nói, chúng sẽ sử dụng một ứng dụng nhắn tin có tên Telegram. Đây là chương trình nhắn tin sử dụng đến 2 lớp mã hóa, với khả năng truyền tin nhanh và bảo mật hơn cả ứng dụng cạnh tranh là WhatsApp, thuộc sở hữu của Facebook.

Tuần trước, Telegram cho hay họ đã chặn 164 kênh, được phát dưới 12 ngôn ngữ, có liên quan tới phiến quân IS. Tuy nhiên hành động này chỉ gây ảnh hưởng đến các kênh công cộng. Trong khi các đoạn tin nhắn riêng tư trên Telegram vẫn được bảo mật, có nghĩa rằng IS vẫn có thể truyền tin cho nhau mà không bị ai phát hiện. Người dùng ứng dụng này có thể gửi tin nhắn, văn bản hay ảnh cho bạn bè một cách hết sức bảo mật. Ứng dụng còn cho phép tạo các nhóm chat lên tới 200 thành viên, thậm chí còn có lựa chọn “Chat bảo mật đặc biệt”, nơi mà các đoạn tin nhắn, ảnh và video có khả năng tự hủy.

Chính phủ các nước gặp khó

Mới đây, Giám đốc FBI James Comey đã thừa nhận rằng việc IS sử dụng các mạng xã hội đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là để lôi kéo những người ủng hộ chúng trong cộng đồng các nước phương Tây. Trong khi đó, lực lượng hành pháp thuộc chính phủ các nước gần như “bó tay” bởi các đoạn truyền tin của tổ chức này luôn được bảo vệ bằng mã hóa.

Ở Mỹ, trên các mạng xã hội như Twitter hay Facebook, thời gian qua đã có ít nhất 52 người bị cáo buộc có liên quan tới các tội ác khủng bố vì ủng hộ IS trên các mạng xã hội.

Tuy nhiên, việc kiểm duyệt, tìm kiếm các thông điệp hay tài khoản của IS trên mạng xã hội không khác gì “mò kim đáy bể”.

“Không ai có khả năng đọc mọi bức thư điện tử cả. Có quá nhiều thông tin để có thể kiểm duyệt được tất cả, thậm chí kể cả chúng chưa được mã hóa” – Mathew Green, Giáo sư giảng dạy bộ môn mã hóa và an ninh mạng ĐH Johns Hopkins, nói.

Bên cạnh đó, nỗ lực của chính phủ các nước trong việc phá mã hóa cũng khiến dư luận quan ngại vì liên quan tới quyền riêng tư cá nhân. Giải mã hóa cũng đồng nghĩa với việc giới chức chống khủng bố sẽ phải hạ thấp mức độ bảo mật của các bức thư mật, các kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, ngân hàng và nhiều hơn thế nữa.

Các nhóm phi chính phủ ra tay

Ngoài nhóm hacker nổi tiếng thế giới Anonymous, thì một nhóm khác cũng đã tuyên bố chiến tranh mạng với phiến quân IS là Ghost Security, một tổ chức tự tách biệt khỏi Anonymous. Một số thành viên của Ghost Security trước đây cũng từng hoạt động cho Anonymous, trong đó gồm có một trong những thủ lĩnh của nhóm này, được biết đến dưới tên ẩn danh “DigitaShadow”.

Tính đến nay, Ghost Security đã đánh sập được 149 trang tuyên truyền, 110.000 tài khoản mạng xã hội, và hơn 6.000 đoạn video tuyên truyền của IS kể từ khi được thành lập. Sau khi các vụ tấn công đẫm máu ở Paris xảy ra, nhóm này bắt đầu thu thập thông tin tình báo về dấu vết của những kẻ khủng bố trên mạng và nhận diện các tài khoản có liên quan tới vụ khủng bố trên.

Ghost Security còn tuyên bố đã viết thành công một phần mềm tự động nhận diện tài khoản liên quan tới IS trên mạng xã hội. Ngoài mục đích tiêu diệt IS trên mạng, Ghost Security cũng nhắm vào nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan khác trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mã hóa-công cụ tuyên truyền của khủng bố

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO