Mô hình trường học mới: Đã thấy rõ hiệu quả

Phong Vũ (thực hiện) 07/09/2015 09:35

Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết, trước mắt năm học 2015 - 2016, tỉnh sẽ mở rộng 20 trường triển khai thí điểm Dự án Mô hình Trường học mới (VNEN). "Và trong những năm tới chúng tôi sẽ mở rộng tiếp vì ai cũng thấy được mặt tích cực".

Mô hình trường học mới: Đã thấy rõ hiệu quả

Năm học 2011 - 2012, Khánh Hòa là một trong 6 tỉnh được Bộ GD&ĐT lựa chọn triển khai thí điểm Dự án Mô hình Trường học mới (VNEN) với 4 trường tham gia. Năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có thêm 20 trường tiểu học tham gia mô hình này, nâng tổng số trường tham gia mô hình VNEN lên 43/194 trường. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hà Văn Thông – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD&ĐT Khánh Hòa.

Thưa ông, sau một thời gian triển khai mô hình Trường học mới, Khánh Hòa đã đạt được những kết quả bước đầu thế nào?

Mô hình trường học mới: Đã thấy rõ hiệu quả - 1

Ông Hà Văn Thông: Phải nói việc tổ chức mô hình Trường học mới này, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới tổ chức lớp học đều rất quan trọng đối với việc giáo dục của học sinh (HS).

Thứ nhất lớp học được sắp xếp lại không như mô hình truyền thống mà được tổ chức thành các nhóm. Trong đó mỗi nhóm từ 4 - 6 HS, các em sẽ được tự học dưới sự điều hành của các nhóm trưởng và dưới sự hướng dẫn tổ chức của các giáo viên…

Và để làm được việc này thì có tài liệu mới, đó là tài liệu hướng dẫn học. Nhờ tài liệu hướng dẫn này được biên soạn lại nên các em HS tự học rất tốt dưới sự điều hành của bạn nhóm trưởng.

Cái mới thứ hai là đổi mới cách dạy, cách học đặc biệt trong đó là tự học. Lâu nay chúng ta vẫn nói rằng giáo dục gần như do nhà trường, không có sự tham gia của cộng đồng thì nhờ tài liệu này cũng sẽ thực hiện được trong hoạt động ứng dụng. Các em có thể về nhà hỏi những kiến thức cần thiết để bố mẹ hỗ trợ các em học tập thêm.

Bên cạnh việc nhà trường làm công tác tuyên truyền với cộng đồng về mô hình trường học mới này để tích cực tham gia, thì doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương cũng có hoạt động ngược lại. Chẳng hạn như tuyên truyền nghề trồng lúa của địa phương cho một số trường nằm trên địa bàn. Trong đó có tổ chức cả một hội chợ về các sản phẩm làm từ gạo để các em HS được trải nghiệm thực tế.

Trước đây giáo viên đánh giá chủ yếu còn bây giờ HS tự đánh giá và đánh giá bạn. Thông qua đánh giá, HS sẽ thấy cái gì mình được và cái gì chưa được để tiến bộ hơn trong việc học tập, đấy là một cái tích cực trong mô hình Trường học mới.

Kết quả bước đầu là vậy, còn có những vướng mắc, bất cập gì?

Lâu nay khi mà tham gia thí điểm ban đầu mô hình Trường học mới, chúng tôi cứ nghĩ phải tổ chức tại các trường học 2 buổi/ngày. Vì thực sự để HS tự học có hiệu quả, nhất là với HS miền núi thì sẽ có những nội dung học tập HS không nắm bắt ngay được. Không hoàn thành trong một buổi thì cần có buổi thứ 2 để các em tiếp tục hoàn thành... Qua trao đổi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT thì thấy rằng 1 buổi cũng có thể tổ chức được.

Còn khó khăn nữa là hiện nay giá tài liệu hướng dẫn học cao hơn bộ sách giáo khoa hiện hành. Tuy nhiên việc cao này hợp lý ở chỗ chất lượng giấy tốt hơn, được in 4 màu. Tài liệu thì được biên soạn lại theo cấu trúc hoạt động cơ bản thực hành ứng dụng, HS có thể tự học được.

Đội ngũ giáo viên khi tiếp cận mô hình VNEN có gặp khó khăn gì, thưa ông?

Ban đầu chúng tôi cũng thấy những cái khó về giáo viên. HS tự học, giáo viên không còn dạy trên bảng nữa, cứ nghĩ sẽ nhẹ nhàng hơn nhưng thực sự giáo viên vất vả hơn. Giáo viên sẽ đi từng nhóm hỗ trợ, giúp đỡ các em rồi đánh giá.

Thứ hai, giáo viên sẽ đi nhiều hơn ở các nhóm lớp. Và thứ ba, do việc tự học nên trong cùng một thời điểm hoạt động của HS sẽ không cùng nhau. Ví dụ nhóm này thực hiện nhiệm vụ số 1, nhưng nhóm kia đã thực hiện nhiệm vụ số 2 đòi hỏi giáo viên phải năng động, sáng tạo hơn nữa trong giờ học của mình.

Chúng tôi đã phải tổ chức tập huấn đồng thời, có những sáng tạo để hỗ trợ giáo viên làm đồ dùng dạy học. Trước đây đồ dùng dạy học trong lớp học truyền thống thì chỉ cần một bộ dụng cụ thôi vì giáo viên chủ yếu dạy trên lớp học. Bây giờ bộ dụng cụ không còn phù hợp nữa, do kích thước lớn, nếu mua thì sẽ không tổ chức được tại các nhóm.

Thứ hai số lượng chỉ có 1 bộ thôi trong khi 1 lớp học có thể 5 – 6 nhóm HS, do đó các giáo viên phải làm đồ dùng dạy học, phải đáp ứng đủ số nhóm. Cũng có những đồ dùng không có trong danh mục, phải thay đổi cho phù hợp với tài liệu hướng dẫn học cũng là cái vất vả cho giáo viên… Nhưng sau 1 năm thôi, trong hội đồng tự quản có ban thư viện thiết bị, giáo viên hướng dẫn cho các em đến giờ học hôm sau là gì thì ban này sẽ chuẩn bị đồ dùng dạy học vào trong các góc học tập. Đến giờ học bài đó các bạn trong nhóm sẽ đến lấy đồ dùng học tới…

Giáo viên cũng thấy rõ ràng vất vả, nhưng kết quả đạt được cho giáo viên là HS học rất tốt, và tự tin trong học tập. Trước đây các em nhút nhát, không bao giờ nói cả nhưng bây giờ bài nào không hiểu là các em sẽ hỏi.

Như ông nói, đồ dùng, thiết bị dạy học là một cái khó trong mô hình VNEN, vậy Khánh Hòa có giải pháp gì để khắc phục?

Theo tôi đây là hạn chế chung của những vùng khó khăn. Trước đây đồ dùng dạy học trang bị đồng loạt. Các nguồn kinh phí gần như trang bị một lần. Chúng ta tiến hành thay sách, bắt đầu từ năm 2002 - 2003 và kết thúc chương trình thay sách vào năm 2006 - 2007, mỗi năm như thế Bộ có danh mục cho việc trang bị đồ dùng thiết bị dạy học.

Hiện nay đồ dùng dạy học trang đã có hư hỏng nhưng kinh phí bổ sung gặp khó khăn. Với đồ dùng dạy học tự làm đơn giản thì khi hư giáo viên dễ dàng thay đổi chỉ bằng một ít kinh phí, bằng những vật liệu rẻ tiền.

Ở Khánh Hòa chúng tôi chủ trương khi tổ chức thi về làm đồ dùng dạy học sẽ cố gắng phát huy sáng tạo của giáo viên, làm những đồ dùng dạy học thiết thực cho tiết học của mình chứ không phải đưa ra những ý tưởng làm những đồ hoành tráng để rồi chỉ phô diễn tại hội thi. Khi về cơ sở không đưa xuống lớp học được thì rõ ràng không có hiệu quả.

Tiềm năng của mô hình VNEN ở Khánh Hòa trong những năm học tới là gì?

Trước mắt năm học 2015 - 2016 này chúng tôi sẽ mở rộng 20 trường, và trong những năm tới chúng tôi sẽ mở rộng tiếp vì ai cũng thấy được mặt tích cực. Chỉ có một điều, muốn mở rộng mô hình Trường học mới cần phải có một số điều kiện về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, phụ huynh… nên chúng tôi cần phải có thời gian chuẩn bị. Còn hiệu quả thì đã thấy rõ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mô hình trường học mới: Đã thấy rõ hiệu quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO