Mối đe dọa đằng sau lệnh cấm thiết bị điện tử của Anh và Mỹ

23/03/2017 07:00

Mỹ và Anh vừa qua đã ban hành một lệnh cấm mang các thiết bị điện tử có kích cỡ lớn hơn smartphone lên khoang máy bay áp dụng đối với một số hãng hàng không đến từ các sân bay ở Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông và Bắc Mỹ do các mối đe dọa khủng bố. Vậy mối đe dọa này là gì?

Một số hãng hàng không lớn ở khu vực Vùng Vịnh đã thể hiện quan ngại về lệnh cấm này. (Nguồn: AP).

Thông thường, các quyết định được chính quyền Mỹ đưa ra và được thực thi bởi Cơ quan An ninh Giao thông (TSA) phải là kết quả của các mối đe dọa cụ thể được các cơ quan tình báo Mỹ xác nhận, ông Jean-Charles Brisard, Chủ tịch Trung tâm Phân tích Khủng bố nói với hãng tin AFP.

“Các nhóm khủng bố nhất định như Al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP) từ nhiều năm nay đã cố gắng thích nghi với các biện pháp đảm bảo an ninh đang được áp dụng ở nước Mỹ và các nước đồng minh, đặc biệt là trong việc thu nhỏ các thiết bị nổ của chúng” - ông Brisard cho hay.

Các biện pháp mới mà Anh và Mỹ ban hành “sẽ dựa trên các mối đe dọa cụ thể, mà không có gì phải nghi ngờ chính là AQAP, một trong những tổ chức khủng bố tinh vi và tiến bộ nhất thế giới - đặc biệt là liên quan tới quá trình thu nhỏ các thiết bị nổ của chúng”, ông Brisard nói thêm.

Sau khi AQAP và các tổ chức phiến quân ở Syria xích lại gần nhau trong năm 2014, TSA đã ban hành lệnh cấm các thiết bị có sử dụng loại pin dẹt, nói rằng các hành khách tham gia chuyến bay cần phải chứng minh với các nhân viên an ninh rằng máy tính xách tay và điện thoại di động của họ đã được sạc đầy pin trước trước khi lên máy bay.

“Nỗi lo ngại này, vốn dựa trên các thông tin chính xác, bắt nguồn từ việc vỏ bọc của pin có thể che giấu một thiết bị nổ cỡ nhỏ chỉ chứa vài gram chất nổ” - ông Brisard nói - “Trên thực tế, mối đe dọa chính ở đây sẽ đến từ các quốc gia mà chính phủ Mỹ liệt vào danh sách cấm”.

Điều này là do, một số quốc gia không có mức độ đảm bảo an ninh chặt chẽ như ở Mỹ và một số quốc gia phương Tây.

Vì sao cấm máy tính bảng, máy tính xách tay?

Giới chuyên gia cũng lý giải nguyên nhân mà lệnh cấm của Anh và Mỹ lại nhằm cụ thể vào các loại thiết bị cỡ lớn như máy tính xách tay, máy tính bảng...

“Các loại thiết bị điện tử kiểu này chứa tất cả các bộ phần có thể cấu thành một thiết bị nổ tự chế (IED), chỉ thiếu bộ phận kích nổ và một khối chất nổ thực sự” - Sebastien Caron, Giám đốc ASCT, trung tâm huấn luyện an ninh sân bay của Pháp, nói với AFP.

Theo vị chuyên gia, chỉ bằng cách thêm vào 2 bộ phận còn thiếu này, các thiết bị điện tử nêu trên có thể trở thành IED, điều này khiến cho các thiết bị trên trở nên nhạy cảm hơn các loại thiết bị điện tử khác.

Trong trường hợp đội ngũ an ninh tại sân bay nghi ngờ một hành khách và hành lý của họ, nhân viên an ninh có thể sử dụng máy phát hiện cỡ nhỏ để kiểm tra xem có chất nổ trên người hành khách trên hay không. Nếu thiết bị điện tử của hành khách là một thiết bị kích nổ, nó sẽ để lại dấu vết dễ lần ra của khối thuốc nổ.

Ở Pháp, hành lý của hành khách đi máy bay sẽ được cho đi qua một Hệ thống Phát hiện chất nổ, có khả năng phát hiện ra một khối chất nổ nhờ phân tích phân tử có bên trong các túi xách. Nếu cỗ máy này chỉ ra khả năng có mối đe dọa, nó báo động cho đội ngũ nhân viên an ninh để thu giữ khối hành lý để kiểm tra kỹ lưỡng hơn.

“Cứ mỗi 100 túi hành lý thì có khoảng 30 túi vượt qua quá trình kiểm tra bằng mắt thường. Trong khi một nhân viên kiểm tra chỉ có thể phát hiện 25/30 mối đe dọa” - ông Caron cho hay - “5 mối đe dọa còn lại phải nhờ tới các máy móc kiểm tra tinh vi hơn, thường là máy quét tia X hoặc máy kiểm tra bằng siêu thanh”.

Trước đó, hôm 21-3, Bộ An ninh Nội địa Mỹ thông báo lệnh cấm mang các thiết bị điện tử lớn lên máy bay trong các chuyến bay đi từ 10 sân bay ở Trung Đông và châu Phi. Các hãng hàng không có khoảng thời gian 96 giờ đồng hồ để thực thi lệnh cấm mới.

Dù vậy, phần lớn trong số 9 hãng bay bị ảnh hưởng vẫn chưa nắm được đầy đủ thông tin và hiện vẫn chưa chắc chắn sẽ có bao nhiêu hãng bay tuân thủ được lệnh cấm này trong chỉ vài ngày sắp tới.

9 hãng hàng không bị tác động bởi lệnh cấm mới từ Mỹ là: Royal Jordanian Airlines, EgyptAir, Turkish Airlines, Saudia, Kuwait Airways, Royal Air Maroc, Qatar Airways, Etihad Airways và Emirates. Trong hôm 22/3, có 3 hãng bay lớn của khu vực Vùng Vịnh là Emirates Airline, Qatar Airways và Etihad Airways sẽ tuân thủ lệnh cấm nhưng từ chối bình luận công khai về tác động của nó.

Các hãng bay lớn rong khu vực này cũng thể hiện lo lắng về hạn chế mới từ chính quyền Mỹ. Một giám đốc điều hành của một trong ba hãng bay lớn Vùng Vịnh cho biết, ông đang theo dõi sát tình hình và mô tả quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump là “rất không công bằng” và không có lý do.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mối đe dọa đằng sau lệnh cấm thiết bị điện tử của Anh và Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO