Nghiên cứu khoa học trong trường đại học: Thầy trò cùng phải đam mê

Phương Linh 14/10/2015 11:20

Đi từ từ, cứ đi rồi sẽ thấy đường và quyết tâm, kiên trì theo đuổi rồi cũng sẽ làm được - PGS.TS Nguyễn Ngọc Lưu Ly (ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) đã nói như vậy khi được hỏi về công việc nghiên cứu khoa học (NCKH). Với bất cứ ai NCKH cũng không hề đơn giản, nó cần có đủ tình yêu, đủ sự đam mê sáng tạo và kiên trì theo đuổi mới có thể gặt hái được thành công. 

Nghiên cứu khoa học trong trường đại học: Thầy trò cùng phải đam mê

Cần khơi dậy sự đam mê nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

Những viên gạch đầu tâm huyết

Trong các trường ĐH hiện nay, việc NCKH không chỉ dừng lại ở các giảng viên, mà các bạn sinh viên (SV) cũng đã từng bước được tiếp cận với NCKH. Khi được hỏi về công việc NCKH nhiều giảng viên có nói, những ngày đầu khi SV tiếp cận với NCKH sẽ vô cùng khó khăn, nhưng nếu các em có sự đam mê, kiên trì thì sẽ gặt hái được thành công.

Kể về quãng thời gian bắt đầu với NCKH, PGS. TS Nguyễn Ngọc Lưu Ly chia sẻ: Những ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường ĐH cũng là lúc tôi bắt đầu biết đến những bài tập nghiên cứu đầu tiên. Sau nhiều “viên gạch đầu tiên méo mó” tôi đã dần dần rút được nhiều kinh nghiệm và bắt đầu viết nghiên cứu bằng tiếng Pháp. Mỗi đề tài dù đạt kết quả tốt hay không tôi đều trân trọng, tốt thì mình tiếp tục phát huy, hoàn thiện. Nếu chưa tốt thì mình xem có thể sửa thế nào, rút ra bài học nào cho những lần tiếp theo.

Còn TS Trần Hà Liên Phương (ĐH Quốc tế, ĐHQG TP HCM), người đã đạt giải thưởng “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học” của L’oreal – Unesco chia sẻ: Ngày nhỏ tôi thường theo bố mẹ đến bệnh viện và công ty dược, chỗ làm của bố mẹ tôi. Tôi đã rất yêu thích những nơi này, thích bố mẹ khoác áo Blouse trắng, thích mấy con thỏ trắng và chuột bạch…

“Tôi đã phát hiện ra mình có niềm đam mê môn bào chế và công nghiệp dược từ khi học năm 3 ĐH. Nhìn những sản phẩm tự mình làm ra như mấy tuýp gel, thuốc mỡ, chai dầu hay những viên thuốc đầy màu sắc… tôi thấy rất hứng thú. Tôi còn nghe các thầy nói rằng, ngoài việc biết cách làm ra những sản phẩm đó, mình còn có thể nghiên cứu ra các loại thuốc để làm sao mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Vậy là tôi theo các thầy cô làm NCKH từ đó, đồng thời xác định con đường sau này ra trường sẽ trở thành nhà NCKH”, TS Phương nói.

Cần có sự định hướng của người thầy

Hiện nay, việc NCKH ở nhiều trường vẫn còn mang tính hình thức, phong trào. Vậy làm sao để nâng cao chất lượng giảng dạy, hướng dẫn SV NCKH? ThS Phạm Văn Anh (ĐH Tây Bắc) chia sẻ: Ở trường ĐH, người thầy đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ là giảng dạy và NCKH. 2 nhiệm vụ này có quan hệ chặt chẽ và tương hỗ lẫn nhau. Nếu NCKH tốt sẽ góp phần không hề nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo SV vững lý thuyết, giỏi thực hành, nhanh chóng bám sát thực tiễn.

Tại Trường ĐH Tây Bắc, Ban giám hiệu cũng luôn quan tâm, định hướng và chỉ đạo các phòng ban chức năng lên kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh công tác NCKH của giảng viên và hướng dẫn SV NCKH với mục tiêu nâng cao năng lực giảng viên thông qua NCKH, từ đó gắn với công tác đào tạo SV ngày càng chất lượng. Điều đó đã tạo động lực thúc đẩy các giảng viên trong nhà trường say mê, tìm tòi sáng tạo trong từng bài giảng, từng vấn đề NCKH. Qua sự cố gắng không ngừng nghỉ, thầy và trò nhà trường cũng đã gặt hái được nhiều kết quả về NCKH với 1 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, 23 đề tài cấp Bộ, 15 đề tài cấp tỉnh…

ThS Phạm Văn Anh kể đã từng phải trăn trở rất nhiều với câu hỏi làm thế nào để NCKH tốt? “Phải nói là rất khó khăn. Ban đầu tôi đã lựa chọn từng bước tiếp cận với NCKH bằng cách hướng dẫn các em SV, ở đây thầy và trò cùng xây dựng kế hoạch nghiên cứu, cùng đi thực địa, cùng ngồi phân tích mẫu vật trong phòng thí nghiệm… Qua những lần bảo vệ đề tài của SV, tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để tiếp tục hướng dẫn và nghiên cứu về sau”.

Về các đề tài nghiên cứu, ThS Phạm Văn Anh cho biết cũng là vấn đề rất quan trọng: “Lĩnh vực tôi và các em SV nghiên cứu là về môi trường, đa dạng và bảo tồn đa dạng sinh học. Vấn đề này đã và đang nhận được sự quan tâm của toàn thế giới trước những nguy cơ mất mát về đa dạng, sự tàn phá môi trường tự nhiên đang diễn ra ở mọi nơi, đặc biệt là vùng Tây Bắc. Nếu bảo vệ tốt môi trường tự nhiên ở nới đây sẽ bảo vệ vệ được nguồn nước sạch, giảm thiểu được các tác động xấu như biến đổi khí hậu, lũ lụt…”

“Khi tham gia NCKH các SV sẽ được rèn luyện bản lĩnh, ý chí, nhân cách và phong cách làm việc khoa học. Điều này rất quan trọng với SV hiện nay. NCKH không chỉ giúp các em hiểu sâu hơn kiến thức chuyên ngành, kiến thức tin học, ngoại ngữ mà còn giúp SV có kĩ năng thực hành sau khi ra trường”, ThS Phạm Văn Anh nói thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghiên cứu khoa học trong trường đại học: Thầy trò cùng phải đam mê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO