Những tấm lòng vì Việt Nam

Hoàng Oanh 24/01/2017 09:15

Trung tuần tháng 12/2016, cuộc hội thảo quốc tế Việt Nam học với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, được mọi người hết sức chú ý. Hàng trăm học giả, nhà khoa học đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với những ý kiến tham vấn bổ ích, vì một Việt Nam ngày càng giàu mạnh, tươi sáng. Đây cũng là một trong những sự kiện tiêu biểu của giới khoa học trong năm 2016.

Hàng trăm học giả quốc tế đã tham dự Hội thảo Việt Nam học lần thứ 5.

Hình thành một ngành khoa học nghiên cứu về Việt Nam

Nhìn lại 5 lần Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học, chúng ta có thể thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của học nhà khoa học cũng như các học giả quốc tế. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Gần 20 năm qua, trên thực tế đã dần hình thành một ngành khoa học nghiên cứu về Việt Nam”.

Với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chuyên ngành: Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; nguồn lực văn hóa; giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao tri thức và công nghệ; kinh tế và sinh kế; biến đổi khí hậu. Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của giới khoa học trong và ngoài nước. Ban Tổ chức đã chọn được hơn 800 báo cáo trên tổng số gần 1.000 bản đăng ký tham dự, trong đó có hơn 150 báo cáo của các học giả quốc tế.

Tại hội thảo, nhiều tham luận, nhiều ý kiến của học giả nước ngoài một lần nữa cho thấy tấm lòng tình nghĩa đối với Việt Nam, tạo thành mạng lưới các nhà Việt Nam học, thúc đẩy ngành nghiên cứu Việt Nam học trên thế giới, đẩy mạnh các chương trình đào tạo về Việt Nam học…

Về vấn đề Biển Đông, mối quan hệ giữa Việt Nam và các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc- theo GS Brantly Womack (ĐH Virginia, Mỹ), một mặt mối quan hệ này tạo đòn bẩy phát triển cho Việt Nam, nhưng mặt khác cũng tạo ra những thách thức. “Tam giác quan hệ này không tồn tại trong thế tách biệt với những mối quan hệ khác. Căng thẳng trong mối quan hệ tay ba này có thể được giải quyết ổn thỏa nếu có sự chung tay của các bên khác. ASEAN là một cơ chế hữu ích bởi nhìn về một khối, nó có thể thu hút chú ý của khu vực và toàn cầu hơn bất kỳ quốc gia thành viên nào. Những thể chế toàn cầu như LHQ và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng có thể được dùng để giảm căng thẳng trong mối quan hệ tay ba này”- GS Brantly Womack nói.

Về việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sắp nhậm chức có ảnh hưởng gì tới tình hình Biển Đông, trao đổi với báo chí, GS Carl Thayers (Học viện Quốc phòng Australia, ĐH New South Wales) nhìn nhận: “Chưa thể dự đoán được tình hình dựa trên đội hình nội các ông Trump mới chọn ra, bởi những vị trí này vẫn cần được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, việc chọn “tướng về hưu” cho vị trí Cố vấn an ninh cần được Quốc hội tạo ngoại lệ. Bên cạnh đó, mục tiêu chính trong chiến lược an ninh ông Trump nêu ra là đánh bại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chính sách liên quan tới châu Á hay vấn đề Biển Đông của ông Trump chưa rõ nét”.

Du khách nước ngoài đến Việt Nam ngày một nhiều.

Cầu nối Việt Nam với thế giới

Bên cạnh biển đảo, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng được nhiều học giả quan tâm. Vì vậy, đã có gần 100 báo cáo của các nhà khoa học, các học giả được chấp thuận tham gia hội thảo. Các chuyên gia về BĐKH Việt Nam và quốc tế đã khá thống nhất khi nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tổn thương nhiều nhất do BĐKH. Do đó, ứng phó thông minh với BĐKH gắn liền với phát triển bền vững được xem là lựa chọn thích hợp nhất cho Việt Nam. Để giảm thiểu hậu quả của BĐKH, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo, Việt Nam cần đấy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, khai thác tài nguyên năng lượng gió, năng lượng mặt trời và khí sinh học. Các báo cáo chứng minh rõ luận điểm mới, đó là dù bị tổn thương nặng nề do BĐKH nhưng Việt Nam vẫn tiên phong ứng phó với BĐKH thông qua phát huy truyền thống, kinh nghiệm phòng chống thiên tai, sản xuất, sinh hoạt, phát huy sức sống xã hội kết hợp với phát triển khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế.

Liên quan đến vấn đề chuyển giao tri thức và công nghệ, các báo cáo tập trung vào việc đánh giá thực trạng của Việt Nam, so sánh với các nước trong khu vực và những nước có nền kinh tế, khoa học công nghệ phát triển. Nhận định chung của các báo cáo cho thấy, trong thời gian qua, khoa học và công nghệ Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước. Minh chứng về mô hình phát triển các chương trình giảng dạy khoa học, công nghệ hiệu quả, ông Jeffrey Goss (Trường ĐH bang Arizona, Hoa Kỳ) cho biết, từ năm 2010, Tập đoàn Intel, Trường ĐH bang Arizona cùng các trường đại học, cao đẳng, các công ty và cơ quan khác của Việt Nam đã nỗ lực để hiện đại hóa các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ và đào tạo toán học ở các trường đại học trên toàn quốc, thông qua việc nâng cấp phòng thí nghiệm, tổ chức các cuộc thi phần mềm và các chương trình đào tạo. Hoạt động này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách cung cấp một lực lượng lao động được đào tạo trình độ cao tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành công nghiệp công nghệ cao trên toàn cầu. Dự án cũng đưa ra những sáng kiến kinh doanh bằng cách liên kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp, giúp sinh viên có một nơi để thiết kế, phát triển, thử nghiệm các sản phẩm và dịch vụ mới trong các ngành khoa học - công nghệ.

Trong khi đó, qua bài tham luận “Công nghiệp hóa Việt Nam trong giai đoạn mới”- GS Trần Văn Thọ (ĐH Waseda, Nhật Bản) cho rằng, chủ trương công nghiệp hóa-hiện đại hóa đưa ra vào giữa thập niên 1990 là đúng đắn và quá trình công nghiệp hóa 20 năm sau đó cũng đã tiến triển một bước đáng kể. Nhưng theo GS Trần Văn Thọ, Việt Nam chưa phát huy hết 2 thuận lợi lớn là giai đoạn dân số vàng và lợi thế của nước đi sau nên thành quả công nghiệp hóa còn hạn chế. Mặt khác, Việt Nam đã phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong điều kiện nội lực yếu kém và các nguồn cung cấp FDI xung quanh Việt Nam phần lớn chưa đạt trình độ cao về công nghệ và văn hóa kinh doanh như Trung Quốc, Thái Lan… “Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp hóa cả diện rộng và bề sâu mới tránh được hiện tượng chuyển sang thời đại hậu công nghiệp hóa quá sớm. Mặt khác, cần củng cố nội lực và quan tâm chọn lựa FDI theo hướng chỉ khuyến khích những dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường và trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước chưa có khả năng sản xuất”- vị GS ĐH Waseda gợi mở.

Trước những tấm lòng bè bạn dành cho Việt Nam thông qua Hội thảo Việt Nam học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Từ xa xưa, người Việt Nam và văn hóa Việt Nam luôn gắn với sự sáng tạo, tinh thần cởi mở, cầu thị, giao lưu, tiếp thu với các dân tộc khác để hòa mình với dòng chảy văn minh của thời đại mà không mất đi nét riêng có của mình. Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, sự giao lưu ấy càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Những nghiên cứu, đánh giá, khuyến nghị của các nhà khoa học, trong đó có các nhà Việt Nam học đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Đồng thời mỗi nhà khoa học và từng sự kiện như Hội thảo quốc tế về Việt Nam học còn là nhịp cầu nối rất quan trọng giữa Việt Nam với thế giới, làm cho thế giới nhìn nhận, đánh giá Việt Nam tường tận, chính xác hơn”.

- Năm 1998, khi tổ chức lần đầu tiên Hội thảo quốc tế Việt Nam học có chủ đề là “Nghiên cứu Việt Nam và phát triển hợp tác quốc tế” với 15 tiểu ban với tổng số 395 báo cáo, trong đó có 163 báo cáo của các nhà khoa học quốc tế.

- Hội thảo Việt Nam học lần 2 tổ chức năm 2004, có chủ đề “Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập: Truyền thống và hiện đại”, với 10 tiểu ban, tổng số 316 báo cáo trong đó có 104 báo cáo quốc tế.

- Hội thảo Việt Nam học lần 3 tổ chức năm 2008, có chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”, với 18 tiểu ban, 531 báo cáo trong đó có 160 báo cáo quốc tế, 370 báo cáo trong nước.

- Hội thảo Việt Nam học lần 4 tổ chức năm 2012, có chủ đề “Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững”, quy tụ gần 1.000 nhà khoa học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 15 tiểu ban.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những tấm lòng vì Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO