Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã 'vượt tầm'

Trung Hiếu 23/08/2016 10:29

Tại khu vực nội thành Hà Nội, các trục giao thông chính và công trường xây dựng, nồng độ ô nhiễm bụi vào một số thời điểm vượt giới hạn cho phép. Với 6 trạm quan trắc ô nhiễm không khí, trong đó chỉ có 2 trạm hoạt động được và 4 trạm đang nằm “án binh bất động”, nhiều chuyên gia cho rằng, mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang vuột khỏi tầm kiểm soát.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã 'vượt tầm'

Nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm bụi cao là do các hoạt động giao thông.

Số liệu quan trắc của Trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục của Tổng cục Môi trường đặt tại khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) cho thấy, các chỉ số ô nhiễm không khí một số thời điểm tăng cao đột biến. Nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm bụi cao là do các hoạt động giao thông, hoặc từ các hoạt động sản xuất công nghiệp xung quanh.

Theo thống kê có đến 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông, trong đó chủ yếu là chất benzen. Với hơn 4 triệu phương tiện giao thông, hoạt động giao thông chiếm tới 85% lượng khí thải các-bon-níc và 95% lượng các hợp chất hữu cơ lơ lửng dễ bay hơi mà mắt thường không quan sát được.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết đa phần chất lượng môi trường không khí toàn thành phố đạt mức trung bình. Riêng chỉ tiêu benzen có xu hướng tăng dần qua các năm do việc gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng), đặc biệt do sự gia tăng phương tiện giao thông. Cùng với đó quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng cùng với sự gia tăng dân số cơ học... đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, nhất là bụi và tiếng ồn.

Để giám sát chặt chẽ tình hình môi trường trên địa bàn Hà Nội hiện có 6 trạm quan trắc không khí cố định. Tuy nhiên trong 6 trạm quan trắc đó có 4 trạm do Trung ương quản lý (2 trạm do Tổng cục Môi trường quản lý, 2 trạm do Trung tâm mạng lưới khí tượng thủy văn và môi trường quốc gia quản lý), 2 trạm do Sở TNMT quản lý.

Thế nhưng đến nay chỉ còn 2 trạm quan trắc do Trung ương quản lý là còn hoạt động (Trạm tại 556 Nguyễn Văn Cừ, Q.Long Biên và Trạm tại số 8 Pháo Đài Láng, Q.Đống Đa).

Lý giải về vấn đề này theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, ngoài lý do là thiếu kinh phí duy trì, bảo dưỡng và hiệu chỉnh các thiết bị đo các số liệu liên quan thì vấn đề lớn nhất ở đây là việc quản lý chất lượng không khí vẫn đang tồn tại sự chồng chéo giữa các bộ ngành.

Theo quy định, Chính phủ giao Bộ TNMT thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về môi trường, trong đó có không khí nhưng cũng đồng thời Chính phủ lại giao cho Bộ GTVT kiểm soát ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí đô thị. Việc đánh giá, kiểm soát nguồn thải lại giao cho các Bộ GTVT, Công thương, Xây dựng... quản lý

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội do sự phát triển của hệ thống hạ tầng không đồng bộ, việc kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông còn bất cập.

TS Nguyễn Thế Chinh- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra thì không còn cách nào khác là phải phát triển hệ thống giao thông công cộng và hoạt động giao thông vận tải phải chuyển đổi sang dùng nhiên liệu thay thế thay vì sử dụng nhiên liệu xăng, diezen như hiện nay. Việc ngăn chặn ô nhiễm nguồn thải từ xe máy phải kết hợp giữa Bộ GTVT, Bộ Công thương và nhiều bộ khác,

“Biện pháp nhanh hiện nay là chỉ có cách đẩy mạnh hệ thống giao thông công cộng. Phải nhìn từ lợi ích của người dân chứ còn nếu cứ như tình trạng hiện nay phương tiện giao thông công cộng kém, hạ tầng không thay đổi thì người dân người ta vẫn phải dùng xe máy”- TS Nguyễn Thế Chinh khẳng định.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường, như trồng một triệu cây xanh, làm hồ điều hòa, cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường.

Cùng với đó Thành phố sẽ đưa ra lộ trình giảm phương tiện cá nhân trong nội đô, hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị. Được biết, theo quy hoạch, đến năm 2020, Hà Nội có 359 điểm quan trắc không khí. Thời gian tới, Hà Nội sẽ mua thiết bị đo nhanh cầm tay, đầu tư xây dựng trung tâm truyền nhận, xử lý dữ liệu từ các trạm quan trắc tự động, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã 'vượt tầm'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO