Tầm nhìn quy hoạch tài nguyên nước

Hương Nguyễn 16/07/2016 09:15

“Lần đầu tiên Việt Nam có một quy hoạch tiếp cận một cách tổng thể, dài hạn đối với một lưu vực sông rộng lớn như sông Hồng - Thái Bình. Đây sẽ là tiền đề cho các quy hoạch khác ở khu vực này”- Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết trong Hội thảo Lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình do Bộ TN&MT tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Tầm nhìn quy hoạch  tài nguyên nước

Sông Hồng mùa cạn nước. (Ảnh: Hoàng Sơn).

Hội thảo đã thu hút gần 200 nhà khoa học, nhà quản lý đến từ nhiều Bộ, ngành góp ý về một số nội dung chủ yếu cần phải thực hiện trong Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình.

Khai thác quá mức

Lưu vực sông Hồng -Thái Bình là lưu vực sông lớn thứ hai ở nước ta, là lưu vực sông liên quốc gia với tổng diện tích lưu vực 169 nghìn km2, tổng lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 135 tỷ m3. Trong đó, diện tích thuộc Việt Nam là 86.700 km2, chiếm hơn 51%. Tuy nhiên, hệ thống lưu vực sông này đang bị tác động về lượng nước, chế độ dòng chảy và chất lượng nước.

Cụ thể, theo báo cáo của chuyên gia tài nguyên nước Nguyễn Thị Phương Lâm, hiện sông Hồng đã bị khai thác vượt ngưỡng 40% lượng nước mùa khô. Dự báo đến 2020, sông Hồng sẽ giống như sông Hương, sông Ba, sông Mã… bị khai thác vượt 20% nguồn ngước trung bình nhiều năm.

Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia, thuộc Bộ TN&MT nêu dẫn chứng: mực nước sông Hồng từng xuống thấp đến mức 0,1 m vào ngày 21-12-2010 tại Hà Nội đã gây tắc luồng vận tải thủy, thiếu nước tưới. Lòng sông Hồng nhiều đoạn bị biến đổi do bồi, xói tự nhiên. Các loài cá quý hiếm trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình là cá anh vũ, lăng chấm, cá chiên, cá bỗng… cùng nhiều loài thủy sinh khác đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Bên cạnh đó, sự phụ thuộc nguồn nước từ Trung Quốc, ô nhiễm nguồn nước, biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn, các công trình xây dựng trên dòng chính sông Hồng, nhất là các dự án chuyển nước giữa các tiểu lưu vực sông... cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi nguồn tài nguyên này.

Gắn quản lý tài nguyên nước với các hoạt động

Theo TS Tô Văn Trường (chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, Ban Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học KC08/11-15 Bộ KH&CN), việc xây dựng một quy hoạch tổng thể cho nguồn tài nguyên này trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết và cấp bách. Cần quản lý tài nguyên nước lưu vực sông gồm 3 nội dung chính là phát triển (quy hoạch và xây dựng công trình), quản lý (phân bổ, giải quyết tranh chấp, quản lý ô nhiễm…) và bảo vệ (bảo vệ rừng, quản lý phân bón, thuốc trừ sâu, cơ cấu mùa vụ… trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ dải ven bờ…).

Chia sẻ quan điểm này, bà Nguyễn Thị Phương Lâm cho rằng, tài nguyên nước là một mảng của lưu vực sông. Nhưng tài nguyên nước sẽ không thể nào quản lý được nếu không gắn liền với các hoạt động phát triển trên bề mặt lưu vực. “Trên lưu vực sông diễn ra hoạt động của hầu hết các ngành sử dụng nước: thuỷ lợi, thuỷ điện, công nghiệp, xây dựng, đô thị, nông nghiệp, giao thông thuỷ, du lịch… Ngành nào, công trình nào thì phát triển để phục vụ lợi ích của ngành đó. Để phát triển bền vững phải cân đối phát triển kinh tế với lợi ích xã hội và lợi ích môi trường”- bà Lâm nói.

Ở một góc độ khác, GS.TS Phạm Hồng Giang- nguyên thứ Trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn VN đề xuất có thể quan trắc, kết hợp với thực nghiệm mô hình thủy văn, tính toán được tổng tài nguyên nước phần diện tích bên Trung Quốc. Đồng thời xây dựng kịch bản về nguồn nước, trong đó sử dụng nước phía Trung Quốc kết hợp với sử dụng mô hình để đánh giá số lượng, chất lượng nước chảy sang Việt Nam theo 3 nhánh sông Đà, Thao, Lô thì sẽ nắm được tương đối số liệu cần thiết.

Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định việc lập đồ án quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình phải có tầm nhìn, thời gian đủ dài, có thể phải điều chỉnh đến 2030 tầm nhìn 2050.

“Trong quá trình chuẩn bị xây dựng đồ án, từ mục đích yêu cầu, cần phải xác định được mục tiêu, phạm vi quy hoạch. Với phạm vi đó, thực hiện quy hoạch này là thực hiện xuyên suốt toàn bộ sông Hồng. Có 3 mục tiêu đồ án cần hướng đến là bảo vệ, nắm bắt đánh giá được trữ lượng nước, hiện trạng sử dụng cũng như số lượng, chất lượng nước, quản lý ra sao; từ đó đề ra những nhiệm vụ cần làm” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tầm nhìn quy hoạch tài nguyên nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO