Thế giới sắp mất 2/3 số động vật hoang dã

Linh Chi 27/10/2016 19:36

Số lượng các loài động vật hoang dã đang sinh sống trên Trái Đất được dự đoán sẽ giảm tới 2/3 vào năm 2020, theo một nghiên cứu mới, mà trong đó phần lớn sự tuyệt chủng các giống loài này là do con người tàn phá thiên nhiên.

Thế giới sắp mất 2/3 số động vật hoang dã

Nạn săn bắt trái phép là một trong số các nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng của nhiều loài. (Nguồn: Reuters).

Nghiên cứu trên, được xem là toàn diện nhất từ trước đến nay, chỉ ra rằng số lượng các loài động vật hoang dã trên thế giới đã giảm 58% trong khoảng 1970-2012, và có thể lên tới 67% vào năm 2020.

Các nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã đưa ra các con số thống kê trên, và nhận định rằng chính sự tàn phá môi trường sống hoang dã, nạn săn bắn và ô nhiễm là nguyên nhân của sự việc.

Các loài động vật hoang dã đang dần mất đi môi trường sống, từ các dãy núi cho tới rừng nhiệt đới, sông ngòi và biển; trong đó gồm các loại vật đang có nguy cơ tuyệt chủng như voi, khỉ đột cho tới các loài ít biết đến như giông hay kền kền.

Sự sụp đổ của thế giới hoang dã, cùng với biến đổi khí hậu, là tín hiệu đáng lo ngại nhất kỷ nguyên nhân sinh mới, một thời kỳ địa lý mới mà trong đó con người thống trị hành tinh.

Ông Marco Lambertini, Giám đốc của WWF, nói: “Sự dồi dào và đa dạng của sự sống trên Trái Đất là yếu tố cơ bản của hệ thống sự sống phức tạp. Sự sống tự hỗ trợ cho chính nó và chúng ta là một phần của sự cân bằng đó. Mất đi tính đa dạng sinh học và thế giới tự nhiên và cả hệ thống hỗ trợ sự sống sẽ sụp đổ”.

Vị chuyên gia nói rằng loài người hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên để có được nguồn không khí trong lành và nước uống, thực phẩm và các vật liệu, cũng như nguồn cảm hứng và niềm vui.

Báo cáo mới của WWF đã thực hiện nghiên cứu sự thay đổi của trên 14.000 cá thể thuộc 3.700 loài động vật có xương sống. Báo cáo này sẽ là một căn cứ quan trọng để các nhà khoa học nghiên cứu về tình trạng của 64.000 loài động vật trên thế giới và từ đó đưa ra biện pháp bảo tồn.

Theo báo cáo, nguyên nhân chủ yếu khiến số lượng động vật giảm là sự hủy hoại các khu vực thiên nhiên hoang dã để trồng trọt và lấy gỗ. Phần lớn các khu vực đất đai trên thế giới hiện nay đều bị ảnh hưởng bởi con người, trong khi chỉ có 15% là được bảo vệ vì thiên nhiên.

Săn bắn và khai thác quá mức để lấy lương thực cũng là một nhân tố quan trọng, chủ yếu do đánh bắt cá và săn bắn tràn lan: Hơn 300 loài động vật có vú đang bị khai thác làm thức ăn đến nỗi bị tuyệt chủng.

Ô nhiễm môi trường cũng là một nguyên nhân đáng kể. Cá voi và cá heo trên các vùng biển châu Âu đã bị chết rất nhiều vì môi trường độc hại do các ngành công nghiệp gây nên.

Loài kền kền ở Đông Nam Á thì bị tàn sát trong suốt 20 năm qua. Các loài lưỡng cư thì có số lượng giảm nhiều nhất do một loại bệnh dịch do nấm, mà nguyên nhân là do bị buôn bán khắp thế giới.

Trong số các môi trường sống thì hệ thống sông ngòi và hồ là bị ảnh hưởng nhiều nhất, với số lượng các loài động vật sống ở môi trường này giảm tới 81% kể từ năm 1970 đến nay; do việc xây dựng các con đập, ô nhiễm nước. Và tất cả đều trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh nóng lên toàn cầu.

Báo cáo còn đưa ra cảnh báo rằng mất đi sự sống hoang dã sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến loài người và thậm chí còn gây ra các cuộc xung đột: “Sức ép mà loài người gây ra đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên càng lớn, thì rủi ro về an ninh lương thực và nước, kéo theo các cuộc xung đột trnah giành tài nguyên thiên nhiên càng lớn”.

Tuy nhiên, cũng có một số loài đang dần phục hồi, cho thấy các hành động kịp thời có thể làm nhẹ cuộc khủng hoảng này. Số lượng hổ trên thế giới hiện đang tăng dần và loài gấu trúc mới đây cũng đã bị loại ra khỏi danh sách các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Ở châu Âu, việc bảo vệ môi trường sống của loài linh miêu cũng như kiểm soát săn bắn đã giúp số lượng loài này tăng gấp 5 lần kể từ năm 1960 đến nay. Mới đây, một hội nghị thượng đỉnh về bảo tồn thế giới hoang dã cũng đưa ra biện pháp mới nhằm bảo vệ loài tê tê, loài động vật có thú bị buôn lậu nhiều nhất thế giới.

Ngoài ra, một số biện pháp khác cũng được báo cáo đưa ra, như loài người có thể lựa chọn ăn ít thịt động vật hơn, hay các công ty kinh doanh gỗ có thể đưa ra biện pháp đảm bảo nguồn cung bền vững…

“Báo cáo trê thực sự là một thông tin sốc về hành tinh mà chúng ta đang ở” - ông Mike Barret, Giám đốc Khoa học WWF, nói - “Tôi hy vọng rằng chúng ta không trở nên tuyệt vọng, đây không phải lúc để tuyệt vọng, mà cần phải hành động”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới sắp mất 2/3 số động vật hoang dã

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO