Thói quen nhỏ, nguy cơ lớn

08/06/2015 10:05

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch MERS tại Hàn Quốc, ngoài nỗ lực tạo "lá chắn” kiểm dịch tại các khu vực cửa khẩu, các chuyên gia y tế cảnh báo: chính những thói quen hàng ngày ở nơi công cộng như nhổ bọt, hắt xì hơi, lấy tay che miệng khi ho,… lại là những lo ngại lớn nhất khiến diễn biến dịch sẽ lan rộng nếu không có biện pháp phòng tránh kịp thời.

Theo TS.BS Võ Xuân Quang (Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin – TP.HCM), cơ chế lây truyền trong cộng đồng đối với những bệnh nhân MERS là rất nguy hiểm, trong khi đó hiện nay MERS thuộc nhóm các bệnh không có thuốc phòng và cũng không có thuốc trị. Do đó, biện pháp chủ yếu vẫn là tự bảo vệ mình bằng các biện pháp phòng ngừa thông thường, ý thức thói quen vệ sinh, ứng xử với môi trường xã hội một cách văn minh để tránh lây nhiễm, lây lan trong cộng đồng dân cư.

Theo BS Quang, cách thức phổ biến mà các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp lây truyền hiện nay là theo 2 con đường chính. Thứ nhất, lây qua những giọt nước li ti bắn ra khi ho hay hắt xì. BS Quang cho biết, thống kê trung bình, mỗi lần hắt xì sẽ bắn ra từ 2.000 – 5.000 giọt li ti,… chứa đầy mầm bệnh. "Nếu không may một ai đó bị ho hay hắt xì, không may là không mang theo khăn tay, và càng không may là lại đang bị bệnh… thì rất nhiều rủi ro là bàn tay của ai đó đang dính đầy vi khuẩn nguy hiểm. Nếu bàn tay này chạm vào chốt cửa, tay cầm điện thoại, công tắc quạt, nút máy fax… nói chung là các vật dụng thông thường trong công sở, thì nạn nhân kế tiếp sử dụng các vật dụng đó thì khả năng bị lây nhiễm là rất cao”, BS Quang bày tỏ lo lắng.

Ngoài thói quen trên, BS Quang cũng khuyến cáo, nhiều người dùng khăn vải nhiều lần nhưng chỉ cần qua vài lần, chiếc khăn tự động trở thành ổ vi khuẩn thứ thiệt không cần "giấy chứng nhận”. Kế đến, việc dùng bàn tay móc ra, nhét vào là biện pháp hữu hiệu để biến bàn tay của chính mình thành ổ lây nhiễm kế tiếp. Việc che mũi miệng bằng khăn có vẻ sạch nhưng sau đó, nếu quên rửa tay mà dùng bàn tay dơ để sờ mó các thứ… cũng gây ra nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

BS Quang cũng chỉ ra, thói quen nhiều người tham gia giao thông hoặc trong tình huống không có khăn che miệng thì dùng hai bàn tay che lại. Tuy nhiên, việc dùng bàn tay mình làm lá chắn, sau đó không rửa hay sát khuẩn ngay thì cũng gián tiếp biến bàn tay này thành "thanh gươm” chuẩn bị xỉa cho người khác một nhát. "Một số người xui xẻo bị ho hay hắt xì không ngừng và đành phải cầu đến sự giúp đỡ của cái khẩu trang. Điều đáng nói, họ quên là hai mặt khẩu trang không dùng lẫn với nhau được và việc đeo lên đeo xuống lẫn lộn mặt trước mặt sau sẽ làm mất đi tác dụng bảo vệ của nó. Đây cũng là nguy cơ dẫn đến khả năng lây nhiễm cao”, BS Quang chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia này, nguy cơ lây nhiễm bệnh đối với cộng đồng cũng xuất phát từ những thói quen xấu như chặm nước bọt, dụi mắt hay ngoáy mũi,… Các "con đường” lây nhiễm này sẽ là mối đe dọa thực sự nếu một bệnh nhân MERS vô tình qua mắt được các máy đo thân nhiệt tại các cửa khẩu, trong đó có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm và lây lan các dịch bệnh hô hấp, trong đó có dịch MERS, các chuyên gia y tế khuyến nghị bên cạnh những nỗ lực của Bộ Y tế thì mỗi người dân cũng cần chủ động thay đổi các thói quen của mình khi tham gia các hoạt động cộng đồng. "Hiện nay chưa ai có thể khẳng định các virus mới có thể nguy hiểm đến mức nào vì toàn nhân loại luôn tìm cách để hạn chế thấp nhất mức độ lây lan và gây bệnh của chúng. Chúng ta cũng phải bắt đầu từ việc thay đổi những thói quen nhỏ, nhưng nguy hiểm với cộng đồng”, BS Võ Xuân Quang nhấn mạnh.

Lê Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thói quen nhỏ, nguy cơ lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO