Tiếp sức cho kỳ thi THPT quốc gia

17/06/2015 08:27

Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa, học sinh cuối cấp THPT sẽ bước vào kỳ thi chung quốc gia 2015. Không chỉ các em hồi hộp lo lắng, những người thân, và cả xã hội cũng đang mong ngóng được góp sức mình cho kỳ thi quan trọng, phần nào giảm bớt áp lực cho các thí sinh.

Tiếp sức cho kỳ thi THPT quốc gia

Các thí sinh trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia

Đồng loạt ra quân "Tiếp sức mùa thi”

Cuối tuần qua, khắp các tỉnh, thành phố đã đồng loạt tổ chức lễ ra quân chương trình "Tiếp sức mùa thi”, với sự tham gia của hàng chục nghìn sinh viên, thanh niên… trên cả nước. Theo Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, chương trình "Tiếp sức mùa thi” năm nay được thực hiện trên phạm vi cả nước, từ ngày 28-6 đến 5-7, tập trung vào 23 tỉnh, thành phố có các cụm thi THPT quốc gia. Đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố đã thành lập được 3.312 đội hình tình nguyện "Tiếp sức mùa thi” với 52.952 tình nguyện viên tham gia. Các tỉnh, thành đoàn cũng đã chuẩn bị được hơn 22.000 chỗ ở miễn phí, hơn 100.000 chỗ ở giá rẻ, hơn 57.000 suất cơm miễn phí...

Tại Hà Nội, chương trình dự kiến hỗ trợ khoảng 200.000 thí sinh và người nhà tham gia kỳ thi THPT quốc gia (gồm 120.331 thí sinh của 5 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Ninh và các quận, huyện, thị xã của TP. Hà Nội) với sự tham gia hỗ trợ của hơn 12.000 tình nguyện viên. Lực lượng tình nguyện viên sẽ triển khai tại các bến xe, nhà ga, điểm trung chuyển xe buýt; trọng điểm tại 3 bến xe (Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình); 8 cụm thi (với 107 địa điểm thi), khu vực ký túc xá, nhà trọ sinh viên... Năm nay sẽ có có Trung tâm điều phối hoạt động "Tiếp sức mùa thi” với các tình nguyện viên trực online (24/24) và trực tại chỗ (từ 7 giờ đến 21 giờ hàng ngày); đội hình "Em tôi đi thi” giúp đỡ cho các sĩ tử ở những khu vực khó khăn…

Tại TP. HCM, hơn 9.000 sinh viên tình nguyện của các trường đại học trên địa bàn cũng đã chính thức ra quân cuối tuần qua. Thay vì hỗ trợ thí sinh thi tuyển ĐH, CĐ như những năm trước, chương trình năm nay xác định đối tượng thí sinh là học sinh THPT trên địa bàn thành phố và 7 tỉnh lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Long An và Bình Phước). Đội tình nguyện sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thí sinh tại 8 cụm thi và các bến xe có nhiều thí sinh từ các tỉnh nêu trên về thành phố. Theo dự kiến, sẽ hỗ trợ miễn phí khoảng 200.000 bản đồ - cẩm nang, 60.000 vé xe buýt, 10.000 chỗ trọ cho các thí sinh và phụ huynh.

Từng thí sinh cần chuẩn bị tâm lý tốt

Nhận được sự hỗ trợ to lớn từ những người xung quanh. Tuy nhiên, chính các thí sinh phải chuẩn bị cho mình tâm lý sẵn sàng nhất cho kỳ thi THPT quốc gia này. Thủ khoa khối A Học viện Quân y 2014 Nguyễn Văn Hinh cho biết: Lúc vào phòng thi, để tránh hoang mang khi thầy cô phát đề, tôi thường không quá tập trung vào giám thị. Có thể viết vẽ vời lên tờ giấy nháp hoặc viết các vấn đề mình có thể quên. Trong quá trình làm bài đang làm mà cảm thấy run, tôi hít thở thật sâu và ngừng lại 1 phút. Vì làm khi ấy sẽ không hiệu quả, thậm chí còn sai. Muốn hoàn thành tốt môn trắc nghiệm thì phải làm thật nhiều bài tập để hình thành và hoàn thiện kỹ năng tính toán đơn giản, tránh bị nhầm trong làm bài. Còn để làm nhanh thì phải phụ thuộc vào phương pháp là kiến thức tích luỹ lâu dài chứ không ôn luyện 1, 2 ngày mà giỏi được. Trong dạng đề này, tôi làm lần lượt từng câu, câu nào đọc mà cảm thấy chưa trả lời được ngay, hoặc mất thời gian thì sẽ để lại làm sau. Trên số thứ tự câu, tôi thường viết bên cạnh một dấu trừ, khi làm xong sẽ biến thành dấu cộng. Với môn Toán, tôi cũng thường làm các bài, câu sở trường trước.

Còn Dương Thị Thoa, Thủ khoa khối C, ĐH Luật Hà Nội cho rằng: Ở thời gian cuối nên tập trung vào lý thuyết, đọc lại sách giáo khoa toàn bộ. "Tôi có 1 cuốn sổ ghi lại các vấn đề mình thấy hay hoặc là các lỗi sai của mình đã từng mắc, tích luỹ trong cả quá trình học trong năm. Bất kể khi nào, cứ gặp vấn đề gì hay là tôi ghi chép lại… Đến lúc chuẩn bị thi thì đọc lại toàn bộ để ghi nhớ”, Thoa nói. Theo kinh nghiệm của Thoa, khi làm bài thi cũng không nên để ý xung quanh nhiều, vì thấy mọi người xin giấy "rào rào” sẽ tạo áp lực cho mình. Bài thi cũng phải được trình bày rõ ràng, mạch lạc.

Một số điều cần lưu ý

Các cụm thi đến thời điểm hiện nay đều đã trong tâm thế sẵn sàng chào đón thí sinh. Trong kỳ thi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được giao chủ trì cụm thi số 8 dành cho thí sinh quận Long Biên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) và các thí sinh từ Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Đến thời điểm này, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia tại Học viện là trên 12,5 nghìn thí sinh. Được biết, thí sinh dự thi tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ không phải lo lắng về nơi ở. Vì không chỉ ký túc xá của Học viện mà Trường CĐ Mỹ nghệ và CĐ Kinh tế kỹ thuật Trung ương (nơi đặt điểm thi) đều sẵn sàng ký túc xá cho thí sinh và người nhà… Ngoài chuẩn bị chu đáo về chỗ ở, nhà trường cũng đặc biệt lưu ý thí sinh không mang điện thoại vào phòng thi. Điện thoại mang vào phòng thi, dù bật hay tắt cũng sẽ bị đình chỉ. Nếu đình chỉ, thí sinh không chỉ mất cơ hội vào đại học mà cũng đồng nghĩa với việc trượt tốt nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các thí sinh bị đình chỉ trong nhiều kỳ tuyển sinh trước đó. Tại kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức, cũng có 9 thí sinh bị đình chỉ với lý do mang điện thoại…

Trong các kỳ thi đã diễn ra, có không ít trường hợp thí sinh quên giấy tờ, chứng minh thư hoặc mất thẻ do đi lại... Tâm lý trước khi bước vào phòng thi vô cùng quan trọng và những việc liên quan đến giấy tờ như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến sự bình tĩnh của thí sinh, gây ảnh hưởng đến chất lượng làm bài. Cả những việc nhỏ như ghi số tờ, số bài trong bài thi tự luận, tô mã đề, số báo danh trong bài thi trắc nghiệm. Hay việc lạ đường dẫn đến đi muộn giờ thi… thí sinh cũng cần hết sức thận trọng.

Thu Trang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp sức cho kỳ thi THPT quốc gia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO