Khoảng trống trách nhiệm

Minh Long 02/12/2016 10:00

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa chính thức ra văn bản “tuýt còi” Thông tư 58/2015/TT-BGTVT, trong đó buộc người dân chuyển đổi GPLX (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng) từ giấy bìa sang vật liệu PET. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng đã thể hiện ý kiến sửa lại Thông tư. Với người dân lại thêm một tình cảnh khóc dở, mếu dở vì trò rượt đuổi của những văn bản trái luật. Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Lẽ nào chỉ sau tuýt còi chỉ là... sửa văn bản?

Ngay sau khi Thông tư 58/2015/TT-BGTVT ngày 20/10/2015 của Bộ GTVT ban hành, quy định đã vấp phải sự phản ứng vô cùng gay gắt từ phía dư luận và của người dân. Thế nhưng bỏ qua tất cả, quy định trên vẫn được triển khai và nó chỉ thực sự tạm dừng khi chiều ngày 30/11/2016 Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) chính thức ra văn bản “tuýt còi”.

Trong văn bản số 79/KL-CKTVB do Cục trưởng Đào Ngọc Ba ký đã khẳng định: Việc Bộ Giao thông vận tải buộc người dân chuyển đổi giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng từ giấy bìa sang vật liệu PET là “tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”.

Cụ thể, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, nội dung Điều 57 Thông tư số 58/2015 dẫn đến cách hiểu: Việc chuyển đổi giấy phép lái xe, kể cả trường hợp giấy phép lái xe không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng, từ giấy bìa sang vật liệu PET là bắt buộc; giấy phép lái xe không thời hạn hoặc còn thời hạn bằng vật liệu giấy bìa không chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET theo lộ trình quy định sẽ không còn giá trị sử dụng và người có giấy phép không chuyển đổi sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi, nếu muốn được cấp lại giấy phép lái xe sẽ phải sát hạch lại lý thuyết.

Trong khi đó, giấy phép lái xe là chứng chỉ cấp cho người điều khiển xe cơ giới có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để được phép lái một hoặc một số loại xe cơ giới. Về mặt pháp lý, trong thời gian có giá trị của giấy phép (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng), quyền sở hữu, sử dụng giấy phép của người có giấy phép lái xe phải được pháp luật bảo đảm.

Việc chuyển đổi các giấy phép lái xe không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng sang vật liệu mới, có thu lệ phí, cần được xem là quyền của người dân và được thực hiện khi người dân có nhu cầu.

Từ đó, Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp đã nhấn mạnh: “Việc giấy phép lái xe không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng bằng giấy bìa bị bắt buộc phải chuyển đổi sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET là không có cơ sở pháp lý, làm phát sinh thủ tục hành chính, chi phí. Cụ thể, theo quy định của Bộ Tài chính, mức lệ phí cấp giấy phép lái xe cơ giới công nghệ mới (bao gồm cả cấp mới và cấp lại) là 135.000 đồng/lần. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”.

Ngay sau khi nhận được văn bản từ Cục Kiểm tra văn bản, được biết Bộ GTVT đã có động thái…“sửa” khá nhanh. Cụ thể, sẽ bỏ quy định phải thi lại lý thuyết, GPLX giấy người dân vẫn được sử dụng bình thường và không bị phạt. Hàng triệu người đã thở phào nhẹ nhõm khi biết thông tin này.

Nhưng vì sao những “văn bản trời ơi” gây ra nhiều hệ lụy, ám ảnh và gây lo lắng cho dân, khó khăn cho doanh nghiệp vẫn được ban hành?

Khi nói đến vấn đề ban hành văn bản trái pháp luật, đại diện Bộ Tư pháp (Bộ được xem là cơ quan “gác cổng” trong việc thẩm định và kiểm tra các văn bản pháp luật) cũng phải thừa nhận rằng, dù đã có nhiều cố gắng, song theo Báo cáo tổng kết hàng năm của Bộ thì việc nợ đọng và ban hành văn bản trái luật vẫn luôn là những tồn tại kéo dài, năm sau nhiều hơn năm trước. Năm nay, tính đến Quý 3/2016, Bộ cũng đã phát hiện đến 30 văn bản trái luật.

Làm thế nào để hạn chế được văn bản trái luật? Một trong những nguyên nhân được Bộ Tư pháp đưa ra nhiều nhất trong các báo cáo của mình trước “vấn nạn” văn bản trái luật là do chưa có quy chế xử lý người đứng đầu nên khó hạn chế được tình trạng ra văn bản vượt thẩm quyền, trái luật.

Song có ý kiến cho rằng, với chức năng của mình, Bộ chưa thực sự công khai các văn bản trái pháp luật đó, rất ít các văn bản trái luật được công khai trên phương tiện truyền thông. Cùng với việc công bố số văn bản được ban hành trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền thì Bộ Tư pháp cũng cần công khai, chỉ rõ số lượng văn bản đã được bộ, ngành và địa phương xử lý …Bên cạnh đó, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành văn bản trái pháp luật ở đâu?

Đúng như ý kiến một luật sư đã nhận xét rằng: Việc chưa điểm mặt chỉ tên công khai văn bản do cơ quan nào ban hành, hay bộ, ngành và địa phương nào có số lượng văn bản ban hành trái pháp luật nhiều nhất; cũng như chưa thấy cơ quan, cá nhân cán bộ có trách nhiệm xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật sai nào phải chịu trách nhiệm, bị áp chế tài đã làm giảm đi tính chất hiệu quả của công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Hệ lụy là sau “tuýt còi” chỉ là sửa văn bản.

Nếu một quyết định hành chính sai chỉ ảnh hưởng đến một cá thể thì việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật không chuẩn, sai thì ít nhất là một ngành, còn rộng hơn là cả xã hội bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những cán bộ, công chức những người làm cả xã hội bị ảnh hưởng của việc làm sai ấy lại hầu như không bị áp chế tài gì. Chính sự xuê xoa, cả nể này đã sinh ra những văn bản trái luật.Và người dân vẫn luôn là những người phải chịu thiệt thòi từ sự xuê xoa, từ lỗ hổng trách nhiệm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoảng trống trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO