Khoanh vùng để dập dịch

H.Vũ (thực hiện) 16/02/2020 08:00

Trước sự lây lan nhanh của dịch Covid-19, nhiều người lo lắng. Nhất là vấn đề cách ly tại cộng đồng ra sao để tránh bị lây nhiễm rộng ra các nơi khác. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn cách ly tại nhà cho người tiếp xúc với các trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Nhưng trước việc phải cách ly xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, đã có ý kiến cho rằng cần “đóng cửa” vùng dịch ở Vĩnh Phúc như Vũ Hán bên Trung Quốc áp dụng.

Trao đổi với ĐĐK, GS.TS Nguyễn Văn Kính- Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương cho rằng, Bộ Y tế đã có kịch bản và hướng dẫn do đó người dân không nên quá hoang mang, mà cần thực hiện các biện pháp dự phòng cho bản thân như đeo khẩu trang ở chỗ đông người, đặc biệt cần thường xuyên rửa tay sạch sẽ.

Khoanh vùng để dập dịch

Xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) thực hiện việc khoanh vùng, cách ly chống dịch Covid-19. Ảnh T.Vương.

PV:Từ những ca nhiễm Covid-19 liên tiếp xảy ra, cộng đồng đang lo lắng về vấn đề cách ly. Vậy theo ông chúng ta cần phải cách ly như thế nào?

GS.TS Nguyễn Văn Kính: Bộ Y tế đã kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, dự phòng, điều trị, tăng cường công tác kiểm dịch y tế, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu đường hàng không và đường bộ. Các cơ sở y tế sẵn sàng lên phương án thu dung, tiếp nhận, điều trị và cách ly bệnh nhân đồng thời phòng chống lây chéo tại bệnh viện và lây nhiễm từ người bệnh sang nhân viên y tế. Bộ Y tế cũng đã có kịch bản, và hướng dẫn. Đầu tiên, những người đi từ vùng dịch trở về đã tổ chức cho vào bệnh viện dã chiến để cách ly. Thời gian cách ly tối đa 14 ngày. Số ngày cách ly cụ thể được tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam. Khi người nghi ngờ mắc bệnh được chẩn đoán loại trừ không mắc bệnh thì những người được cách ly có liên quan sẽ kết thúc việc cách ly. Những người có triệu chứng lâm sàng, yếu tố dịch tễ thì đưa vào Bệnh viện nhiệt đới. Ca nhẹ thì để tại chỗ, sau đó cách ly đặc biệt, lấy máu xét nghiệm, tổ chức theo dõi triệu chứng. Còn những ca nặng đương nhiên phải chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, thở máy để cứu người. Chúng ta đã có đầy đủ, các văn bản hướng dẫn và cách làm, chuẩn đoán, điều trị. Đặc biệt nhóm có yếu tố dịch tễ, tiếp xúc gần với người có bệnh, có triệu chứng lâm sàng bắt buộc phải cách ly điều trị, rồi sàng lọc xem ca nào cúm, ca nào Covid-19, nếu cúm chuyển ra khỏi vùng cách ly đó. Bên cạnh đó, nhóm cách ly nghiêm ngặt do tổn thương phổi, nơi đó môi trường cách ly phải được khử khuẩn chặt chẽ.

Chúng ta vẫn áp dụng các biện pháp cơ bản, tổ chức cách ly cho người có yếu tố nguy cơ nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng. Theo đó Bộ Y tế đã có hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp do virus corona, trong đó về tổ chức thực hiện cách ly, Bộ đã có hướng dẫn cán bộ y tế phối hợp với chính quyền địa phương đến nhà hoặc nơi lưu trú của người được cách ly thông báo yêu cầu, mục đích, thời gian của việc cách ly cho người được cách ly và gia đình hoặc người quản lý nơi lưu trú, vận động tạo sự đồng thuận, tình nguyện thực hiện. Trong trường hợp đối tượng cách ly không thực hiện, áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế. UBND xã, phường, thị trấn và cộng đồng nơi có người được cách ly tạo điều kiện, động viên, chia sẻ, giúp đỡ gia đình, nơi lưu trú và người được cách ly để người được cách ly yên tâm thực hiện việc cách ly trong suốt thời gian theo dõi. Chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly và tiến hành cưỡng chế cách ly y tế nếu người được cách ly không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, cá nhân phản ánh về Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế để nghiên cứu, giải quyết.

Nhưng dịch đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là những ca phát hiện nhiễm bệnh trong thời gian gần đây. Vậy ông có khuyến cáo gì đối với cộng đồng?

- Cộng đồng cũng không nên quá lo lắng về sự lây nhiễm vì ổ dịch bây giờ tập trung ở Vĩnh Phúc còn các nơi khác đang theo dõi. Nếu chúng ta quá lo lắng, cả cộng đồng với gần 100 triệu dân thì đâu có phải như thế! Bây giờ căn bản nhất là từng người trong cộng đồng phải áp dụng những biện pháp dự phòng cho chính mình. Đeo khẩu trang, căn bản nhất là rửa tay, vì bệnh này lây qua tiếp xúc với các mặt phẳng, ôm hôn, bắt tay, chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện do đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, lây qua giọt bắn. Vì thế cầu thang máy, sàn hàng ngày phải phun thuốc sát trùng, lau rửa bằng clomin B nhiều lần do tất cả các giọt bắn đều rơi xuống mặt phẳng. Tất cả các đội dự phòng của tất cả các tỉnh đều phải trực 24/24 giờ. Vì thế cộng đồng không nên quá hoang mang, cứ bình tĩnh, chỗ nào cần sẽ cách ly. Như Vĩnh Phúc bây giờ lập chốt kiểm dịch, hiện đã cách ly phong tỏa toàn bộ xã Sơn Lôi. Các nơi khác chưa có bệnh nhân thì chúng ta cứ bình tĩnh, khi nào xuất hiện dịch đã có kịch bản đối phó của Bộ Y tế. Bởi dịch bệnh này cũng tương tự như SARS mà chúng ta đã chống thành công nhờ phát hiện sớm các ca, phòng vệ cá nhân vệ sinh đường hô hấp tốt. Đến bây giờ chưa có vắc xin hay thuốc đặc hiệu nên chủ yếu vẫn là giám sát và cách ly ca bệnh nghi ngờ, chẩn đoán điều trị sớm.

Từ kinh nghiệm chúng ta đã từng chống SARS, vậy trong vấn đề cách ly đến nay chúng ta có kinh nghiệm gì cho đợt chống Covid-19 lần này, thưa ông?

- Trong bệnh viện cũng có nhiều biện pháp phòng vệ. Hồi dịch SARS, ở Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương mở tung cửa, ánh sáng ùa vào, nhiệt độ cao lại giảm hẳn lượng virus SARS. Ở bệnh viện cũng khuyến cáo, chỗ cách ly phải có lọc không khí, dùng máy chiếu tia cực tím, dùng tia cực tím khử khuẩn. Chúng ta đã có kinh nghiệm điều trị SARS từ cách đây 17 năm. Nhưng quan trọng chính là áp dụng phòng vệ cá nhân, phải giữ ấm cổ họng, giữ ấm thân thể vì càng lạnh niêm mạc tổn thương thì virus càng dễ chui vào. Người dân có thể sát trùng bằng các loại nước sát trùng đường hô hấp, khí dung, thông thoáng đường hô hấp để đường hô hấp không bị tổn thương. Virus này lây qua giọt bắn, nên khi đang có dịch mọi người nên đeo khẩu trang khi ra đường, chỗ đông người. Vì lây qua giọt bắn từ 1-2m nên có thể sử dụng khẩu trang y tế, hay khẩu trang vải cũng được. Nếu ho có thể dùng tay để chắn, hoặc có thể dùng giấy ăn che chắn rồi đi rửa tay.

Như tôi đã đề cập ở trên, ngoài khẩu trang thì quan trọng nhất là phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, không nên dùng bàn tay vuốt ve lên mặt, mũi nhiều lần. Ở cơ sở y tế thì sát trùng bằng nước sát khuẩn và cồn, rửa tay với xà phòng cũng có thể bất hoạt virus,vì virus này không lây lan nhanh trong môi trường không khí nên rửa tay với chất sát trùng hoàn toàn có thể khống chế được. Đặc biệt tôi lưu ý rằng truyền thông, những cơ quan báo chí cần liên tục có những khuyến cáo tới cộng đồng để người dân không quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch bệnh, biết đúng cách để tự bảo vệ sức khoẻ bản thân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Khoanh vùng để dập dịch - 1

GS.TS Nguyễn Văn Kính.

Theo ông có nên cách ly toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc như cách mà Trung Quốc đã áp dụng với thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc?

- Chúng ta sẵn sàng mở rộng cách ly nhưng hiện nay chưa đến mức độ như vậy. Tất cả những ca mà chúng ta phát hiện đều nằm ở thể nhẹ, đang theo dõi, và dịch cũng mới xảy ra ở nước ta. Bây giờ “ngăn sông cấm chợ” sẽ khiến người dân hoang mang. Không chủ quan nhưng không quá hoang mang lo sợ. Cho nên giám sát dịch tễ, hệ thống dân phòng tất cả đã vào cuộc. Những việc đó các cơ quan chức năng sẽ lo, người dân không nên quá lo lắng. Bây giờ chúng ta cần vận động mỗi người dân thực hiện các biện pháp dự phòng, hay ở trong bệnh viện cũng phải cung cấp đầy đủ các thiết bị phòng hộ cho từng cá nhân. Vì ngay cả Trung Quốc cán bộ y tế cũng bị lây nhiễm. Dịch này giống như SARS, cộng đồng đã có dự phòng lo, giờ việc kiểm soát trong bệnh viện mới là quan trọng.

Ngay sau khi có người thứ 16 là người ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc nhiễm Covid-19, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định khoanh vùng cách ly xã. Bộ Y tế cũng cử tổ công tác đặc biệt và 2 đội phòng chống dịch (1 đội phụ trách công tác dự phòng; 1 đội phụ trách công tác điều trị) trực tiếp xuống Vĩnh Phúc hỗ trợ thực hiện các biện pháp ứng phó, dập dịch. Theo Quyết định khoanh vùng cách ly, thực hiện kiểm soát y tế khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, việc khoanh vùng cách ly bắt đầu thực hiện từ ngày 13/2, áp dụng với toàn bộ người dân, công nhân, người thuê trọ ở xã Sơn Lôi nơi đã có 5 người nhiễm virus corona. Huyện Bình Xuyên, xã Sơn Lôi sẽ thiết lập 8 chốt kiểm soát với nhiệm vụ cách ly hoàn toàn địa phương này trong thời gian 20 ngày. Để hỗ trợ xã Sơn Lôi ứng phó Covid-19, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch đã yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc triển khai khoanh vùng bằng biện pháp thành lập các chốt kiểm soát, với các thành phần là đại diện chính quyền, đoàn thể, công an, dân quân tự vệ để kiểm soát tất cả các phương tiện ra vào. Các phương tiện ra vào sẽ được phun thuốc tiêu trùng khử độc. Các chốt này sẽ hoạt động đến khi địa phương khống chế được dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoanh vùng để dập dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO