Khoanh vùng hẹp

Tinh Anh 06/01/2022 13:10

Theo quy định mới của ngành Y tế, cách xác định F1 (tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19) có nhiều thay đổi theo hướng khoanh vùng hẹp hơn, đảm bảo vẫn phòng dịch hiệu quả, nhưng lại tiết giảm được chi phí, nhân lực. Những người được xếp loại thành F1 chỉ khi có sự tiếp xúc trực tiếp, hoặc ở cùng với F0 trong không gian kín vượt quá 15 phút...

Theo quy định trước đây, bất cứ ai từng gặp người mắc Covid-19 (F0) đều trở thành F1 và buộc phải cách ly tập trung để khoanh vùng tránh lây lan. Từ đó tiêu hao rất nhiều nhân lực, vật lực, chưa kể làm gián đoạn các hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng tới nền kinh tế. Giờ đây cách tiếp cận phòng dịch đã có nhiều thay đổi để thích nghi hoàn cảnh thực tế khi vaccine đã được bao phủ ở mức độ cao.

Với nghị quyết của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, lực lượng chức năng cần xác định tương đối chính xác nguồn lây, nguy cơ lây nhiễm, để có thể khoanh vùng hẹp nhất, đảm bảo mọi hoạt động xã hội diễn ra bình thường, không bị xáo trộn, nhưng vẫn kiểm soát được dịch, tránh bùng phát trên diện rộng.

Để thực hiện có hiệu quả chủ trương trên của Chính phủ, bước đầu ngành Y tế đã có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về việc phân loại và cách ly F1 tại nhà, tránh quá tải tại các cơ sở tập trung. Bước tiếp theo các ca bệnh nhẹ, không triệu chứng cũng đã được hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà nhằm giảm tải cho hệ thống cơ sở hạ tầng y tế.

Song, ngay cả như vậy thì số người bị hạn chế đi lại, tham gia các hoạt động xã hội vẫn khá cao, khó đảm bảo tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, sống chung với Covid-19. Vì thế, giờ đây ngành Y tế đã có cách tiếp cận mới trong việc phân loại F1, để đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn kiểm soát hiệu quả, tránh bùng phát dịch diện rộng.

Việc quy định F1 phải là những người tiếp xúc trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp dưới da, cơ thể...) với F0, hoặc người có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2m trong cùng không gian hẹp, kín, tối thiểu trong thời gian 15 phút với F0 trong thời kỳ lây truyền... đã thu hẹp đối tượng phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch đi rất nhiều.

Điều đó đồng nghĩa với việc cả Nhà nước và người dân đều giảm thiểu được chi phí, tránh quá tải hạ tầng cơ sở, đảm bảo duy trì sản xuất và các hoạt động xã hội.

Đó chính là lý do Chính phủ ban hành nghị quyết về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Cũng từ chủ trương của Chính phủ, ngành Y tế đã hiện thực hóa bằng các giải pháp cụ thể, trong đó có cách tiếp cận mới trong phòng, chống dịch, đó là việc phân loại F1, cũng như triển khai công tác cách ly, điều trị F0 và F1.

Không chỉ có các chuyên gia y tế ủng hộ và khẳng định cách phân loại F1 mới là khoa học và an toàn trong kiểm soát dịch, dư luận xã hội cũng hết sức đồng tình và đánh giá cao quy định mới của ngành Y tế, bởi nó thiết thực trong điều kiện, hoàn cảnh cuộc sống mới có sự tồn tại của SARS-CoV-2, đồng thời lại tiết kiệm được nguồn lực tránh lãng phí.

Có thể nói, cách phân loại F1 mới như một mũi tên trúng nhiều đích: Vừa tiết giảm được chi phí tiền bạc, tránh lãng phí thời gian, công sức của lực lượng tuyến đầu, lại không ảnh hưởng nhiều đến người dân, doanh nghiệp trong việc sản xuất kinh doanh và các hoạt động xã hội, tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Một quy định khoa học, an toàn và hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoanh vùng hẹp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO