Khơi dậy tình yêu sử Việt

Thư Hoàng 24/09/2017 08:00

Bằng việc những cuốn sách lịch sử ra mắt gần đây, trở thành những cuốn sách bán chạy, được giới trẻ tìm đọc cho thấy nếu biết khơi dòng, sách sử vẫn có vị trí xứng đáng.


Bạn đọc với cuốn “Lĩnh Nam chích quái” do họa sĩ Tạ Huy Long vẽ minh họa

Quá khứ không đông cứng
Lâu nay, nhiều người tỏ ra băn khoăn, lo lắng về việc giới trẻ ngày nay “sợ” sách lịch sử, ngại học lịch sử. Nhưng nếu nhìn vào con số 5.000 bản sách “Sử Việt - 12 khúc tráng ca” (tác giả Dũng Phan) hết veo ngay sau khi được phát hành, và đặc biệt hơn, “Lĩnh Nam chích quái” - tác phẩm văn học trung đại được họa sĩ Tạ Huy Long vẽ hơn 200 minh họa, NXB Kim Đồng ấn hành, giá bìa 350.000 đồng, nhưng thời gian qua luôn “cháy hàng”, thì chúng ta nên nghĩ lại.

Đại diện NXB Kim Đồng cho biết, với việc độc giả đón nhận nồng nhiệt “Lĩnh Nam chích quái” cho thấy một điều: người trẻ không hề quay lưng lại với các giá trị truyền thống, nhưng họ cần một cách tiếp cận khác để có được sự đồng điệu. Những bức tranh minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long đã thổi hồn vào tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, đưa nó trở lại sống động, tươi mới với bạn đọc Việt Nam hiện đại, thể hiện một cách nhìn mới mẻ về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Tại buổi tọa đàm “Quá khứ sống động” mới đây ở Hà Nội, nhà văn Lưu Sơn Minh- tác giả của nhiều cuốn sách lịch sử được xuất bản gần đây thừa nhận, trước có ai nói các bạn trẻ say mê tìm cuốn “Lĩnh Nam chích quái” thì tôi không tin. Bởi tác phẩm văn học này chỉ có một số nhà nghiên cứu văn học tìm đọc. Nhưng bằng một cách tiếp cận độc giả mới, thông qua những bức minh họa rất đẹp của họa sĩ Tạ Huy Long, thì “gió đã đổi chiều”.

“Khi anh Long vẽ được ra thế giới sống động với các nhân vật, bối cảnh mà “Lĩnh Nam chích quái” phản ánh và thuyết phục được độc giả trẻ thì đó là một thành công rất lớn. Anh ấy đã “ám thị” được độc giả bằng thế giới nhân vật huyền hoặc. Để các bạn học sinh đeo khăn quàng đỏ đọc “Lĩnh Nam chích quái” thì các nhà giáo dục suốt nhiều năm nay đã không làm được” - nhà văn Lưu Sơn Minh nhấn mạnh.

Chung quan điểm này, TS Hán Nôm Nguyễn Tô Lan cũng cho rằng, chị rất bất ngờ khi xem những bức tranh minh họa của Tạ Huy Long. “Mỗi bức tranh có hàm lượng văn hóa rất cao, đồng thời thấm đẫm tinh thần quốc tế”- TS Tô Lan nhận xét, và thêm rằng: “Quá khứ không phải cái gì đó đông cứng, đóng khuôn máy móc về các nhân vật, trận đánh mà phải là số phận, những câu chuyện, những sắc màu”.


1 trang trong cuốn sách “Lĩnh Nam chích quái”.

Tiếp cận giới trẻ bằng nhiều hình thức
Từ câu chuyện của “Lĩnh Nam chích quái”, một vấn đề được đặt ra, đó là: cần làm mới các tác phẩm truyền thống để phù hợp với bạn đọc hiện nay. Có như vậy người đọc trẻ mới tiếp cận rồi yêu, thích văn hoá truyền thống, những tác phẩm lịch sử mà người Việt cần đọc. Từ đây cũng đặt ra vấn đề cách nhìn về văn hóa, lịch sử. Làm sao để người trẻ hiểu, yêu quý và trân trọng giá trị truyền thống.

Thực tế cho thấy, một số đơn vị xuất bản cũng đã nghĩ tới và cố gắng xoay trở. Cách đây ít lâu, Cty sách Đông A khi quyết định tái bản cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng rất băn khoăn để tìm ra cách riêng nhằm không bị lẫn giữa các bản in đã có mà thu hút được độc giả đương thời. Và Đông A đầu tư in khổ to, cực đẹp và sách được độc giả đón nhận, dù giá không rẻ: 500.000đ. Đến khi in những cuốn tiểu thuyết lịch sử như “Trần Khánh Dư”, “Trần Quốc Toản” của nhà văn Lưu Sơn Minh đơn vị này cũng mời thêm họa sĩ Thành Phong vẽ minh họa, dù phải chi nhuận bút cho phần tranh khá cao. Và quả thực, sách in ra cũng đã được độc giả trẻ đón nhận.

Trở lại trường hợp của Dũng Phan với “Sử Việt - 12 khúc tráng ca”. Thực ra, Dũng Phan đã là một cái tên thu hút rất nhiều bạn trẻ trên mạng xã hội, khi anh là quản trị viên của một fanpage có tên gọi “The X File of History” trên facebook có tới trên 120.000 người theo dõi với những bài viết khá đầy đủ và hấp dẫn về lịch sử. Vì thế, việc xuất bản cuốn sách lập tức được cộng đồng này đón nhận.

Tuy vậy, theo tác giả trẻ này, sự khác biệt của “Sử Việt - 12 khúc tráng ca” chính là cách kể lịch sử qua những câu chuyện, để nó không còn là con số khô khan mà như bản hùng ca đầy tự hào. “Tôi không biên niên như sách sử trước nay chỉ ghi chép diễn biến chứ không nói về nhân vật, câu chuyện. Dựa trên tài liệu sử học, kết hợp tư liệu đã được kiểm chứng, tôi viết lịch sử qua góc nhìn tập trung vào con người”- Dũng Phan chia sẻ và ví von: “Nói theo cách nhìn lãng mạn, tôi giống như gã thanh niên đi góp nhặt các câu chuyện cũ ngàn năm sương khói thành các nốt nhạc mà viết nên 12 khúc ca. Tổng hòa thành một bản hùng ca lịch sử vừa dồn dập bi tráng, vừa trầm mặc hùng tráng”.

Bên cạnh cách tiếp cận qua hình thức và cách kể khác đi, để khơi dậy tình yêu của giới trẻ với sách sử nói riêng và sử học nói chung, một vài đơn vị đã thể hiện rõ sự chịu khó tìm tòi, tiếp cận người trẻ, thông qua triển lãm minh họa sách. Hay như lần đầu tiên NXB Kim Đồng đã phối hợp để đưa 5 minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long trong “Lĩnh Nam chích quái” in lên áo phông. Đây cũng là một cách để đến gần hơn với giới trẻ, qua đó, nhằm kết nối các mảnh ký ức dân tộc, làm đầy thêm tình yêu với non sông xứ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi dậy tình yêu sử Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO