Khởi nghiệp đang cần vốn

Thanh Giang 08/06/2016 10:09

Ngày 7/6, tại Hội thảo phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tại TP HCM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nên Nhà nước đang hoàn thiện thể chế hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Thực tế lâu nay, thiếu thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp nên 60% DN Việt Nam phải tự thân vận động. Kết quả là 70% doanh nghiệp thất bại trong năm đầu, 90% thất bại trong năm thứ 2. Cùng với các yếu tố đồng bộ khác, bài toán tìm vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đang được đặt ra và cần giải quyết sớm để tránh tình trạng bế tắc vốn kéo dài.

Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng cho hoạt động khởi nghiệp.

Nguồn vốn quá ít ỏi

Chính phủ khẳng định, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển đất nước. Muốn kinh tế phát triển hơn nữa trong những năm tiếp theo Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp được cấp mã số thuế. Tìm hướng đi nhanh nhất cho mục tiêu đề ra Chính phủ cho rằng, cần đẩy mạnh hỗ trợ cho DN khởi nghiệp, đặc biệt là nguồn vốn. Bởi vì hiện nay thị trường vốn cho DN khởi nghiệp tại Việt Nam quá nghèo nàn.

Mười mấy năm đầu tư cho khởi nghiệp song số vốn cũng chỉ dừng lại ở mức 500 triệu USD. Đơn cử, một thành phố trẻ đầy năng động và sáng tạo như TP. HCM nhưng vốn khởi nghiệp rất hạn hẹp. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho hay: “Hiện thành phố có khoảng 30 tỷ đồng rót vào cho DN khởi nghiệp. Đây là coi số quá ít. Thành phố đang phấn đấu từ 2016 – 2020 đưa số vốn lên 1.000 tỷ. Thành phố đang kêu gọi các nhà đầu tư, các quỹ khác để phát triển thị trường vốn cho DN khởi nghiệp”.

Dẫn chứng khó khăn về vốn của DN khởi nghiệp Việt Nam, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc điều hành, Tập đoàn IDG Đông Nam Á khẳng định: “Ở Việt Nam 60% DN khởi nghiệp phải tự thân vận động. Kết quả 70% DN thất bại trong năm đầu, 90% thất bại trong năm thứ 2”. Không riêng DN khởi nghiệp thiếu vốn mà bản thân các DN vừa và nhỏ cũng khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước có nhiều chương trình hỗ trợ DN song trong giai đoạn 2011 – 2015 tỷ lệ dư nợ cho vay đối với DN vừa và nhỏ chỉ khoảng 25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế.

So sánh vốn khởi nghiệp của Việt Nam với các nước, ông Tâm cho hay, Silicon Valley có đến 50% vốn thuộc các quỹ. Đây được xem là mô hình hiệu quả nhất hiện nay. Còn Singapore, chương trình khởi nghiệp được các quỹ và Chính phủ hỗ trợ hơn 50%, phần còn lại thuộc các nguồn khác. Điển hình nhất cho hoạt động khởi nghiệp phải nói đến Israel. Cách đây 20 năm nước này mới có quỹ đầu tư mạo hiểm 1 tỷ USD và hàng năm mang lại hàng ngàn tỷ USD.

Hiện nay nguồn thu từ đầu tư mạo hiểm đóng góp nhiều vào GDP của Israel khá cao. Nhìn vào thực tế phát triển của Việt Nam, ông Jeong Eun Bo- Phó Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam có nguồn lao động chăm chỉ, đam mê tạo sự năng động cho nền kinh tế. Rất nhiều người trẻ có những ý tưởng tiềm năng dựa trên công nghệ nhưng được thương mại hóa. Việt Nam cần xây dựng nguồn vốn, xây dựng thị trường vốn khởi nghiệp. Chính phủ có thể thiết lập bậc thang tăng trưởng như nguồn cấp vốn mồi. Cuối cùng quy định một số công ty chứng khoán hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tìm vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Bàn về giải pháp thị trường vốn cho DN khởi nghiệp, bà Thạch Lê Anh – Giám đốc Đề án Vietnam Silicon Valley (Bộ Khoa học và Công nghệ) nêu quan điểm, muốn làm giàu nhưng không có nguồn lực thì cần liên kết giữa cộng đồng khởi nghiệp, quỹ đầu tư khởi nghiệp. Việt Nam có thể kêu gọi ngân hàng thương mại tham gia. Mỗi ngân hàng có thể tham gia vài chục tỷ. Nhưng điều quan trọng là chọn nhà đầu tư nào?

Khi nào Việt Nam có văn hóa đầu tư mạo hiểm và không sợ thất bại thì thị trường vốn này mới được giải quyết nhanh gọn. Thực tế cho thấy, hiện nguồn vốn cho DN khởi nghiệp vẫn xuất phát từ bản thân, tích tụ của gia đình. Gần đây nhất có sự tham gia của các quỹ đầu tư chính phủ và tư nhân sàn giao dịch chứng khoán chuyên nghiệp cho hoạt động khởi nghiệp. Riêng nguồn vốn ngân hàng thì gần như là “vắng bóng” trong hoạt động khởi nghiệp.

Lý do, đặc thù của tài trợ vốn cho hoạt động khởi nghiệp khác hoạt động kinh doanh thông thường, kể cả giai đoạn ươm tạo và tăng tốc. Đổi mới sáng tạo thông thường là 5 ăn – 5 thua nên vốn ngân hàng không thích hợp cho hoạt động khởi nghiệp vì rủi ro cao. Không ngân hàng nào lại bỏ tiền ra khi nắm chắc nguy cơ mất vốn. Giai đoạn ươm tạo không có sự tham gia của ngân hàng.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, hệ sinh thái khởi nghiệp cần 4 yếu tố như: ý tưởng, cộng đồng khởi nghiệp, thị trường, tài chính. DN khởi nghiệp Việt Nam vừa thiếu vốn vừa thiếu những cơ chế tiếp cận các nguồn vốn.

Trước bài toán phát triển DN khởi nghiệp, tại Hội thảo phát triển thị trường vốn cho DN khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời gian qua, nhà nước nói nhiều đến việc coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nên nhà nước đang hoàn thiện thể chế hỗ trợ tốt nhất cho DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp.

Khởi nghiệp là cứu cánh trong việc thực hiện chủ trương tăng số lượng DN đến năm 2020. Chính phủ sẽ đồng hành và là nhà ươm tạo trong giai đoạn đầu của quá trình khởi nghiệp song Chính phủ rất muốn biết DN cần gì, muốn gì? Chính phủ mong thể chế sớm đưa chương trình khởi nghiệp thành phong trào, không những địa phương khởi nghiệp mà thực hiện quốc gia khởi nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, khởi nghiệp thành công phải hội tụ 4 yếu tố. Thứ nhất, khởi nghiệp phải tạo dựng khuôn khổ pháp lý. Thứ hai là phải có đội ngũ năng động và sáng tạo của các DN khởi nghiệp. Bởi vì khởi nghiệp không chỉ có lòng dũng cảm mà phải đi liền với nghiên cứu, đổi mới và phát triển. Thứ ba, khởi nghiệp thành công không thể thiếu sự tham gia của các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư. Thứ tư là điều kiện và thể chế để hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khởi nghiệp đang cần vốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO