Khơi thông thị trường lao động

Lê Bảo-Minh Sang 29/08/2022 14:00

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), đến nay quy mô lao động đã dần phục hồi, với khoảng 51,4 triệu người. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động vẫn diễn ra cục bộ, nhất là những ngành, nghề, lĩnh vực yêu cầu trình độ cao, như lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin, logistic…

Đảm bảo thông tin thị trường là góp phần gỡ điểm nghẽn về thị trường lao động.

“Khát” lao động

Kết quả từ báo cáo về tình hình thị trường lao động vừa được VietnamWorks công bố cũng cho thấy có tới 86,4% doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn trong hoạt động tuyển dụng, nguyên nhân chính đến từ việc nhân viên chủ động nghỉ việc hoặc phục hồi nhân sự từ một lượng lớn bị cắt giảm trong giai đoạn căng thẳng bởi dịch bệnh. Chính điều này khiến cho DN luôn trong trạng thái “khát” nhân sự ở mức báo động khi đã phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Có đến 40,8% DN có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc, tăng 10 - 20% và 31,5% DN đạt mức tỉ lệ thiếu hụt lao động dưới 10%, hơn 12% DN có tỉ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc lên đến 30 - 40%.

Đánh giá của Bộ LĐTBXH cũng cho thấy, thị trường tuyển dụng đang mất cân bằng cung cầu khi mức thiếu hụt nhân lực tại các khu vực trọng điểm ở các thành phố lớn tăng cao, cụ thể tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, tỷ lệ thiếu hụt lần lượt là 22,45% và 14,87% so với nhu cầu tuyển dụng hiện tại của DN cần thêm 10% - 20%. Tương tự tại Bình Dương theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh này, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông đã giảm, từ chỗ cần giới thiệu khoảng 15.000 người thì hiện nay các DN cần trung tâm giới thiệu khoảng hơn 8.000 lao động phổ thông mỗi tháng. Nhu cầu về lao động có tay nghề vẫn giữ nguyên, khoảng hơn 1.000 lao động mỗi tháng.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt lao động, theo Bộ LĐTBXH, chính sách thu hút lao động mới tại các DN chưa hấp dẫn người lao động, tiền lương khởi điểm bắt đầu vào làm việc thấp - bình quân từ 6 triệu đồng trở lên (nếu người lao động không làm thêm giờ). Trong thời gian qua, lao động được tuyển vào chủ yếu để bù đắp cho số lao động nghỉ việc trong năm nên nguồn lao động phục vụ cho mở rộng quy mô sản xuất còn thiếu.

Bên cạnh đó, người lao động có nhu cầu được học tập nâng cao nghề nghiệp, nhu cầu nghỉ ngơi, tuy nhiên khi làm việc trong một số lĩnh vực may mặc, da giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm... bắt buộc người lao động phải làm việc theo ca kíp, đội nhóm cũng là hạn chế khi thu hút người lao động vào làm việc.

Khơi thông cung - cầu

Từ thực trạng trên, theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, cần có các chính sách rất bài bản, căn cơ trong việc đào tạo nguồn lao động, xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập. Nhất là ở một số ngành đang dự báo là sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, như lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin, logistic…

Theo các chuyên gia, sử dụng ưu đãi để hút lao động chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần phải khơi thông các “điểm nghẽn” của thị trường lao động như: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững; tạo việc làm có năng suất cao; đầu tư mạnh mẽ vào con người, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài...

Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc bằng cách tập trung xây dựng nhà ở, nhà lưu trú dành cho người lao động có thu nhập thấp để mua trả góp; xây dựng nhà trẻ, trường học cho con em của công nhân lao động, đồng thời triển khai các chương trình bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đào tạo lao động và thay đổi tư duy “sử dụng nguồn nhân công giá rẻ”.

Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cho rằng, các chính sách và giải pháp vừa qua của Chính phủ đã góp phần bảo đảm cung cầu lao động trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau đại dịch đã có nhiều DN thành lập mới, trong đó DN nhỏ và vừa chiếm 98% trong khoảng 800.000 DN, thu hút khoảng 60% lao động. “Hiện nay, nhu cầu lao động của các DN rất lớn, vì vậy rất cần có chính sách về chế độ tiền lương phù hợp với lao động tay nghề cao, tư duy đột phá để giữ chân họ. Bên cạnh đó, về lâu dài cần nghiên cứu giảm thuế thu nhập DN cho các DN nhỏ và vừa nếu chứng minh được việc thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động (thay vì chứng minh chi phí bằng hóa đơn chứng từ phức tạp như hiện nay thì nên nghiên cứu cho DN được giảm thuế tương tự như trường hợp DN sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người khuyết tật…).

Ngoài ra, điểm mấu chốt trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch là bảo đảm thông tin thị trường lao động được thông suốt. Hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm cần nhận thức được vai trò này của mình, tăng cường tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm, cung cấp thông tin thường xuyên tới người lao động và DN.

19 địa phương đã chi xong tiền hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Số liệu từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) 63 tỉnh/thành phố cho biết, tới nay cơ quan BHXH các cấp đã chi hỗ trợ cho hơn 339.000 người lao động với số tiền hơn 963 tỷ đồng. Hiện BHXH 19 tỉnh/thành phố đã hoàn thành việc chi trả gói hỗ trợ gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Đắk Nông, TPHCM, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi thông thị trường lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO