Khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội

H.Vũ 04/12/2021 13:22

Ngày 3/12, Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã họp mở rộng thẩm tra dự án 1 luật sửa 8 luật. Đây là một trong 5 nội dung sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp bất thường sắp tới.

Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục trong đầu tư, kinh doanh

1 luật sẽ sửa 8 luật gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Trình bày tờ trình dự án luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, việc xây dựng, ban hành luật này nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19; cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục trong đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Liên quan đến Luật Đầu tư công, ông Hiếu cho hay: Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b, c và d khoản 4 Điều 17, bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 25 Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý. Chính phủ đề nghị giữ nguyên thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A như Luật Đầu tư công hiện hành mà không phân quyền cho bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nội dung sửa đổi theo hướng Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đáng chú ý, liên quan đến Luật Đầu tư, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32 để thực hiện phân quyền cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Ông Hiếu cũng thông tin, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng, đề xuất phân cấp nêu trên vẫn được xác định theo 1 trong 2 tiêu chí về quy mô dân số hoặc quy mô sử dụng đất, tương tự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư hiện hành.

Về Luật Điện lực, ông Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, truyền tải điện cần quy định rõ hơn nữa các thành phần kinh tế tham gia, có cơ chế thu hút vốn.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, tại kỳ họp thứ hai vừa qua Quốc hội đã đưa ra các gợi mở cải cách thể chế. Bởi khơi thông nguồn lực này là giải quyết được các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân.

Từ yêu cầu thực tiễn, Chính phủ và Quốc hội đang nghiên cứu về kỳ họp bất thường để giải quyết vấn đề cấp bách, trong đó có việc 1 luật sửa một số luật.

Địa phương không “xung phong”, Bộ sẽ trực tiếp đầu tư

Cùng ngày, Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng họp mở rộng thẩm tra Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự án là một trong 5 nội dung dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới đây.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau dài 2.063 km, đến nay đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư. Bên cạnh đó, Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư với quy mô 4 làn xe, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải, với năng lực khai thác hiện tại của cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống và cầu Đại Ngãi (dự kiến hoàn thành năm 2026), việc đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 sẽ triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, để hoàn thiện tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan kết nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Chính phủ đã cân đối vốn ngân sách đầu tư đoạn Hòa Liên - Túy Loan (dài 12 km, quy mô 4 làn xe) theo dự án độc lập.

Để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành Dự án, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước, đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.

Theo ước tính sơ bộ của Bộ Giao thông vận tải, tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng. Trên cơ sở tiến độ triển khai, sơ bộ nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn 2021-2025 cần bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (khoảng 81,4% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 27.324 tỷ đồng (khoảng 18,6% tổng mức đầu tư) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026-2030. Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, dự kiến bố trí cho Dự án khoảng 47.169 tỷ đồng. Như vậy, giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung khoảng 72.497 tỷ đồng cho Dự án, và kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong năm 2021 Bộ Giao thông vận tải dự kiến giải ngân khoảng 40.000 tỷ đồng, đạt khoảng 96% mức vốn được giao. Tuy nhiên trong 4 năm tới, bình quân mỗi năm phải giải ngân khoảng hơn 90.000 tỷ đồng/năm. Đây là một thách thức rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án và giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Thể cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào điều kiện thực tiễn và các quy định pháp luật, Chính phủ sẽ xem xét trường hợp địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm về quản lý đầu tư xây dựng công trình và có văn bản đề xuất được thực hiện, sẽ xem xét giao thực hiện đầu tư dự án thành phần thuộc địa giới hành chính của địa phương đó. Tinh thần là ưu tiên cho địa phương, nhưng trường hợp địa phương không “xung phong” thì Bộ sẽ trực tiếp thực hiện đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO