Không chỉ cứu sông Tô

Nguyên Khánh 16/11/2019 07:40

Sau mấy tháng thử nghiệm làm sạch một đoạn trên dòng sông Tô Lịch, mới đây, Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) đã tháo dỡ toàn bộ hệ thống thiết bị thí điểm làm sạch đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản. Chưa hiểu tới đây Hà Nội sẽ có thêm một cuộc thử nghiệm nào, giải pháp nào nữa để làm hồi sinh dòng sông Tô, hay chỉ dừng lại ở các cuộc thử nghiệm.

Được biết, đàn cá koi Nhật Bản và cá chép đỏ Việt Nam được thả tại sông Tô Lịch sẽ di chuyển sang khu thí điểm ở Hồ Tây. Lý giải vì sao lại có sự di chuyển địa điểm, trong khi đích đến của các cuộc thí điểm này là để tìm ra giải pháp khắc phục triệt để ô nhiễm nước sông Tô Lịch, đơn vị này cho biết, đến thời điểm hiện tại đơn vị đã báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại văn bản số 398/2019/JEBO ngày 16/9 về việc tiếp tục duy trì khu thí điểm tại Hồ Tây để chứng minh khả năng không bị tái ô nhiễm.

Việc di chuyển địa điểm thử nghiệm cho thấy nhiều vấn đề. Thứ nhất, đàn cá koi thả xuống dòng sông được mệnh danh là dòng sông “chết” vẫn sống sau hơn 1 tháng thử nghiệm, thậm chí có thể sống khỏe sau khi chúng được di chuyển đến một khu thử nghiệm mới. Điều đó có nghĩa, vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng của sông Tô Lịch có thể được xử lý nhờ công nghệ này. Tuy nhiên, vấn đề thứ hai làm người dân cảm thấy băn khoăn hơn đó là vì sao thí nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản có kết quả tốt như vậy lại cần phải di chuyển. Phải chăng, chính quyền Thủ đô chưa lựa chọn làm sạch sông Tô bằng giải pháp và công nghệ của Nhật! Vậy đâu sẽ là giải pháp để xử lý dứt điểm ô nhiễm của dòng sông này.

Không thể chấp nhận một dòng sông giữa nội đô bốc mùi, ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện nay thành phố Hà Nội và các sở, ngành “rất bí và không biết làm thế nào” để giải quyết dứt điểm ô nhiễm sông Tô Lịch. Cho nên, khi chuyên gia Nhật Bản vào đề nghị thí nghiệm cũng đồng ý; Công ty thoát nước Hà Nội đề xuất “mở nước” cũng đồng ý…mà chưa một dự án nào được đưa ra đánh giá, GS Vũ Trọng Hồng- nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết.

Cũng cần nhắc lại rằng, không phải đến bây giờ vấn đề “cứu” sông Tô Lịch mới được đặt ta. Chẳng hạn, năm 2016, Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá tại xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì đã được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư 16.300 tỷ đồng nhằm xử lý ô nhiễm ở các con sông trên địa bàn thủ đô trong đó có sông Tô Lịch. Tuy nhiên, đến nay, Dự án này vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Năm 2018, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cũng từng thử nghiệm xả nước Hồ Tây ra sông Tô Lịch, bước đầu nhận thấy có những tác động tích cực khi tạo ra dòng chảy lưu thông và nước sông trở nên xanh trong hơn. Tuy nhiên, đây mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm nên thời gian áp dụng ngắn.

Mới đây nhất là tháng 4/2019, Hà Nội bắt tay vào thử nghiệm công nghệ làm sạch nước Nano Bioreactor của Nhật Bản trên đoạn sông gần ngã tư Hoàng Quốc Việt - Bưởi và một góc Hồ Tây. Và ở thời điểm hiện tại, không chỉ có công nghệ Nhật Bản mà công nghệ Redoxy3C của Đức cũng được áp dụng để xử lý nước ô nhiễm ở 2 vị trí của sông nằm ở đường Nguyễn Đình Hoàn (Cầu Giấy) và cầu Khương Đình (Thanh Xuân). Hiện tại, cả hai công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm trên từng đoạn của sông Tô Lịch, tuy nhiên, điều đáng nói là nó chưa được đánh giá cụ thể về tính hiệu quả để có thể đi đến áp dụng đồng bộ để hy vọng con sông Tô thơ mộng của ngày xưa sẽ sống lại.

Hà Nội sẽ lựa chọn cách nào để cứu sông Tô hay chỉ dừng lại ở các cuộc thử nghiệm? Vẫn theo GS Vũ Trọng Hồng, để giải quyết dứt điểm ô nhiễm và trả lại “tên gọi” đúng nghĩa của sông Tô Lịch thì phải có kế hoạch cụ thể, mời các chuyên gia trong nước, nước ngoài để đánh giá. Được thì chúng ta bắt đầu làm dự án. Nhưng có muốn làm gì đi nữa, không thể quên giải pháp đầu tiên đó là cắt được nguồn nước thải đổ ra sông Tô Lịch. Nếu không cắt được nguồn gây ô nhiễm, thì sông Tô có được “cứu” rồi cũng “bệnh cũ tái phát” mà thôi.

Mà suy cho cùng, cũng không chỉ tìm cách cứu sông Tô. Ô nhiễm ở Hà Nội hiện đã ở mức rất khó chịu, trong đó có ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước mặt lẫn nguồn nước ngầm… Vì thế, phải giải quyết dứt điểm ô nhiễm sông Tô Lịch, để từ đó “rút kinh nghiệm” xử lý các ô nhiễm khác. Người dân trông mong điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chỉ cứu sông Tô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO