Không chủ quan khi trẻ bị cận thị

Xuân Thủy 11/07/2018 08:40

Cận thị là một loại tật khúc xạ phổ biến rất hay gặp ở lứa tuổi học sinh. Hiện tỉ lệ cận thị học đường ngày càng gia tăng, gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sống và kết quả học tập của con trẻ.

Không chủ quan khi trẻ bị cận thị

Ảnh minh họa.

Nhiều trẻ cận thị tăng số nhanh

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền- Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay: Qua theo dõi, thăm khám cho những bệnh nhân có tật khúc xạ đến khám và điều trị, không chỉ số lượng trẻ em bị cận thị học đường ngày càng tăng mà còn có rất nhiều trẻ bị cận thị tăng số nhanh (tiến triển cận thị trên 1.00 đi-ôp/năm).

Đó là do trong điều kiện xã hội ngày nay, trẻ thường xuyên dành nhiều thời gian sử dụng mắt nhìn gần, đặc biệt là trên các thiết bị điện tử như tivi, máy vi tính, điện thoại di động, máy tính bảng, đèn LED,…; ít tham gia các hoạt động ngoài trời; học bài hoặc đọc sách trong điều kiện ánh sáng yếu làm tăng nguy cơ trẻ mắc các tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị.

TS.BS Hoàng Cương- Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, các thiết bị điện tử như tivi, màn hình của máy vi tính, điện thoại di động, máy tính bảng, đèn LED… thường phát ra một loại ánh sáng màu xanh.

Điều đáng nói là việc tiếp xúc quá lâu với loại ánh sáng màu xanh có thể gây hại cho mắt đặc biệt là võng mạc. Trong khi đó, nhiều cha mẹ lại lạm dụng tivi, điện thoại di động, máy tính bảng… để con chịu ăn, chịu chơi hơn. Trẻ nhỏ quan sát các loại màn hình LED như tivi, điện thoại, máy vi tính, máy tính bảng… hơn 5 giờ/ngày được coi là nhiều. Bởi, tất cả các hoạt động nhìn gần trên 7 giờ/ngày trong vài năm sẽ gây ra 15-30% cận thị ở trẻ em.

Ngoài ra, việc nhìn gần các thiết bị điện tử còn gây ra những khó chịu chung cho trẻ do làm việc bằng mắt quá sức và dẫn đến khô mắt, mỏi mắt, đau cổ… Chính vì vậy, tỷ lệ tật cận thị nặng (trên 6.00 đi-ôp) cũng ngày càng tăng.

Không chỉ ảnh hưởng lớn tới thị lực không kính mà cận thị nặng còn có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa thị lực nghiêm trọng như bong võng mạc, thoái hóa hắc võng mạc, lỗ hoàng điểm, đục thể thủy tinh, glôcôm… Do đó, việc sử dụng đôi mắt hợp lý, khoa học là rất quan trọng.

Phát hiện và điều trị cận thị hiệu quả

Nhiều phụ huynh tỏ ra vô cùng lo lắng trước nguy cơ con mình có thể mắc cận thị, tuy nhiên rất khó để có thể nhận biết cận thị ở trẻ nhỏ, vì các bé chưa biết rằng nhìn mờ là chuyện không bình thường. Đa số các trường hợp cận thị chỉ được phát hiện khi trẻ bắt đầu đi học và không nhìn rõ chữ trên bảng. Bởi vậy, khám sàng lọc định kỳ rất quan trọng với trẻ nhỏ trước khi tới trường. Cần đưa bé đi khám khi 3 tuổi, nhất là những gia đình có tiền sử cận thị hoặc mắc phải bệnh lý mắt khác.

Hiện nay, tỷ lệ tật khúc xạ ở Việt Nam khoảng 15 – 40%, tương ứng với khoảng 14 – 36 triệu người mắc. Trẻ em từ 6 – 15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 25 – 40% ở thành thị và 10 – 15 % ở nông thôn, tương đương với 3 triệu trẻ em. Có thể thấy, tỷ lệ cận thị ở các thành phố lớn cao hơn tỷ lệ cận thị ở nông thôn.

GS.TS Nguyễn Đức An - giảng viên Bộ môn mắt thuộc Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: Người trẻ thường mắc 3 tật khúc xạ gồm: Cận thị, viễn thị và loạn thị. Trong đó, cận thị là phổ biến nhất và thường gặp ở độ tuổi học đường.

Thông thường cận thị thường bắt đầu phát triển khi trẻ tới tuổi dậy thì, nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào, kể cả ở trẻ nhỏ.

Những trẻ bị cận thị bẩm sinh (thường là cận thị nặng), hay mắc phải do quá trình phát triển (thường xuất hiện lúc trẻ 7 – 10 tuổi). Khi cơ thể phát triển, mắt trẻ hoàn thiện và do đó cận thị cũng nặng lên. Tình trạng này thường ổn định khi cơ thể trẻ đã phát triển hoàn chỉnh, nhưng đôi khi cận thị cũng có thể tiến triển tới 25 – 30 tuổi. Cận thị hiếm khi xuất hiện sau tuổi 30, nếu điều này xảy ra thì đây có thể là dấu hiệu sớm của đục thủy tinh thể.

Theo các chuyên gia y tế phân tích, khi trẻ bị cận thị thường phải nheo mắt để nhìn, nên gây mỏi mắt, co quắp mi hay lác mắt, dần dần gây mất sự phối hợp thị giác giữa hai mắt. Đáng lo ngại, biến chứng cận thị có thể gây đục dịch kính, thoái hóa võng mạc, bong võng mạc dẫn đến mù lòa. Bởi vì mắt cận thị là mắt có trục nhãn cầu dài hơn bình thường hoặc công suất khúc xạ quá lớn. Khi đó, hình ảnh của vật sẽ hội tụ ở phía trước của võng mạc. Người bị cận thị nhìn xa mờ, nhưng nhìn gần vẫn rõ nhờ vào chức năng điều tiết của mắt trừ khi cận thị quá nặng.

Vì vậy, các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có hiện tượng: Hay ngồi quá gần tivi; đọc truyện, đọc sách quá gần; trẻ hay nheo mắt; trẻ hay mỏi mắt nhức đầu; trẻ có tiền sử sinh non, hoặc gia đình có người trong nhà bị cận thị,… cần đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời cc tật khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng. Đồng thời, tránh các tai biến do các tật khúc xạ về mắt gây ra cho trẻ nhỏ.

Hiện nay cả 2 dạng cận thị (bẩm sinh hay mắc phải) đều có xu hướng tăng nhanh, nên các bậc phụ huynh cần phải đưa trẻ đi kiểm tra khúc xạ thường xuyên, định kỳ 6 – 12 tháng/lần tùy theo sự tiến triển của cận thị để thay đổi số kính đeo thích hợp. Hiện nay, điều trị cận thị cho trẻ em, phương pháp phổ biến, thuận tiện, dễ dàng và rẻ tiền nhất là đeo kính cận. Ngoài ra có thể dùng kính tiếp xúc. Ở Việt Nam, chỉ dùng Laser Excimer chữa cận thị cho người từ 18 tuổi trẻ lên.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa cận thị ở trẻ em, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ đọc sách, học bài,… ở khoảng cách quá gần mắt. Khoảng cách thích hợp từ mắt đến sách đọc khoảng 30 - 40cm. Sau 1h đọc sách hoặc làm việc với máy tính cần nghỉ 5 – 10 phút, đồng thời xoa nhẹ mi mắt. Trẻ em nên được kiểm tra thị lực ít nhất mỗi năm 1 lần để đảm bảo sự phát triển thích hợp của thị giác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan khi trẻ bị cận thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO